Theo ông Chung, con đường phía trước của Hà Nội “còn rất gian nan”, vì từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên mà Trung Quốc phát hiện cho đến khi kiểm soát được dịch là 12 tuần, trong khi hiện Hà Nội mới bước vào tuần thứ 2.
Nếu như giai đoạn 1, Hà Nội chỉ phải đối phó với nguồn lây từ Hàn Quốc, Trung Quốc, thì hiện nay đang phải đối phó với nguồn lây nhiễm từ rất nhiều nước. “Chúng ta đã có lây nhiễm chéo trên địa bàn, với trường hợp cán bộ thực thi công vụ là an ninh sân bay Nội Bài. Hà Nội chắc chắn trong hôm nay hay ngày mai sẽ tăng 7 - 8 ca, không loại trừ thời gian tới, số ca nhiễm sẽ vượt mức 20 ca”, ông Chung nói.
Ca cán bộ an ninh sân bay nghi ngờ nhiễm này ở địa bàn Q.Cầu Giấy (Hà Nội), có tiếp xúc với bệnh nhân ở sân bay Nội Bài, theo Chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy báo cáo tại phiên họp.
Nên làm việc online
“Tôi khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực, thực phẩm. Mọi người không có nhiệm vụ trong những ngày tới, từ nay đến 31.3, cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt. Thực sự chúng ta đang bước vào giai đoạn thử thách, nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao”, ông Chung cảnh báo.
Với 1,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên của Hà Nội, đặc biệt các trường hợp bị bệnh nền đang chữa trị, ông Chung cũng khuyên tốt nhất nên điều trị tại nhà; nếu đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì nên ở lại bệnh viện, giảm bớt đi lại, vì đây là nhóm có nguy cơ cao nhất.
Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, “nếu thấy sức khỏe yếu”, thì “nên nghỉ”. Các doanh nghiệp có thể làm việc online thì làm việc online. Sinh viên đang đi học (như một số trường tại Q.Bắc Từ Liêm) giờ được cho nghỉ, có điều kiện thì về, nếu không thì ở tại chỗ, vì việc đi lại những ngày tới là nguy cơ rất tiềm ẩn.
Bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch
Nguyên nhân của việc đưa ra khuyến cáo này, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, là vì từ nay đến 3.4, Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch. Các trường hợp đã nhập cảnh vào Hà Nội từ ngày 3.3 cho đến trước ngày 15.3, đặc biệt từ châu Âu, Mỹ (những vùng có dịch), có thể tiềm ẩn nguy cơ dương tính với SARS-CoV-2, tới ngày 3.4 mới là thời điểm an toàn (do hết thời gian ủ bệnh).
Vì vậy, theo ông Chung, khả năng cao là số ca bệnh của Hà Nội trong những ngày tới sẽ tăng lên, cho đến khi đạt đỉnh và hạ xuống. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ kiềm chế dịch bệnh, gồm: tổ chức việc cách ly thật tốt; xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm; và tuyên truyền cho người dân nhận thức tốt về dịch, có ý thức tự giác trong phòng, chống dịch.
Học sinh Hà Nội nghỉ học đến 5.4Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung đã quyết định cho học sinh (HS) tất cả các cấp học trên địa bàn nghỉ học đến hết ngày 5.4, vì “qua diễn biến dịch trên thực tế thì không có khả năng HS THPT của chúng ta có thể đi học vào ngày 22 - 23.3 được”.
Theo ông Chung, “không loại trừ” khả năng khung chương trình học do Bộ GD-ĐT ban hành sẽ “vỡ”, nếu như dịch có diễn biến phức tạp trong 15 ngày tới. “Nếu ngày 5.4, HS vẫn chưa thể đi học lại thì rất có thể khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT sẽ nhỡ thêm lần nữa. Do đó, TP giao Sở GD-ĐT báo cáo Bộ, nếu suôn sẻ, ngày 5.4 HS đi học được, thì vẫn đảm bảo kỳ thi vào giữa tháng 8.
Nếu kịch bản xấu, thời điểm đó chưa đi học lại được, thì phải tính toán lại kịch bản năm học. Môn nào học qua truyền hình được thì học, môn nào không thì đi học sau”, ông Chung chỉ đạo. Cũng theo ông Chung, có những ông bố, bà mẹ nhắn tin cho ông là “thậm chí con đúp 1 năm cũng được, nhưng phải an toàn”, do đó, cơ quan chuyên môn của Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu”.
|
Bình luận (0)