Quá bức xúc việc 7 cục trưởng sai phạm trong dự trữ gạo quốc gia

09/05/2020 05:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ 7 cục trưởng sai phạm trong dự trữ gạo quốc gia sang Cơ quan điều tra, Bộ Công an.

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc về việc 7 cục trưởng sai phạm trong dự trữ gạo quốc gia, mong muốn cơ quan điều tra sớm điều tra, xử lý.
Như Thanh Niên đã đưa tin, theo Bộ Tài chính, qua thanh tra đã phát hiện 7 cục dự trữ nhà nước khu vực sai phạm trong quản lý dự trữ gạo quốc gia. Trước đó, chính sách xuất khẩu gạo có nhiều bất cập, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người dân cả nước. Đặc biệt, các thủ tục liên quan tới hải quan.
Điều rất đáng ngạc nhiên, trong khi đề nghị Bộ Công thương cấm xuất khẩu gạo "cho đến khi mua đủ gạo dự trữ quốc gia", thì 7 cục trưởng các đơn vị trên, đã cho cá nhân, doanh nghiệp gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng quy định của luật Dự trữ nhà nước và văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ nhà nước. 7 cục này gồm: Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Nhận thấy có nhiều dấu hiệu sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm về dự trữ gạo quốc gia sang Cơ quan điều tra, Bộ Công an.

“Kho của Nhà nước mà cứ như kho của nhà mình”

“Quá bức xúc mà. Kho dự trữ thì cho cá nhân, doanh nghiệp “gửi gạo”, còn việc của mình là mua gạo dự trữ lại không mua được”, bạn đọc (BĐ) Khánh Trang viết. Đây cũng là bức xúc của nhiều BĐ. BĐ Khánh Ly đặt câu hỏi: “Dự trữ gạo kiểu này thì có làm đúng nhiệm vụ của mình?”. BĐ Nhat Huynh Huu cảm thán: “Dự trữ lương thực quốc gia mà cho cá nhân thuê kho, hết biết mấy ông này”. BĐ Hoàng Sơn thì nhấn mạnh: “An ninh lương thực là nhiệm vụ lớn, đừng hời hợt như thế”... BĐ Thanh Tuấn cũng bất bình: “Thấy hài quá. Nhiệm vụ mua gạo dự trữ thì không mua được, còn kho dự trữ thì cho cá nhân, doanh nghiệp “gửi gạo”.

Vụ xuất khẩu gạo đã có dư luận này nọ thật không hay. Đề nghị cơ quan điều tra làm đến nơi đến chốn vụ này, xem ai sai, sai đến đâu thì xử lý đến đó.

Tuan

BĐ Dương Văn Tuấn bày tỏ: “Lại thêm một vụ thanh tra phải vào cuộc để xử lý vụ “gửi gạo” trong kho dự trữ quốc gia trái quy định. Kho của nhà nước mà cứ như kho của nhà mình. Hơn nữa một cách quản lý quá lỏng lẻo khi tổ chức đấu thầu gạo dự trữ, đơn vị trúng thầu tự ý hủy hợp đồng. Việc này có ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia”...

Phải xử lý nghiêm minh, quyết liệt

Nhiều BĐ ủng hộ Bộ Tài chính về việc chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan điều tra, Bộ Công an. BĐ Đinh Chí Cường cho rằng: “Cần xử lý nghiêm minh, quyết liệt, công khai, minh bạch các sai phạm trong ngành để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Tổng cục Dự trữ nói riêng và toàn ngành tài chính nói chung”.

Cần có quy chế về an ninh lương thực, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu phải có ký kết lượng dự trữ (theo phần trăm), số lượng xuất khẩu, tránh tình trạng như vừa qua, và cả giá cả nữa...

ph***@gmail.com13

Trong khi đó, BĐ Phi Phụng đặt vấn đề: “Về chi tiết của bài báo "có 24 doanh nghiệp từ chối với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn", tôi đề nghị nên làm rõ việc này. Tại sao doanh nghiệp lại từ chối? Việc này có coi là sai phạm không? Nếu sai thì phải xử thế nào?”. Nói về vấn đề an ninh lương thực quốc gia, BĐ Trần Đô Trọng đề xuất: “Cứ quy định đơn vị xuất khẩu gạo phải cung cấp ít nhất 5% hay 10% số lượng gạo xuất khẩu, phải có giấy nhập kho dự trữ quốc gia hải quan mới thông quan xuất hàng, thì chẳng mấy chốc mà kho đầy, trong khi đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực”.

Rất đồng ý với bài viết. Cần làm rõ những sai phạm của 7 cục trưởng này, và làm rõ trách nhiệm của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước nữa.

Biên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.