Ngược ngàn mưu sinh

05/12/2019 08:30 GMT+7

Khi Kon Tum bước vào mùa thu hái, hàng ngàn lao động tự do đổ về đây xin làm phu hái cà phê. Hàng trăm cặp vợ chồng, mẹ con từ Quảng Ngãi cũng dắt díu nhau vượt đèo Vi Ô Lắc tìm đến.

Nhấp nhổm chợ người

Vào khoảng giữa tháng 11 hằng năm, người dân trồng cà phê tại Tây nguyên lại tất bật với công việc chuẩn bị cho một vụ mùa mới sau cả năm chăm sóc. Là một trong những vùng canh tác cà phê với diện tích lớn, mỗi vụ thu hoạch, H.Đăk Hà (Kon Tum) thu hút hàng ngàn lượt lao động từ khắp nơi đổ về.
Công việc đơn giản nhưng đem lại nguồn thu nhập khá nên nơi đây là miền đất hứa cho lao động tự do ngoại tỉnh. Cũng ở cái phố huyện này, vài năm trở lại đây đã hình thành nên một chợ lao động mà người dân hay gọi: chợ người.

Bà Thi cùng con trai từ Quảng Ngãi lên Kon Tum làm thuê kiếm tiền sửa nhà sau bão

Ảnh: Đức Nhật

Sáng mùa đông, trời căm căm lạnh. Từ 5 giờ sáng chợ người ở ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang (TT.Đăk Hà, H.Đăk Hà) đã ken đầy những chiếc xe biển số 76 của tỉnh Quảng Ngãi. Những cặp vợ chồng người Hrê trong bộ quần áo lao động đứng sát lại với nhau chia từng hơi ấm. Đa số lao động ở đây là người ở 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ (Quảng Ngãi). Họ rời nhà từ nửa đêm hôm trước, khi đến nơi cũng là lúc trời lờ mờ sáng. Họ dắt díu nhau ra ngã tư này chờ các chủ vườn đến ngã giá thuê nhân công. Sau khi đã thống nhất, họ sẽ theo các chủ vườn về trang trại làm phu hái cà phê thuê.
Những người ngoại tỉnh đến đây đi theo từng nhóm. Nhóm đông nhất chừng 10 người, tốp ít thì thường 2 đến 3 người. Trên chiếc xe máy họ mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc, nào áo quần, nào chăn gối. Có những người mang theo cả nồi cơm điện để chuẩn bị cho chuyến lao động dài ngày.
Ngược ngàn mưu sinh

Anh Soi vui khi sắp có tiền mang về cho vợ chăm con

Ảnh: Đức Nhật

Đứng ở một góc ngã tư, với đôi môi tím bầm vì giá rét, anh Phẩm Văn Chân (31 tuổi, ngụ H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) khẽ với tay chỉnh lại chiếc khăn quàng cổ cho vợ. Anh bảo rằng, anh có 2 người con, đứa lớn đang học lớp 3, đứa nhỏ mới vào lớp 1. Nhà canh tác được 2 ha keo với sắn, mỗi năm chỉ kiếm được hơn 30 triệu đồng. 3 năm nay để có tiền tiêu tết, anh và vợ để con lại cho bà nội chăm rồi rủ nhau lái xe máy vượt hơn 150 km lên Kon Tum đi hái cà phê thuê.
10 ngày trước, hành trình ngược ngàn hái tết của anh Chân bắt đầu từ lúc nửa đêm. Vợ chồng anh cùng một số cặp vợ chồng khác đèo nhau trên xe máy lên Kon Tum. Họ vượt qua hai con đèo Vi Ô Lắc và Măng Đen quanh co hiểm trở trong sương mù.
Anh Chân tâm sự: “Năm nào vào vụ hái cà phê vợ chồng tôi cũng lên đây đi làm cả tháng mới về. Biết là khổ, xa con cái, nhưng bù lại thu nhập cao hơn nhiều so với ở nhà. Hai vợ chồng đều tay thì cả tháng cũng kiếm được khoảng hơn 20 triệu đồng. Đó là khoản tiền lớn mà ở quê không dễ gì làm ra. Hôm qua, vợ chồng tôi mới hái xong cho một hộ gia đình ở xã Hà Mòn, giờ ra đây đứng chờ người đến thuê rồi đi làm tiếp”.
Anh Chân vừa dứt lời, một người đàn ông đứng tuổi tiến tới trao đổi giá cả thu hái. Sau khi đã thỏa thuận xong xuôi, hai vợ chồng anh Chân liền đi theo người đàn ông nọ về trang trại. Sau vài giờ, cái chợ người mới chen chúc ban sáng nay đã vãn gần hết.
Ngược ngàn mưu sinh

Từ 5 giờ sáng chợ người ở ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang đã ken đầy những chiếc xe biển số 76

Ảnh: Đức Nhật

Tha hương cầu thực

Chúng tôi gặp bà Đinh Thị Thi (46 tuổi, H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) ở một vườn cà phê tại xã Đăk Mar (H.Đăk Hà). Cũng theo tiếng gọi của mùa vụ, bà và đứa con trai Đinh Văn Tái (18 tuổi) dắt díu nhau lên đây hái cà phê thuê. Gia đình khó khăn nên Tái phải nghỉ học sớm phụ giúp cha mẹ.
Bà Thi kể: “Gia cảnh nghèo quá nên thằng Tái mới học hết lớp 10 đã xin nghỉ. 3 năm nay nó theo tôi lên đây đi hái cà phê kiếm tiền sắm tết”.
Bà bảo ở quê không có việc, lại vào thời kỳ nông nhàn nên không kiếm ra tiền. Vừa rồi cơn bão số 5 quét qua khiến nhà cửa của bà bị hư hại nặng. Gia tài lớn nhất của gia đình là 3 con trâu cũng chết trong cơn bão. Tranh thủ mùa thu hái cà phê, bà Thi cùng con trai lên Kon Tum làm thuê.
Người ngoại tỉnh về đây hái cà phê thuê có nhiều hoàn cảnh. Có người đã đi hái thuê nhiều năm nên cứ vào vụ thu hoạch khi chủ vườn điện thoại là họ đến làm. Nhưng cũng có những người mới đi làm lần đầu, vì vậy họ đi theo những người đã từng đi hái thuê trước đó.
Cùng nhóm với mẹ con bà Thi, anh Đinh Văn Soi (26 tuổi, ngụ H.Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã có thâm niên 4 năm đi hái cà phê. Soi cho biết, anh bắt đầu đi làm thuê từ khi 19 tuổi, gặp việc gì làm việc nấy. Sau này anh đi theo người quen lên Kon Tum hái cà phê thuê.
“Ở quê, đất bạc làm gì cũng không ra tiền, với lại mùa này ở nhà chẳng có việc làm nên tôi cùng anh em vào đây làm thuê kiếm tiền tiêu tết. Biết xa nhà là khổ cực đấy nhưng có đồng ra đồng vào cũng đỡ đần cho gia đình khi mùa vụ chưa tới”, anh Soi tâm sự.

Những giọt mồ hôi chân chính

Gạt giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán, anh Soi bảo, hồi đầu mới đi làm anh cũng bị đuổi vài lần, đến nỗi tiền công cũng không được lấy. Sau đó một thời gian anh Soi được một chủ vườn nhận về làm. Người ấy đã chỉ cho anh cách hái cà phê đạt năng suất, không bị hư hại cây. Dần dần quen tay rồi ông chủ giữ liên lạc với anh, cứ đến mùa là gọi anh Soi lên làm giúp.
Anh Soi tâm sự: “Mình làm quan trọng là phải uy tín, giúp đỡ chủ vườn nhiều việc họ mới thương. Mỗi đợt tôi về quê ăn tết ông chủ đều gửi quà về cho vợ và hai đứa con. Có lần ông chủ còn cho thêm tiền xăng để về nhà nữa đấy”.
Anh Soi vừa dứt lời, bà Thi cũng góp chuyện, những ngày mới đi làm, do là người ngoại tỉnh, bà bị chủ nhà soi mói, nghi kỵ đủ điều. Có những người chủ còn nói bóng nói gió, khinh miệt người làm thuê. Những lần bị như thế bà Thi đã định bỏ về. Thế nhưng vì miếng cơm manh áo, vì tấm bánh, món quà cho con ngày tết mà bà đành ở lại.
Những hạt cà phê chín đỏ theo đôi tay thoăn thoắt của bà Thi rơi xuống đất. Giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Cũng từ những giọt mồ hôi ấy, mái nhà bà Thi sẽ được sửa sang lại, hai đứa con nhỏ bé không phải bỏ học giữa chừng và một cái tết sẽ có thêm bánh kẹo.
Thượng tá Võ Tá Sơn, Phó trưởng công an H.Đăk Hà, cho biết vào vụ thu hái, nhiều lao động tự do từ địa phương khác đến làm việc nhưng do thời gian lao động ngắn nên chủ nhà không đăng ký lưu trú. Bên cạnh đó, những lao động tự do này thường hoạt động không theo thời gian, địa điểm nhất định. Điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý. Để đảm bảo an ninh, đơn vị đã thành lập một tổ tuần tra ban đêm vào các giờ cao điểm và các địa bàn trọng điểm.

“Những lao động ngoài tỉnh thường là người đi lao động chân chính nhưng cũng không loại trừ một số đối tượng trà trộn vào để thực hiện hành vi trộm cắp. Bà con cần đề cao cảnh giác, cất giấu tài sản ở nơi an toàn, tránh để kẻ gian lợi dụng sơ hở để trộm cắp. Ngoài ra, nếu phát hiện các đối tượng có hành vi chèn ép, nâng giá, ép giá hay bảo kê, bà con cần nhanh chóng trình báo cho cơ quan công an để có hướng xử lý”, thượng tá Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.