Người dân TP.HCM với mô hình Food Bank giúp nhau đi chợ mùa dịch Covid-19

Đào Nguyên
Đào Nguyên
02/09/2021 16:14 GMT+7

Cư dân chung cư Feliz (P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cùng lập mô hình Food Bank giúp đỡ nhau mua hàng hóa trong thời gian giãn cách.

Chị Lưu Bảo Anh (39 tuổi, cư dân chung cư Feliz), một trong những thành viên đầu tiên đưa ra ý tưởng về mô hình Food Bank, cho biết từ ngày 23.8, khi TP.HCM tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, người dân được đi chợ hộ 1 lần/tuần khiến cho chị và hàng xóm không khỏi lo lắng...

Bớt gánh nặng cho chính quyền

“Việc mua hàng hóa nhờ hết vào lực lượng cán bộ phường sẽ là áp lực không nhỏ đối với chính quyền địa phương. Xung quanh chung cư vẫn còn nhiều người dân khó khăn cần được ưu tiên giúp đỡ hơn nên mình chủ động lo liệu những chuyện trong khả năng để bớt đi phần nào gánh nặng về đơn hàng đi chợ hộ cho chính quyền địa phương”, chị Bảo Anh chia sẻ.
Sau khi gợi ý cho nhóm bạn ở chung cư, mỗi người tự liên lạc với những chỗ biết bán nhu yếu phẩm cần thiết, từ đó đặt hàng với số lượng lớn để họ giao cùng lúc. Cư dân chung cư Feliz nhanh chóng lập mô hình Food Bank.

Bên giao hàng sẽ đặt rau trước sảnh để người dân chung cư xuống nhận theo thứ tự đã được sắp xếp

NVCC

Mỗi ngày, nhóm phụ trách Food Bank sẽ chọn ra 2 - 3 loại thực phẩm như thịt, rau củ, thuốc kê đơn… cần thiết để đặt mua. Sau đó, thành viên của nhóm sẽ liên hệ đến các nhà cung ứng để đặt hàng.
“Nhóm vận hành rất nhanh chóng bởi vì mỗi ngày sẽ chỉ chọn ra hai đến ba loại nhu yếu phẩm cần thiết để đặt mua. Ví dụ hôm nay mua thịt heo thì sẽ thông báo lên nhóm, cư dân mua bao nhiêu thì đăng ký, hôm nào mua rau thì chỉ đặt mua rau. Mỗi ngày chỉ được mua 1 - 2 món, không đặt đơn hàng mua nhiều món lẻ tẻ, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian lựa chọn hàng hóa”, chị Anh nói.

Người dân chung cư chuẩn bị các phần quà cho nhân viên làm việc ở chung cư

NVCC

Ngoài đặt mua thực phẩm thiết yếu, chị Phan Thị Quỳnh Vi (42 tuổi, thành viên nhóm Food Bank) cho biết nhóm còn hỗ trợ mua thuốc kê theo toa vì số lượng người dân cần dùng thuốc rất nhiều nhưng tình hình dịch phức tạp nên mọi người gặp khó khăn trong việc mua thuốc.  
Sau khi nhận đơn thuốc từ phía cư dân, chị Vi sẽ liên hệ với nhà thuốc để kiểm tra xem loại nào còn hàng, nếu hết thuốc sẽ được thay bằng loại thuốc tương tự nào, giá cả ra sao. Nếu cư dân đồng ý, nhóm sẽ tranh thủ hoàn thành đơn hàng để nhà thuốc giao đến.
“Số lượng thuốc kê theo toa rất nhiều, nếu như không thể kịp thời cung cấp số thuốc đó thì có lẽ việc chăm sóc sức khỏe của cư dân ở chung cư Feliz sẽ gặp nhiều khó khăn", chị Vi chia sẻ. 

Bộ đội đi chợ hộ dân, chuyển giúp siêu thị hàng ngàn combo mỗi ngày

Lập quỹ rau, hỗ trợ nhân viên làm việc ở chung cư

Ngoài việc mua thực phẩm giúp cư dân chung cư, nhóm Food Bank còn lập “quỹ rau” để hỗ trợ cho nhân viên và thành viên Ban quản lý chung cư. Theo chị Lưu Bảo Anh, các nhân viên và thành viên Ban quản lý chung cư phải ở lại chung cư làm việc theo quy định phòng chống dịch Covid-19 “3 tại chỗ”. Vì vậy, họ cần đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm… cư dân của chung cư thay phiên nhau gửi các đồ gia dụng như nồi cơm điện, tủ lạnh… cho nhân viên, thành viên Ban quản lý chung cư.
Nhiều cư dân khi chuyển tiền mua hàng cho nhóm Food Bank đã chuyển dư một ít tiền để phòng hờ, khi nào đơn hàng thiếu hụt tiền thì bù vào. Thấy vậy, chị Bảo Anh đã hỏi ý kiến của cư dân và dùng số tiền dư này lập quỹ rau hỗ trợ cho nhân viên và thành viên Ban quản lý chung cư để mua thực phẩm.
Chị Nguyễn Thùy Trang (40 tuổi, nhân viên tạp vụ chung cư Feliz) cho biết hơn một tháng nay chị phải ở lại chung cư để làm việc. “Mới ngày đầu ở lại chung cư làm việc tôi lo lắng đủ thứ. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ từ phía cư dân ở đây cho thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt nên hầu như tôi không gặp khó khăn gì. Khi làm xong công việc của mình, nếu cư dân họ cần sắp xếp hàng hóa tôi ra giúp”, chị Trang chia sẻ.

Nhân viên phục vụ quản lý chung cư nhận các phần quà hỗ trợ từ cư dân chung cư Feliz

NVCC

Ông Bùi Lê Khương Duy, Trưởng ban quản lý chung cư Feliz, cho biết hiện tại chung cư có 1.127 căn hộ và với 600 căn hộ có người dân sinh sống nên nhu cầu mua nhu yếu phẩm hằng ngày rất cao. Ngoài 85 nhân sự đang làm việc cho Ban quản lý chung cư, P.Thạnh Mỹ Lợi cũng hỗ trợ thêm 5 tình nguyện viên để giúp người dân trong chung cư đi chợ.

Người dân TP.HCM tải ứng dụng ‘Hỗ trợ an sinh’ để yêu cầu cứu trợ trong dịch Covid-19

“Mỗi ngày có khoảng vài chục đơn hàng với rất nhiều nhu yếu phẩm người dân đặt mua, trong lúc Ban quản lý đang cố gắng sắp xếp hỗ trợ cư dân ở Feliz mua hàng thì họ chủ động lập ra nhóm Food Bank để cùng nhau đặt hàng, mong muốn san sẻ gánh nặng với Ban quản lý chung cư và chính quyền địa phương. Sau khi mô hình này ra đời thì chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Và Ban quản lý chung cư cũng cố gắng sắp xếp hỗ trợ ngay khi họ cần”, ông Khương Duy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.