Đến thôn An Vọng (xã Hoàng Diệu, H.Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi ông Bí thư Chi bộ thôn Trần Quang Huy thì ai cũng khen vì 10 năm qua ông đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa cho quê hương. Từ một thôn nghèo của xã Hoàng Diệu, đến nay, đường làng ngõ xóm của thôn An Vọng được mở rộng, ô tô vào đến từng nhà; 100% nhà ở dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, 10 năm liên tục An Vọng được công nhận là thôn văn hóa tiêu biểu của huyện, thôn trắng về tệ nạn xã hội và năm nay thì không còn hộ nghèo.
Bỏ tiền túi đi đền bù thiệt hại cho dân
Với những cống hiến của mình, ông Trần Quang Huy đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành thuộc xã, huyện, TP; nhiều lần được tuyên dương người tốt việc tốt các cấp. Ông từng là nhân vật được TP.Hà Nội chọn viết sách Những bông hoa đẹp của thủ đô.
|
Thế rồi ông đến từng nhà tuyên truyền, giải thích với bà con để họ đồng ý mức đền bù chỉ có 15 triệu đồng. “Khi ấy, thôn làm gì có tiền, nên tôi về nhà nói với vợ: Em đưa cho anh 15 triệu để anh giải quyết việc tập thể. Vợ tôi ngần ngại nói: Nhỡ sau này thôn không có tiền trả thì sao. Tôi bảo: Không có thì ủng hộ, vì đây là việc lớn, vận động được người dân đồng tình không phải dễ, nên phải chớp thời cơ làm cho bằng được. Vậy là tôi đem 15 triệu đi giải quyết đền bù cho dân”, ông Huy nhớ lại.
|
Hỏi về việc ông vận động thế nào để người dân chấp nhận đền bù có 15 triệu trong khi giá trị kinh tế khu đất lên tới 10 tỉ đồng, ông Huy chia sẻ: “Tôi đã nói với bà con cần hy sinh vì những lợi ích lâu dài của thế hệ trẻ. Có sân vận động, con em chúng ta có nơi vui chơi, tập luyện thể thao vừa khỏe mạnh, vừa tránh xa các tệ nạn xã hội. Vậy là bà con đồng tình và ngày khánh thành sân vận động, mọi người còn đóng góp gây quỹ được 114 triệu đồng”. Ông Huy cũng cho biết, từ ngày có sân vận động, thanh thiếu nhi trên địa bàn rất chăm rèn luyện thể dục, thể thao và giảm hẳn các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc...
Trước tình hình văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư xuống cấp, ông Huy đã cùng lãnh đạo chính quyền và chi bộ vận động để xây dựng thư viện cho thôn với trị giá 270 triệu đồng. Ông cũng vận động được hơn 2.000 đầu sách. “Thư viện thôn đã được Giám đốc Thư viện quốc gia về thăm và được Thư viện Hà Nội thường xuyên mang sách về trao đổi. Số người đọc rất đông, chủ yếu là thanh thiếu niên”, ông Huy phấn khởi cho biết. Để duy trì hoạt động của thư viện, một cán bộ hưu trí ở địa phương đã tình nguyện ra làm thủ thư và phục vụ miễn phí. Gặp chúng tôi, ông Trần Quang Điền, người trông coi thư viện, cho hay thấy ông Huy nhiệt tình, trách nhiệm và luôn vì thế hệ trẻ, nên ông cũng muốn đóng góp sức mình để hỗ trợ mà không lấy một đồng tiền công nào.
|
Tận cùng dân chủ
Nhắc đến ông Huy, người dân thôn An Vọng nhớ nhất là “kỳ tích” ông quy tập được 306 ngôi mộ của làng đã bị vùi lấp mấy chục năm bởi một trận lụt. Người dân bảo đó là việc “động giời”, không ai có thể làm được vì là chuyện tâm linh, không dễ được đồng ý. Tuy nhiên, để làm đẹp quê hương và thực hiện chủ trương quy tập nghĩa trang, xây dựng nông thôn mới, ông Huy vẫn đến từng ngõ, gõ từng nhà kiên trì vận động người dân và phải mất gần 3 năm thuyết phục.
“Muốn làm được việc này phải được người dân đồng thuận tuyệt đối, một người không đồng ý cũng không làm được. Chúng tôi đã họp không biết bao nhiêu cuộc họp. Lúc đầu họ bảo tôi gàn dở vì động vào mồ mả của các bậc tiền nhân, nên chỉ có 10 gia đình đồng ý”, ông Huy cho biết.
Sau đó, ông viết hơn 100 bức thư gửi từng gia đình để thuyết phục. Mỗi lá thư như một lá phiếu để người dân ký xác nhận. Cùng với đó, ông công khai kế hoạch quy tập và xây dựng nghĩa trang; công khai thiết kế, ngày giờ thực hiện và phân công trách nhiệm...
“Tôi phải làm đến tận cùng của sự dân chủ, để ai cũng thấy đó là công việc của mình và cuối cùng đã được 100% người dân đồng ý”, ông Huy kể. Không chỉ có vậy, ông đã vận động xã hội hóa được hơn 1 tỉ đồng để xây dựng nghĩa trang. Ngoài ra, ông Huy còn vận động được hàng trăm triệu đồng để trồng cây xanh những nơi công cộng; bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, tranh tường bích họa… giúp làng quê trở thành nơi đáng sống.
Đặc biệt, có những tập tục của làng quê từ lâu đời cũng được ông vận động người dân đổi mới để thực hiện nếp sống văn minh như việc mừng thọ được tổ chức tập thể 6 năm nay, không còn cảnh mọi người phải chạy khắp làng đi mừng thọ. Đó là chưa kể những “giới nghiêm” trong làng của ông là không có quán ăn, cửa hàng internet, nơi dễ dàng phát sinh các tệ nạn xã hội. Có lẽ vì thế mà 10 năm qua, An Vọng luôn được công nhận là thôn văn hóa tiêu biểu của huyện.
Phải hợp lòng dân
Khi được hỏi bí quyết để thực hiện thành công các công việc của địa phương, ông Huy nói: “Tôi luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thế nên, trong công việc phải kiên trì, khéo léo và mọi ý tưởng đưa ra phải hợp lòng dân. Đặc biệt, bản thân mình luôn phải gương mẫu, miệng nói tay làm, chí công vô tư, việc gì có lợi cho người dân thì phải làm và quyết tâm làm bằng được, có như vậy thì dân mới tin”.
Đặc biệt, ông Huy cho biết, để làm được việc chung, ông đã sẵn sàng hy sinh những quyền lợi cá nhân của mình và gia đình. “Trước khi về làm bí thư chi bộ thôn, tôi và vợ đang làm chủ doanh nghiệp du lịch với doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng, ở thị trấn của huyện, nhưng được xã tín nhiệm vận động về làm cán bộ, giúp quê hương, tôi đã bỏ việc kinh doanh để về đóng góp cho địa phương. Mong muốn của tôi là khi quê hương được đổi mới thì người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn và tương lai thế hệ trẻ sẽ tươi sáng hơn”, ông Huy trải lòng.
Nhận xét về ông Huy, ông Đào Danh Dũng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Hoàng Diệu, nói: “Ông Huy là cán bộ tiêu biểu của xã, luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc, gần gũi nhân dân, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của địa phương. Nổi bật là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội...”.
Gặp chúng tôi ở Nghĩa trang thôn An Vọng, ông Trần Văn Lập, một người dân trong thôn, cũng không tiếc lời khen ông Huy: “Ông Huy sống giản dị, gần gũi với bà con, lối xóm, nặng tình với quê hương. Việc gì ông cũng đều làm bằng tất cả trách nhiệm, nên được bà con tin yêu, kính trọng”.
Bình luận (0)