Phạt người ra ngoài không đúng mục đích: Mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở

05/04/2020 06:51 GMT+7

Hành vi 'ra ngoài không đúng mục đích' chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về mức xử phạt, nên mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, cùng với việc kiểm soát người dân đeo khẩu trang nơi công cộng.

Sáng qua 4.4, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, khẳng định “không có chuyện người dân ra ngoài mua lương thực hay đi làm tại các cơ sở không bị đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng mà bị phạt”, và “chỉ phạt những trường hợp cố tình vi phạm”. Thế nhưng phạm vi, đối tượng sẽ bị phạt vẫn thiếu rõ ràng, khiến cả người dân và lực lượng thực thi đều băn khoăn.

Phố cổ Hà Nội buồn tênh, đàn ông đi chợ giúp vợ rồi về nhà tránh dịch

Chưa có hướng dẫn về mức phạt

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại Hà Nội, do có lực lượng chức năng giám sát nên tại các khu vực người dân thường tập trung để tập thể dục như vườn hoa Lê Nin (P.Điện Biên, Q.Ba Đình), hồ Thiền Quang (P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng), hồ Hoàng Cầu (P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa), vườn hoa ven hồ Tây trên phố Trích Sài (P.Bưởi, Q.Tây Hồ)... đều vắng hơn ngày thường, không còn cảnh người dân tập trung đi bộ, đi xe đạp. Một số người có ra đường, nhưng sau khi bị nhắc nhở đã trở về nhà. Lãnh đạo công an 2 quận Hoàng Mai và Hoàn Kiếm cho biết chưa xử phạt cá nhân nào về hành vi ra ngoài không đúng mục đích, mà chỉ nhắc nhở người dân trở về nhà để thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng.

Trước mắt, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu người dân chấp hành để đảm bảo an toàn cho cá nhân và toàn xã hội

Trung tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội)

Trung tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết sau khi tiếp nhận yêu cầu của Chủ tịch TP.Hà Nội về việc xử phạt người ra ngoài không đúng mục đích, công an quận này đã tăng cường lực lượng triển khai ngay. Tuy nhiên, hành vi “ra ngoài không đúng mục đích” chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về mức xử phạt, nên mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, cùng với việc kiểm soát người dân đeo khẩu trang nơi công cộng. “Đơn vị chưa nhận được văn bảo chỉ đạo xử phạt cụ thể, vẫn đang chờ Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn và áp dụng. Trước mắt, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu người dân chấp hành để đảm bảo an toàn cho cá nhân và toàn xã hội”, trung tá Thành nói.
Theo tìm hiểu của PV, tại văn bản của Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị truyền thông các hành vi bị phạt và mức phạt ngày 3.4, hàng loạt hành vi được liệt kê, nhưng vẫn chưa có mục “ra ngoài không đúng mục đích”.
Cụ thể, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: người không đeo khẩu trang có thể bị phạt đến 300.000 đồng; vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng quy định nơi công cộng bị phạt tối đa 5 triệu đồng; vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt đến 7 triệu đồng. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác mắc Covid-19 bị phạt đến 2 triệu đồng; không thực hiện quyết định đình chỉnh hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng với cá nhân, 20 triệu đồng với tổ chức. Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng dịch bị phạt tiền đến 20 triệu đồng. Trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly phòng, chống Covid-19 bị phạt tối đa đến 10 triệu đồng hoặc xử lý theo điều 240 bộ luật Hình sự...

Sáng 5.4, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới

Hà Nội khó xử phạt ?

Trao đổi với Thanh Niên chiều 4.4, một lãnh đạo của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng yêu cầu xử phạt người dân ra đường không đúng mục đích là khó khả thi. “Hà Nội cho rằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng là biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền và họ căn cứ để xử phạt. Mức phạt thực hiện theo Nghị định 176/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, nghị định này không quy định cụ thể những hành vi nào là ra đường không đúng mục đích thiết yếu. Do đó, để áp dụng là khiên cưỡng, khó mà thực hiện”, vị này nói, đồng thời cho biết việc xử phạt các hành vi liên quan đến phòng, chống dịch bệnh hiện nay còn rất nhiều vấn đề mới mà pháp luật cũng chưa kịp thời điều chỉnh, chưa phù hợp với thực tiễn. Trong đó, khuyến cáo giữ khoảng cách 2 m trở lên nhưng trong xe ô tô sẽ khó giữ được khoảng cách này, chưa kể các trường hợp đưa người bệnh đi cấp cứu...

Vẫn có những người cố tình “lách”

Tại các tuyến phố chính ở Hà Nội, đa phần cửa hàng không thiết yếu đã ngừng kinh doanh vì sợ bị phạt, nhưng một số vẫn “lách” bằng cách hé cửa, ngồi ngoài vỉa hè đón khách.
Sáng 4.4, một cửa hàng kinh doanh xe đạp tại phố Bà Triệu (P.Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm) đã bị lập biên bản vì cố tình mở cửa. Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phản ánh tình trạng một số cửa hàng game online đóng cửa ngoài nhưng bên trong đông người chơi. Cơ quan này đề nghị công an phối hợp xử lý, đề nghị các nhà mạng giảm lưu lượng đường truyền internet các tiệm game này để kiểm soát. Sở Công thương Hà Nội kiến nghị các địa phương xử lý các chợ tạm vì người dân tụ tập đông tại đây và không đảm bảo khoảng cách 2 m, dưới 10 người như yêu cầu của Thủ tướng.
Trần Cường
Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cho rằng yêu cầu xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội sẽ có nhiều điều cần bàn cãi và có thể thực hiện được trong bối cảnh dịch bệnh cấp thiết hiện nay, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ để lại những hệ quả pháp lý nhất định.
Theo luật sư Hướng, có những quan điểm cho rằng yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phù hợp với Nghị định 176/2013, theo đó có thể áp dụng khoản 1 điều 11 của nghị định để xử phạt; cụ thể: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. “Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu và vận dụng, áp dụng đúng nội dung của nghị định ở phần này: phải là những người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Cơ quan y tế ở đây phải được hiểu là cơ quan chuyên môn, chứ không phải là một cấp chính quyền như yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội”, luật sư Hướng phân tích.
Luật sư Hướng cũng cho rằng yêu cầu xử phạt của TP.Hà Nội được căn cứ vào Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì hình thức của Chỉ thị 16 cũng chưa phù hợp với luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có quyết định của Thủ tướng mới là văn bản quy phạm. Còn Chỉ thị 16 được hiểu do tình thế cấp bách nên chúng ta có thể hiểu đó là văn bản đôn đốc để thực hiện luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. “Tôi nghĩ giải pháp trước mắt là các cơ quan áp dụng pháp luật cần khẩn trương ban hành các văn bản vận dụng, đồng bộ hóa các nội dung và quan điểm pháp luật, trong một thời gian nhất định, cần phải tuân thủ về thẩm quyền ban hành, nội dung điều chỉnh, thể thức và văn phong của các văn bản ban hành trong bất kể điều kiện hoàn cảnh nào, đó chính là sự tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền”, luật sư Hướng nói.
Thực chất, với Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (ban hành các giải pháp chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội), vẫn còn rất nhiều “dư địa” cho những người cố tình lách quy định. Mọi người đều có thể vẫn ra đường và “bịa” một lý do cần kíp nào đó, như mua lương thực, thực phẩm, đi chợ... và không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được. Các doanh nghiệp vẫn có thể tổ chức sản xuất nếu đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch hiện nay, Chính phủ, chính quyền các địa phương vẫn kêu gọi sự hợp tác của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, của người thân và cộng đồng hơn là cưỡng ép, xử phạt. Nếu không tuân thủ, qua 15 ngày “cách ly xã hội”, dịch bệnh vẫn không được kiểm soát, thì rất có thể chính quyền sẽ phải áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn, như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Và với kịch bản đó, thiệt hại cho mọi người dân, cho toàn xã hội sẽ còn lớn hơn nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.