Nhà sáng lập Ivy Consulting tìm cha mẹ Việt thất lạc

31/12/2019 07:31 GMT+7

Cận kề cuối năm, một gia đình người Mỹ gồm bà Kim (gốc Việt), ông Guy Fish, cùng 3 con đến tòa soạn Báo Thanh Niên mong giúp bà Kim tìm cha mẹ ruột sau gần 60 năm thất lạc.

Bé gái mồ côi không biết cười

Suốt nhiều giờ trò chuyện với những khoảnh khắc xúc động, bà Kim (tên khai sinh là Nguyễn Thị Kim Loan) kể lại câu chuyện của mình: cuộc đời của một bé gái Việt Nam được một gia đình nhà ngoại giao Mỹ nhận nuôi vào thời chiến.
Trong bài báo tựa đề Sài Gòn: Mắt bão đăng trên tạp chí National Geographic số tháng 6.1965, Peter White và W.E.Garrett - hai nhà báo và sau này là bộ đôi biên tập viên kỳ cựu của tạp chí uy tín ở Mỹ - đề cập đến trường hợp vợ chồng ông bà Walter Wells (tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Mỹ và là Giám đốc Hội Việt - Mỹ) đã nhận nuôi bé gái tên Kim Loan, tức bà Kim. Theo lời bà Kim, người mẹ nuôi đã kể lại kỹ lưỡng tình trạng của mình vào thời điểm lần đầu tiên gặp gỡ vào năm 1963 trên tạp chí này.
Bà Wells là một y tá, theo chồng đến miền Nam Việt Nam công tác. Thời gian rảnh rỗi, bà và con gái lớn đến các cô nhi viện để chăm sóc trẻ mồ côi, và trong một dịp tình cờ, bà nhìn thấy Kim Loan ở một cô nhi viện nằm gần Đại sứ quán Mỹ hồi năm 1963.
Không rõ cô bé bao nhiêu tuổi, nhưng người ở cô nhi viện cho rằng Kim Loan khoảng 2 tuổi rưỡi, có nghĩa là sinh vào năm 1961. Lúc đó cô bé gầy nhẳng, bụng ỏng, cơ thể xuất hiện các vết phát ban.
“Mẹ kể lại tôi không hề biết cười, hay biết khóc. Hoàn toàn không có một biểu cảm nào”, bà Kim nhớ lại. Chẳng biết vì lý do gì bà Wells lại cảm thấy vô cùng quyến luyến cô bé. Mỗi thứ bảy bà lại đến cô nhi viện và dành nhiều thời gian chăm sóc Kim Loan. Một ngày bà hỏi người quản lý có thể mang bé về nhà trong hai tuần hay không, và nhận được sự đồng ý. Hai tuần nhanh chóng kéo thành hai tháng.
Đến năm 1965, khi có lệnh rút về nước, gia đình Wells chuẩn bị rời khỏi Việt Nam và họ quyết định nhận nuôi Kim Loan, lúc đó vẫn chưa có họ tên đầy đủ vì là trẻ mồ côi. Trong vòng 2 ngày, gia đình vội vã làm các thủ tục cần thiết, bao gồm giấy khai sinh. Để cho đầy đủ, người làm giấy quyết định lấy họ phổ thông của Việt Nam và thêm chữ Thị cho bé gái, và Kim Loan từ đó có tên chính thức là Nguyễn Thị Kim Loan. “Hầu như suýt chút nữa cha mẹ và chị không mang theo tôi được vì không làm đủ thủ tục”, bà Kim kể lại.
Mọi thông tin bạn đọc có thể biết được về cô bé mồ côi tên Kim Loan năm xưa ở một cô nhi viện gần Đại sứ quán Mỹ, có thể liên hệ với Báo Thanh Niên.

Gia đình Ivy League

Bài báo trên tạp chí National Geographic có đoạn: “Bà Wells đã nhận nuôi cô bé, và ngày mai họ sẽ quay về Connecticut (Mỹ). Tôi từng gặp bé Kim Loan Wells, giờ đã hoạt bát và xinh xắn, tính cách sáng sủa và thật tinh nghịch. Một ngày nọ, cô bé sẽ trở thành nữ sinh nổi tiếng nhất tại trường”.
Kim Loan học giỏi từ nhỏ đến lớn, và cuối cùng thi vào Trường đại học Yale như mơ ước. Bà Kim lập gia đình với ông Guy Fish và con cái họ cũng theo gương cha mẹ đều được nhận vào các trường thuộc hệ thống Ivy League danh giá. Hiện bà là nhà sáng lập và điều hành Công ty Ivy Consulting, cung cấp tư vấn cho những người có ý định nhập học ở Ivy League.
Lần đầu tiên, bà quay về nước vào năm 2010, nhưng lúc đó vẫn chưa dám mơ đến chuyện tìm lại cha mẹ ruột. Đến lần thứ hai, tình cờ bà biết một người từng là trẻ mồ côi tại cùng cô nhi viện, người đã thành công tìm được thân nhân và chia sẻ câu chuyện của mình trên trang adoptedvietnamese.org.
Theo đó, bà Suanne Prager, được gia đình người Úc nhận nuôi, đến TP.HCM và đến được nơi từng là cô nhi viện. Đây là trại trẻ mồ côi do linh mục Olivier, người Canada, thành lập, nhưng đã bị đóng cửa sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. May mắn là nhà thờ liền kề cô nhi viện vẫn còn hoạt động đến nay, và hiện mang tên Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng. Nhờ sự giúp đỡ của bà Prager, gia đình bà Kim đến nhà thờ, và tìm được thông tin trên hồ sơ ghi lại các trường hợp rửa tội tại đây từ năm 1961 - 1963.
Chồng bà Kim, ông Guy Fish vui mừng gửi thư điện tử cho chúng tôi: “Có một vài bé gái tên Kim Loan, nhưng chỉ có một hoặc hai được cha Olivier rửa tội. Và chúng tôi đã tìm được một cái tên duy nhất là trẻ mồ côi! Kế bên ghi tên của người phụ nữ đã mang trẻ đến rửa tội”. Cái tên đó là “Trần Trị Ngọc Liễu” hoặc “Trần Thị Ngọc Liên”. Gia đình hy vọng sẽ dựa vào thông tin này để có thể tìm ra thân nhân của bà Kim.
Rõ ràng, với quá ít thông tin khi còn ở Việt Nam, bà Kim không dám mơ sẽ sớm tìm được cha mẹ ruột của mình. Dẫu vậy, trong suốt cuộc đời, khi nhìn thấy sự khác biệt giữa mình và các chị em trong gia đình, bà Kim luôn khao khát một ngày nào đó tìm được cha mẹ ruột, để bức tranh của đời bà không mất đi những mảnh ghép đầu tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.