'Pháo đài' chống dịch: Gác chuyện nhà để tập trung cho nhiệm vụ cấp bách

05/09/2021 11:14 GMT+7

'Lúc đi chống dịch, cậu con trai nhỏ chưa tròn 1 tuổi chỉ mới biết bò. Bây giờ nghe nói nó đã biết đi rồi… Không biết hết dịch trở về nó còn nhận ra mình không nữa”, Chủ tịch UBND P.Tam Phước (Đồng Nai) nói.

Nằm trên trục chính của QL51, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) rộng hơn 45 km2, hơn 55.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 55% là người lao động trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Hiện P.Tam Phước đang là một trong những điểm nóng của TP.Biên Hòa với hơn 800 người dương tính Covid-19. Chính quyền địa phương hiện đang gồng mình chống dịch.

Chủ tịch phường đi chống dịch dài ngày: hết dịch về không biết con có còn nhận ra

Không về nhà để dành thời gian bảo vệ "pháo đài"

Ngày 1.9, PV Thanh Niên theo chân đại úy Nguyễn Đình Thịnh, Phó trưởng Công an P.Tam Phước, TP.Biên Hòa đi kiểm tra các khu cách ly, chốt chặn và khu vực vùng xanh trên địa bàn phường.
Theo đại úy Thịnh, ở những khu cách ly luôn bố trí 3 - 4 dân quân tự vệ và một chiến sĩ công an túc trực làm nhiệm vụ. Còn ở các chốt chặn cũng có 2 dân quân tự vệ cùng tổ trưởng (hoặc tổ phó của tổ dân phố) và 1 cảnh sát khu vực ngày đêm bảo vệ chốt chặn. Ở các chốt chặn, lực lượng trực chốt kiểm soát rất chặt chẽ người cũng như phương tiện ra vào. Khi có người dân ra vào đều phải khai báo nghiêm ngặt, đo thân nhiệt, sát khuẩn cho người dân.

Ông Võ Cao Cường (bìa trái), Chủ tịch P.Tam Phước đi kiểm tra các khu cách ly, phong tỏa

Lê Bình

Tại mỗi chốt chặn, đều có dán các bảng thông báo, đồng thời dùng loa di động tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, không tụ tập đông người và đeo khẩu trang khi ra đường; kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm phòng, chống dịch.
"Do đặc thù của địa phương là diện tích rộng, công nhân lao động đông và sống rải rác khắp nơi, nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Từ khi bùng phát dịch tới nay, số người nhiễm ngày một tăng, do vậy hầu hết các anh em từ dân quân, bảo vệ dân phố đến tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, lực lượng công an phường ngay cả lực lượng hành chính của phường không được về nhà, dành hết hời gian cho nhiệm vụ phòng, chống dịch, để bảo vệ pháo đài cấp cơ sở vững chắc", đại úy Thịnh cho biết.

Hết dịch, chắc con không nhận ra mình

Theo ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND P.Tam Phước, hiện trên địa bàn thiết lập hơn 20 chốt chặn ở các cửa ngõ ra vào, đồng thời xây dựng nhiều vùng xanh đối với những nơi chưa có ca nhiễm, để đảm bảo tuyệt đối không để dịch bệnh tấn công.
"Những ngày qua, các thành viên tại các chốt kiểm soát luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong mọi hoạt động chống dịch tại cơ sở. Việc triển khai các chốt tại vị trí ra vào địa bàn là giải pháp toàn diện, giúp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh chặt chẽ", ông Cường nói.

Người dân P.Tam Phước đang được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR để tầm soát F0

Lê Bình

Cũng theo ông Cường, từ ngày Đồng Nai bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 9.7) về giãn cách xã hội, hầu hết các cán bộ phường từ công an, đến dân quân, tổ dân phố, lực lượng hành chính của phường cùng như lãnh đạo phường cũng dồn toàn lực cho việc chống dịch, 100% lực lượng cán bộ phải tham gia không sót ai.
“Không riêng gì tôi, vợ tôi cũng là chiến sĩ công an phường. Nhà có 2 đứa con, đứa nhỏ chưa tròn 1 tuổi, cả hai vợ chồng phải gửi cho ông bà nội ngoại nhiều tháng nay, để ở lại phường làm nhiệm vụ. Chúng tôi hiểu rằng, nhiệm vụ chống dịch bây giờ không còn là của riêng ai, lãnh đạo phường nên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm”, ông Cường cho hay.

Đại úy Nguyễn Đình Thịnh đang dặn dò các tổ bảo vệ trực chốt trong khu cách ly

Lê Bình

Nhắc đến con, ông Cường nói: “Lúc đi, cậu con trai nhỏ chưa tròn 1 tuổi chỉ mới biết bò. Bây giờ nghe nói nó đã biết đi rồi, mà tôi chưa có dịp được cầm tay tập đi cho con bước nào. Thực sự là rất thèm khát cái cảm giác khi đi làm về 2 cha con chạy lại ôm nhau âu yếm. Không biết hết dịch trở về nó còn nhận ra mình không nữa”.
Sực nhớ đến nhiệm vụ chống dịch đang trong giai đoạn hết sức nóng bỏng, ông Cường nói thêm: “Nhưng đành phải gác lại chuyện nhà, chuyện riêng để tập trung hết cho nhiệm vụ quan trọng trước mắt, đó là chiến thắng dịch bệnh để sớm được về nhà”.

Tự xét nghiệm bằng test nhanh góp phần giúp TP.HCM tấn công tổng lực Covid-19

Tại các chốt kiểm soát, ngoài dân quân tự vệ, tổ dân phố, chiến sĩ công an còn có người dân ngày đêm tham gia cùng các lực lượng bảo vệ chốt, bảo vệ 'pháo đài' ngăn chăn dịch bệnh tấn công mà không đòi hỏi đến các điều kiện khác. 

Ông Hoàng Ngọc Hùng (50 tuổi, ngụ P.Tam Phước), trước đây là công an viên của xã Tam Phước từ năm 2009 - 2017. Từ khi xã Tam Phước chuyển đổi lên thành phường, sau đó đưa lực lượng công an chính quy về đảm nhiệm nên ông Hùng cũng nghỉ việc từ năm 2017 đến nay. "Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, được ban lãnh đạo khu phố và phường đề nghị tham gia lực lượng bảo vệ chốt chặn, tôi tham gia ngay. Gần 2 tháng qua, tôi cùng với anh em dân quân, công an luôn túc trực ngày đêm để bảo vệ chốt, bảo vệ pháo đài này. Ngoài việc canh gác, tôi cùng anh em đi chợ hộ, vận chuyển lương thực thực phẩm cho dân", ông Hùng tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.