Nghịch lý chứng chỉ nghề nghiệp cao hơn bằng cấp

Kim Lan
Kim Lan
21/03/2021 05:55 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng coi ' chứng chỉ nghề nghiệp cao hơn bằng cấp' là một nghịch lý, cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.

Như Thanh Niên đã đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ mới đây, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết việc "giảm tải" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Tréo ngoe “chứng chỉ cao hơn bằng cấp”

Nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét sự đồng thuận này đến từ việc trên thực tế, khi triển khai các yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đã nảy sinh nhiều… tréo ngoe. Đơn cử, người đang là chuyên viên cao cấp, nhưng thiếu chứng chỉ chuyên viên - do thời điểm được bổ nhiệm chưa có quy định yêu cầu, lại phải quay lại học chứng chỉ chuyên viên. Hoặc người có bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế, vẫn phải đi học lại để bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ… Từ những “tréo ngoe” này, BĐ Tuấn Đào nhận xét “chứng chỉ nghề lại to hơn cả bằng cấp, điều nghịch lý này dẫn đến nhiều nghịch lý khác”.

Chờ sửa luật thì giáo viên đã có đủ hết chứng chỉ chức danh nghề nghiệp rồi.

(da***@gmail.com)

Câu chuyện nghịch lý được nhắc nhiều trong ngành giáo dục. BĐ Lan Đặng Thị nói thẳng: “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hiện nay mà nhiều giáo viên đang đi học chỉ là làm đẹp hồ sơ, vì nội dung không mới so với điều đã đào tạo tại trường sư phạm”. Tán thành, BĐ Nguyễn Anh Dân hiến kế: “Đối với ngành giáo dục, cần bỏ hết các yêu cầu chứng chỉ nghề nghiệp. Muốn thăng hạng giáo viên, chỉ cần dựa vào trình độ đào tạo là đủ. Ví dụ giáo viên mầm non, tiểu học có bằng đại học (hệ 4 năm) được thăng hạng II, có bằng thạc sĩ được thăng hạng I; giáo viên THCS và THPT có bằng thạc sĩ được thăng hạng II, có bằng tiến sĩ được thăng hạng I. Thăng hạng như vậy sẽ tạo động lực cho giáo viên học tập nâng cao trình độ”.
Từ góc độ cá nhân, BĐ Nguyễn Anh Dân khẳng định cách thăng hạng giáo viên như vậy “sẽ tốt gấp nghìn lần phải bỏ tiền ra học, thi lấy những chứng chỉ không liên quan gì đến chuyên môn”.

Chờ giảm tải đã quá tải

Theo Bộ Nội vụ, không chỉ có viên chức, mà các công chức cũng sắp được “gỡ” khỏi các yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến lúc các cơ quan quản lý đặt ra yêu cầu giảm tải chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì nhiều giáo viên, công chức, viên chức… đã quá tải với các lớp bồi dưỡng chứng chỉ.

Tiền tỉ cho các chứng chỉ của giáo viên chứ đâu phải ít.        

Nguyễn Đức Dần

BĐ Huyền Nguyễn lưu ý thực tế “đến giờ này theo tôi thì 80% giáo viên cũng đã đi học chứng chỉ hết rồi. Tuyển mới không nói làm gì, đằng này toàn giáo viên công tác 25 - 30 năm, tự nhiên giờ không đạt chuẩn, nên ai cũng lo lắng”.

Tôi nghĩ bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là cần thiết, tránh tốn kém vì chi phí thi lấy chứng chỉ rất tốn kém lại không cần thiết. Hãy để công chức, viên chức tự học khi công việc bắt buộc phải biết.

Na Pham Thi

Vậy tại sao các yêu cầu chuẩn hóa “tréo ngoe” vẫn được đặt ra, để sau đó các bộ ngành phải “đồng thuận giảm tải”? Câu chuyện có thể đến từ yêu cầu hiệu quả thực tế trong công việc khiến các chứng chỉ định danh nghề nghiệp được “gọi tên”. Nhưng cũng chính từ tính hiệu quả trong thực tế công tác, BĐ Hieu.hct cho rằng “càng quy định nhiều chứng chỉ thì càng chạy theo hình thức, hiệu quả mang lại chưa tính được mà lại tốn rất nhiều tiền của, công sức. Trong khi điều đúng đắn là phải quan tâm đến chất lượng đào tạo cho thật tốt, tuyển dụng đầu vào thật chính xác, thì hiệu quả luôn cao”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.