Người dân ồ ạt rời TP.HCM, các tỉnh không thể tiếp nhận kịp

03/08/2021 12:52 GMT+7

Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận với số lượng cả triệu người đang sinh sống và làm việc, nếu người dân ồ ạt rời thành phố về các tỉnh trong thời gian ngắn thì công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn, nhất là địa phương tiếp nhận.

Sáng 3.8, tham dự buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã trao đổi với báo chí về việc người dân đi về quê và công tác an sinh xã hội.

Đề xuất hỗ trợ các hộ khó khăn vì Covid-19 không cần tạm trú tại TP.HCM

Ông Mãi thông tin số lượng người dân từ các tỉnh đang công tác, làm việc ở thành phố rất lớn, có thể lên đến cả triệu người. Do đó, nếu tất cả người dân về quê vào thời điểm này thì công tác tổ chức, đặc biệt là đón nhận của các tỉnh sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành và TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển giữa các địa bàn nên nếu số lượng người về lớn thì bất khả thi cho công tác tổ chức.
Do đó, ông Mãi đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại thành phố trong giai đoạn khó khăn này. Về phía chính quyền, TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực, sự giúp đỡ của các địa phương, kể cả ngân sách, quỹ dự trữ để đảm bảo chăm lo.
“Chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói”, ông Mãi khẳng định.

Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

TP.HCM vừa thành lập Trung tâm Tiếp nhận và cấp phát, hỗ trợ nhu yếu phẩm 3 cấp (thành phố, quận huyện và phường xã), phát huy hệ thống chính trị cơ sở, đoàn thể, tổ chức tình nguyện, các đảng viên ở khu phố nắm chắc bà con khó khăn để chăm lo kịp thời. TP.HCM xác định công tác chăm lo, hỗ trợ người dân không chỉ 1 - 2 tuần mà có thể kéo dài 1 - 2 tháng hoặc dài hơn nữa.

Bản tin Covid-19 ngày 3.8: Cả nước 8.429 ca bệnh, đề xuất tiêm vắc xin Nanocovax cho 1 triệu người

Về gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, ông Mãi thông tin có nhiều người chưa được nhận vì không nằm trong đối tượng thụ hưởng. Do đó, TP.HCM đã đề nghị các phường, xã, thị trấn nắm danh sách bà con công nhân, lao động, sinh viên bị mất việc thời gian qua, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn... để hỗ trợ.
Ông Mãi nhìn nhận số lượng người dân ở thành phố rất đông, có thể các đơn vị không bao quát được hết nên bà con chủ động liên hệ địa phương hoặc thông qua tổng đài 1022 (kênh 2). Sắp tới, TP.HCM sẽ củng cố lại và mở thêm kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời chăm lo. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.