Nhà nước làm 'bà đỡ' thị trường cho cơ khí nội bứt phá

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/09/2019 06:25 GMT+7

Các doanh nghiệp cơ khí nội khẳng định điều họ cần nhất từ nhà nước không phải ưu đãi này kia mà là bảo vệ thị trường nội để họ tự tin bứt phá, “quyết chiến”.

Đó là thông điệp chính được đưa ra tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí VN do Bộ Công thương tổ chức ngày 24.9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Doanh nghiệp: Chính phủ có “quyết chiến không”?

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hết năm 2017, cả nước có trên 25.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số DN chế biến chế tạo, với doanh thu thuần khoảng 1,465 triệu tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1,1 triệu lao động. Quy mô, năng lực các DN cơ khí được nâng cao ở hầu hết các ngành. Đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Một số DN có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty lắp máy (Lilama), Tổng công ty máy động lực và nông nghiệp (VEAM). Một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo như khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam...
Song ngành cơ khí nội đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Năng lực còn thấp, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu trong nước. Còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí Việt. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa thể hiện dẫn dắt, nhất là cơ khí chế tạo. Do vậy, rất cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ từ tạo thị trường, tín dụng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển, ưu đãi về đất đai, thuế... để DN nội lớn mạnh.
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến tham luận của DN tại đây lại nhấn mạnh đến việc nhà nước tạo dựng một thị trường đủ lớn để DN nội đầu tư, liên kết và sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh. Ông Lê Văn An, Tổng giám đốc Tổng công ty cơ điện xây dựng, dẫn chứng như với các đại dự án chống xâm nhập mặn, nước biển dâng ở TP.HCM, ĐBSCL, DN trong nước hoàn toàn chủ động về công nghệ từ thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành lâu dài. “Nếu Chính phủ giữ lại cho DN trong nước làm thì sẽ tiết kiệm cỡ 1.000 tỉ đồng”, ông An khẳng định khiến cả hội trường vỗ tay. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy VN (Lilama), khẳng định: “Chúng ta có thể làm được. Ví dụ ngay từ khâu lập, phê duyệt dự án sao không trình luôn danh mục hàng hóa trong nước làm được để các dự án không phân biệt FDI hay vốn ngân sách phải theo, rồi từ đó giao cho hải quan có hàng rào ngăn chặn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thể Hà, Giám đốc đầu tư Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ (TP.HCM), đưa ra bài toán chi tiết: Với sản lượng lúa của ĐBSCL mỗi năm là 25 triệu tấn thì lợi ích tạo ra (trên lý thuyết) từ cơ giới hóa canh tác, sau thu hoạch mang lại chuỗi giá trị 100.000 tỉ/năm (25 triệu tấn x 4 triệu đồng). “Nếu chỉ thực hiện 25% của tất cả các công đoạn thì đã tạo ra nguồn thu 25.000 tỉ đồng/năm và đó là nguồn nội lực rất lớn để ĐBSCL đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chưa kể đến công nghiệp chế biến của ngành thủy sản, cây ăn trái”, ông Hà nhẩm tính và cho rằng, nếu Chính phủ coi nông nghiệp là nền kinh tế chính, tức phải có công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp để “làm thẳng lưng người nông dân” thì cơ khí nông nghiệp của VN sẽ thắng lợi. “Hội nghị Diên Hồng xong là quyết chiến. Vấn đề là Thủ tướng có quyết chiến không”, ông Hà nói.

Thủ tướng: Chính phủ “quyết chiến”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ “quyết chiến” để đưa ngành cơ khí VN tiến bước, đồng thời bày tỏ sự vui mừng trước khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế VN, cơ khí VN để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng cũng cam kết có chính sách tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế, trong đó nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Nghiên cứu quy định hỗ trợ DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước cũng như sẽ ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho DN nội.
Cùng với đó cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước; triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan hoàn thiện những quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước. Khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5 - 10 năm. Đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường. Bộ Khoa học - Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.