Thủ tướng: ‘Xã, phường cần có các kịch bản phòng, chống dịch cao hơn, sớm hơn’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
31/08/2021 08:54 GMT+7

Nhấn mạnh chủ trương mỗi xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, Thủ tướng yêu cầu phường, xã, thị trấn cần có các kịch bản phòng, chống dịch tại địa bàn cao hơn, sớm hơn.

Kịch bản phòng chống dịch tại cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch diễn ra ngày 29.8 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.

Các địa phương cần đưa ra lộ trình, mục tiêu rõ ràng

Đầu tiên, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các đại biểu, nhất là các đại biểu ở xã, phường, thị trấn với các ý kiến góp ý phong phú, trách nhiệm, tâm huyết và chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Điểm qua một số kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng cho biết một số tỉnh, thành phố, trong đó có 6 tỉnh (Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) đã kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế; 13 tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng) đã thực hiện được một số tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, còn 4 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang) tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.
Khẳng định mục tiêu trong thời gian tới cần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể theo Nghị quyết số 86/NQ-CP đã đề ra, thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đưa ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình, báo cáo Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả. Địa phương nào chưa đạt được mục tiêu đề ra, cần phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút kinh nghiệm sâu sắc, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trước tiên, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch. Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây (F0) ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả.
Khi thực hiện giãn cách, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, lưu ý hỗ trợ người không có điều kiện, thiếu lương thực, thực phẩm, người yếu thế, những người “lang thang, cơ nhỡ”, kể cả các gia đình có điều kiện nhưng có khó khăn mặt nào thì hỗ trợ mặt đó.
Về y tế, Thủ tướng yêu cầu tiến hành phân loại, quản lý chăm sóc, thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong. Phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải y tế ở tuyến trên. Kết hợp Đông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với hiện đại trong điều trị.

TP.HCM có thể đang ở đỉnh dịch Covid-19

Thống nhất giao công an cấp giấy phép đi lại

Cùng với đó là tuyên truyền “vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”; tổ chức tiêm vắc xin khoa học, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, chú ý tiêm vắc xin xét nghiệm cho người làm dịch vụ vận chuyển, công nhân; tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước nhưng phải tuân thủ hướng dẫn, quy định, quy trình của cơ quan chuyên môn và hội đồng khoa học; tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và các giải pháp công nghệ khác.
Bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.
Khẩn trương nghiên cứu di dời một bộ phận dân cư tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu nhà trọ đông người, khu tập trung nhiều người nghèo, chật chội... đến các địa điểm thông thoáng, an toàn như trường học, cơ sở lưu trú, nhà văn hóa... để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Khuyến khích thực hiện duy trì, phát triển sản xuất tuy nhiên phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định. Bảo đảm thông suốt các chuỗi cung ứng, các địa phương không quy định riêng, không ban hành các “giấy phép con” làm cản trở việc lưu thông hàng hóa trên toàn quốc. Áp dụng triệt để các biện pháp công nghệ quản lý, ban hành quy định quản lý đi lại trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương.
Căn cứ tình hình cụ thể, giao cho một cơ quan quản lý ban hành, giao cho cơ quan công an thống nhất quản lý, cấp giấy phép đi lại.
Với công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn, các cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Kêu gọi người dân tham gia triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội.
Chuẩn bị, cung cấp các gói an sinh xã hội nhất là tại các nơi đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, tập trung đối với người thiếu lương thực, thực phẩm; bảo đảm tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn; bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể; thu dung, phân loại chăm sóc, điều trị người bệnh ngay từ cơ sở tại các trạm y tế lưu động; tổ chức xét nghiệm thần tốc và rút ngắn chu kỳ xét nghiệm, tiêm vắc xin ngay tại xã, phường trong thời gian giãn cách.
Kiểm soát tốt việc di chuyển của người dân, có các kịch bản phòng, chống dịch tại địa bàn cao hơn, sớm hơn, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, điều hành và điều phối lực lượng hỗ trợ trên địa bàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.