'Pháo đài' chống dịch: Một ngày như mọi ngày ở UBND phường

Trác Rin
Trác Rin
02/09/2021 13:01 GMT+7

Bên cạnh nhân sự tại chỗ, nhiều cán bộ cấp sở được TP.HCM đưa về phường tham gia chống dịch. Thật khó hình dung hết những công việc không tên của chính quyền cấp cơ sở ở thành phố trong những ngày này.

Trong cuộc chiến chống lại Covid-19 lâu dài và cam go, toàn dân được kêu gọi tham gia chống dịch Covid-19 với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một "pháo đài". Những ngày này, chính quyền cấp cơ sở ở TP.HCM tạm ngưng một số công tác chuyên môn, thay vào đó tập trung tối đa cho cuộc chiến phòng chống dịch và hỗ trợ người dân. Vậy một ngày làm việc của họ như thế nào?
PV Thanh Niên có nhiều ngày đồng hành cùng nhóm cán bộ, tình nguyện viên, quân đội… tham gia chống dịch với “đầu não” đặt tại trụ sở UBND P.5 (đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM). Họ là đội ngũ gần dân nhất, trực tiếp chiến đấu trên mặt trận an dân.
Địa bàn này có 3.065 hộ dân, số nhân khẩu là hơn 14.300 người; số ca nhiễm Covid-19 gần 600 người và số cán bộ công chức của phường là… 31 người. Khối lượng công việc khổng lồ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy họ than vãn. 

Người dân TP.HCM tải ứng dụng ‘Hỗ trợ an sinh’ để yêu cầu cứu trợ trong dịch Covid-19

Chuông điện thoại reo liên tục

Một ngày cuối tháng 8, chị Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ P.5 (Q.3), tranh thủ chuẩn bị mấy phần quà đi trao cho những hộ dân có người nhiễm Covid-19 đang cách ly tại nhà. Mấy ngày qua, phường đang tổ chức xét nghiệm Covid-19 ở khu vực vùng đỏ (vùng có nguy cơ rất cao), vùng cam (vùng có nguy cơ cao) và nhiều trường hợp F0 liên tiếp được phát hiện. Vì vậy, những túi an sinh phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để mang đến cho người dân.

Người dân nhận lương thực, thực phẩm từ UBND P.5 (Q.3) cung cấp. Địa bàn phường này có 3.065 hộ dân, số nhân khẩu là hơn 14.300 người

Trác Rin

Ngoài ra, chị Lan còn chịu trách nhiệm chính trong công tác đi chợ giúp dân; đồng thời trao quà đột xuất cho các hộ khó khăn đang kêu cứu chính quyền. Số điện thoại của chị được dán ở khắp tường nhà dân, khu phố… thành thử chuông điện thoại cứ reo liên tục.
“A lô, sao tôi chưa thấy phường giao hàng? Bà Lan bên Hội phụ nữ hả, bà Lan đúng không?”, người đàn ông nói lớn qua điện thoại. Chị Lan đề nghị người đàn ông liệt kê cần mua gì nhưng không được người đàn ông hồi đáp, thay vào đó ông ta cứ quát liên tục.

Chị Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ P.5 (Q.3), tranh thủ chuẩn bị mấy phần quà đi trao cho những hộ dân có người nhiễm Covid-19 đang cách ly tại nhà. Trong ảnh là hộ gia đình đã hoàn thành cách ly, đang khó khăn nên được hỗ trợ

Trác Rin

Chúng tôi ngạc nhiên: "Ngày nào cũng vậy hả chị?"
“Thực sự mà nói, sức lực của mình có hạn. Mình chỉ biết làm hết khả năng, đi chợ mua hàng tất bật từ sáng đến tối. Nhưng đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ cho tất cả bà con thì rất khó. Gặp người thông cảm thì không sao, còn không, họ cứ chửi hoài chứ gì…”, chị Lan có vẻ ngậm ngùi.
Chị kể Hội liên hiệp phụ nữ phường chỉ có 2 cán bộ, chị vận động thêm 10 tình nguyện viên ở các tổ dân phố, hỗ trợ cùng đi chợ giúp dân, mà không xuể.

Chị Lan đi trao túi an sinh cho một hộ gia đình khó khăn trong khu phong tỏa trên đường Võ Văn Tần. Trước đó, họ cầu cứu chính quyền và được hỗ trợ ngay sau đó

Trác Rin

Sau khi nghe hàng chục cuộc điện thoại, chị Lan đi trao túi quà an sinh cho hộ dân đang có F0 cách ly tại nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền (P.5). Một ông cụ nhà kế bên thấy cán bộ phường xuống, liền ra trước cửa nhờ mua giùm thuốc đau tim.
“Đau tim không có ngưng thuốc được cô ạ. Nhớ mua thuốc sớm giúp tôi nhé”, nói xong, ông cụ vào nhà lấy toa thuốc rồi để trước hiên nhà, chị Lan nhanh chóng lấy điện thoại chụp hình lại.

Dịch bệnh hoành hành, lại không thể ra ngoài nên nhiều gia đình chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương

Trác Rin

Nhắm chưa chắc chắn, chị Lan kêu cháu của ông cụ ra hỏi chuyện. Cậu thanh niên chừng 18 tuổi cho biết trong nhà mình hiện có nhiều F0 đang cách ly, chữa trị tại nhà, sức khỏe của mọi người ổn định.
“Con đọc số điện thoại cho cô nha. Để mua xong, cô sẽ xuống gọi để người nhà mở cửa lấy nữa chứ”, chị Lan trao đổi nhanh với cậu thanh niên, rồi tức tốc về phường tiếp tục công tác chống dịch. Trời lúc này đã bắt đầu tối.

Số điện thoại của chị Lan được dán ở khắp tường nhà dân, khu phố… thành thử chuông đổ liên tục

Trác Rin

Những thông tin người dân cung cấp qua điện thoại được chị Lan ghi chép lại trên giấy

Trác Rin

Ông cụ đang cách ly tại nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền (P.5, Q.3), đem toa thuốc ra cho chị Lan chụp hình, sau đó sẽ đi mua giúp cho ông cụ

Trác Rin

7 loại vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly, điều trị F0 Covid-19 tại nhà

Tất bật những chuyến xe chở hàng

Hơn 9 giờ vào một ngày cuối tháng 8, đường sá khu trung tâm TP.HCM vắng hoe. Lúc này anh Long (37 tuổi), cán bộ Sở xây dựng TP.HCM, “vào vai” làm tài xế chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người dân trên địa bàn. Những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Long được Sở Xây dựng TP.HCM phân công về cơ sở hỗ trợ UBND P.5 chống dịch.
“Lãnh đạo phường giao nhiệm vụ gì thì chúng tôi làm ngay. Hổm giờ tôi chủ yếu lái xe đi lấy hàng hóa về tập kết tại trụ sở ủy ban, sau đó chở vào các khu cách ly, khu phong tỏa cho bà con”, anh Long nói khi PV Thanh Niên theo chân anh Long chở hàng vào hẻm 441 Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3).

Anh Long (ở giữa), cán bộ Sở xây dựng TP.HCM “vào vai” làm tài xế, kiêm bốc hàng hóa, lương thực thực phẩm phục vụ cho người dân trên địa bàn phường 5 (Q.3)

Trác Rin

Tại trụ sở khu phố 2, anh Long cùng một cán bộ phường nhanh chóng chuyển mấy chục phần quà xuống. Sau đó, anh Long tức tốc quay đầu chiếc xe tải cà tàng, được một người dân kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn phường cho mượn, phục vụ chống dịch.
Chiếc xe tải có tải trọng 470 kg không có kính ở cửa, máy móc đã xuống cấp nên việc “ôm vô lăng” khá vất vả. “Giật cần số cứng ngắc luôn. Đang đi bị tắt máy hoài chứ gì. Có hôm đang đi bị tắt máy giữa đường, phải hì hục sửa mãi mới chạy tiếp được”, anh Long cười.

Chiếc xe tải có tải trọng 470 kg không có kính ở cửa, máy móc đã xuống cấp nên việc “ôm vô lăng” khá vất vả. “Giật cần số cứng ngắt luôn. Đang đi bị tắt máy hoài chứ gì”, anh Long chia sẻ

Trác Rin

Hôm nay, anh Long được giao nhiệm vụ chở 1.100 phần quà từ nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (P.Võ Thị Sáu, Q.3) về trụ sở UBND P.5. Số quà này được Ủy ban MTTQ VN Q.3 phối hợp cùng Liên đoàn lao động Q.3 hỗ trợ, bàn giao. Diện tích thùng xe tải khá hẹp, chỉ chở tối đa khoảng 100 phần quà/chuyến nên dự kiến anh Long phải chạy liên tục, tới chiều mới xong nhiệm vụ này.
“Làm miết quen rồi nên cũng không thấy cực gì. Ngày nào tôi cũng hỗ trợ cho phường chống dịch Covid-19 từ sáng đến đêm khuya mới về. Tôi là dân ở địa phương luôn, nên góp sức được bao nhiêu thì ráng hết mình. Nhưng có nhằm gì so với mấy anh chị ở phường, trăm dâu đổ đầu tằm, cực lắm...”, anh Long nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.