Những người lao động nào được ưu tiên sang Hàn Quốc làm việc thời vụ?

Thu Hằng
Thu Hằng
07/08/2020 17:20 GMT+7

Lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng… là những đối tượng được ưu tiên tham gia chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc.

Đây là hướng dẫn vừa được Bộ LĐ-TB-XH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trên cơ sở quan hệ hợp tác sẵn có giữa địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc, cơ quan cấp tỉnh trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Trong thỏa thuận cần nêu rõ mục đích và phạm vi hợp tác, chế độ đối với người lao động, trách nhiệm của các bên ký kết.
Thỏa thuận cũng phải nêu rõ các chế độ đối với người lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm... và các chi phí đào tạo bồi dưỡng, làm hộ chiếu, xin visa... để người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương tuyển chọn đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu đối với người lao động trong thỏa thuận ký kết. Đặc biệt, ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.
Về chi phí của người lao động, cơ quan cấp tỉnh thống nhất với phía Hàn Quốc về trách nhiệm, mức chi trả các chi phí để người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc và quy định cụ thể trong thỏa thuận.
Để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, cơ quan cấp tỉnh quyết định các biện pháp ký quỹ, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, ký cam kết với cá nhân, gia đình người lao động... phù hợp tình hình thực tế tại địa phương và pháp luật trong nước.
Trong đó lưu ý thỏa thuận với bên tiếp nhận về biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động có thân nhân (bố, mẹ, anh, chị, em, con ruột) đang làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm đảm bảo người lao động thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, biện pháp này hạn chế tình trạng bỏ ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.
Quá trình lao động làm việc tại Hàn Quốc, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, phối hợp với địa phương của Hàn Quốc giải quyết kịp thời các phát sinh.
Chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc được Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm từ 1.1.2018.
Đây là chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp, người lao động không được làm công việc khác. Visa chương trình này là visa C4, chỉ có hạn 3 tháng và không thể chuyển đổi sang visa du lịch hay thương mại.
Đến nay, đã có 848 lượt lao động tại 4 tỉnh: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Thái Bình đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có 5 địa phương đang xúc tiến ký kết thỏa thuận trong thời gian tới là Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Thuận, Hà Tĩnh và Kon Tum.
Công việc thời vụ của người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chủ yếu là trồng trọt và thu hoạch rau, củ, quả. Người lao động được hỗ trợ một phần ăn, chỗ ở đảm bảo theo thỏa thuận ký kết và quy định của phía Hàn Quốc. Sau 3 tháng làm việc, bình quân mỗi lao động có thu nhập 80 - 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.
Phía Hàn Quốc đánh giá cao hiệu quả của chương trình hợp tác lao động thời vụ, qua đó đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực nông nghiệp của các địa phương Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.