Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là chống dịch thành công

27/07/2021 06:40 GMT+7

Trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, cả Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nhiệm vụ cấp bách hàng đầu lúc này là tập trung mọi nguồn lực, biện pháp để chống dịch thành công.

Nỗ lực hết mình, lắng nghe ý kiến nhân dân

Sáng 26.7, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ, ông Nguyễn Xuân Phúc hứa trước QH và đồng bào sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thượng tôn pháp luật. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi sẽ luôn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước cũng cam kết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, luôn giữ gìn cuộc sống bình an cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
“Trong bất kỳ trọng trách nào mà Đảng, QH và nhân dân đã giao phó, Chủ tịch nước sẽ luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, tích cực lắng nghe, phát huy dân chủ, bám sát thực tiễn, kiên định ý Đảng, lòng dân, coi đó là một cội nguồn sức mạnh”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Lễ tuyên thệ và tiểu sử Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Về đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước chia sẻ, trong gian khó, niềm tin của nhân dân, bạn bè quốc tế và quyết tâm chính trị của chúng ta và bản chất của chế độ một lần nữa tỏa sáng.
“Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này với khả năng lây lan mạnh của biến thể Delta, tôi xin bày tỏ niềm tin vào sức mạnh “Diên Hồng” của dân tộc ta, tinh thần đoàn kết vô địch của nhân dân ta, niềm tin và quyết tâm của Chính phủ, của tất cả chúng ta về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới như Bác Hồ đã dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chia sẻ với nhân dân những khó khăn trong phong tỏa, cách ly

Chiều cùng ngày, cũng với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, QH cũng thông qua Nghị quyết bầu ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học hay của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; “lấy dân làm gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Lãnh đạo Lào, Trung Quốc gửi điện chúc mừng

Ngày 26.7, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng nhân dịp ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước. Cùng ngày Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh; Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi điện mừng nhân dịp ông Phạm Minh Chính được Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 20.7, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane; Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng đã gửi Thư chúc mừng, điện mừng nhân dịp ông Vương Đình Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
TTXVN
Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Đảng và Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Theo Thủ tướng, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc xin; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc để chống dịch thành công.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

QH bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao

Chiều 26.7, với 100% đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành, QH khóa XV đã thông qua các nghị quyết bầu bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, làm Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2016 - 2021, làm Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2021 - 2026; ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2016 - 2021, làm Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Chính cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ những “rào cản”, “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Tuyệt đối không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đồng thời, tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh con người.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Ông Nguyễn Xuân Phúc (67 tuổi), quê xã Quế Phú, H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ chuyên môn cử nhân kinh tế.
Từ năm 1966, ông Phúc lên chiến khu cách mạng, được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo. Từ năm 1973, ông là sinh viên khoa Kinh tế công nghiệp, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, năm 1978, ông làm cán bộ tại Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó trải qua nhiều chức vụ tại UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 2001 - 2006, ông là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Từ 2006, sau khi được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư khóa X, ông Phúc lần lượt giữ các chức vụ Phó tổng thanh tra Chính phủ, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Từ năm 2011, sau khi được bầu vào Bộ Chính trị khóa XI, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Chính phủ. Tới Đại hội XII (năm 2016), ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị và được Quốc hội bầu làm Thủ tướng. Tới tháng 4.2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội XIV, ông được bầu làm Chủ tịch nước. Tới tháng 7.2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ông được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ông Phạm Minh Chính (63 tuổi), quê quán tại tỉnh Thanh Hóa; trình độ tiến sĩ luật học, PGS ngành khoa học an ninh. Năm 1977, ông Chính học Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó theo học Trường đại học Xây dựng Bucarest - Romania, Khoa xây dựng dân dụng - công nghiệp, chuyên ngành kết cấu thép. Từ năm 1985, ông là cán bộ tình báo thuộc Cục Tình báo, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Sau đó, ông trải qua nhiều chức vụ trong Bộ Công an, giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Công an (từ tháng 8.2010).
Từ năm 2011, ông Chính được điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Tới năm 2015, ông được điều động làm Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư. Năm 2016, tại Đại hội XII, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng ban Tổ chức T.Ư. Tại Đại hội XIII, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII. Tới tháng 4.2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông được bầu làm Thủ tướng. Tới tháng 7.2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ông Vương Đình Huệ (64 tuổi), quê quán Nghệ An, trình độ GS-TS kinh tế. Từ 1974 - 1978, ông Vương Đình Huệ là sinh viên Trường đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Sau tốt nghiệp, ông Huệ ở lại trường làm giảng viên, rồi làm nghiên cứu sinh tại Bratislava, Slovakia (1986 - 1990), sau đó quay trở lại trường làm giảng viên, rồi Phó trưởng khoa, Trưởng khoa, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
Tới năm 2001, ông Huệ được bổ nhiệm làm Phó tổng kiểm toán nhà nước, rồi Tổng kiểm toán nhà nước (từ 2006 - 2011). Từ tháng 8.2011, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tới tháng 12.2012, ông được điều động, phân công làm Trưởng ban Kinh tế T.Ư. Tại Đại hội XII, ông được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Phó thủ tướng.
Tới tháng 2.2020, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tại Đại hội XIII, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII. Tới 4.2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. Tới tháng 7.2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XV, ông tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.