Những ngày qua, rất nhiều người dân ở Quảng Bình lo lắng vì có mưa lớn diện rộng kèm những thông tin cảnh báo về bão, mưa lũ. Trong khi đó, bà con vẫn đang sống trong vùng phong tỏa, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, tại tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Lượng mưa từ 19 giờ ngày 8.9 đến 7 giờ sáng nay 9.9 tại tỉnh Quảng Bình phổ biến 20 - 80mm, có nơi cao hơn như: Tróoc (126mm), Tân Lâm (128mm), Ba Đồn (171mm), Tân Mỹ (198mm).
|
Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ đã phát các tin cảnh báo mưa giông, mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt tại tỉnh Quảng Bình. Cảnh báo đến ngày mai 10.9, trên các sông thuộc địa phận Quảng Bình khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ trên thượng nguồn các sông lên từ 1,5 - 3,5m, hạ lưu lên từ 0,5 - 1,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông còn ở dưới báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các vùng núi và ngập úng cục bộ ở các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch. Nguy cơ xảy ra ngập úng cũng sẽ xảy ra tại các đô thị khu vực Quảng Bình.
Nỗi lo kép
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mưa lớn những ngày qua đã gây sạt lở núi. Một lượng đất đá khá lớn tràn xuống đường với chiều dài khoảng 50 m khiến QL9C đoạn đi qua xã Kim Thủy (H.Lệ Thủy) bị tắc nghẽn giao thông. Đường vào bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, H.Lệ Thủy) cũng bị sạt lở khá nghiêm trọng, gây tắc đường.
|
Nhiều người dân ở Quảng Bình bày tỏ sự lo lắng do đã bắt đầu vào mùa bão lũ, nhất là khi có những trận mưa lớn trong mấy ngày qua, trong khi dịch bệnh Covid-19 tại địa phương đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm.
Anh Đỗ Đức Thuần (ở H.Lệ Thủy) bày tỏ: “Kịch bản đặt ra là nếu lũ lụt, bão tố tràn về trong thời điểm này, thì sẽ phải ứng phó sao đây? Lũ về trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, khống chế, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống”.
Nhiều người khác chia sẻ: “Mưa xối xả, nóng cả ruột ngủ không nổi luôn!”, “Em nằm nghe mưa, cả đêm cứ nơm nớp lo. Lo đủ thứ...”, “Cả đêm nghe mưa em cầu trời: thôi năm nay dân mình chịu cảnh dịch bệnh khổ lắm rồi, mong sao ông trời thương đừng gây thêm bão lụt chi nữa”…
Tại H.Lệ Thủy, nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nhiều gia đình ở H.Lệ Thủy đã kê cao đồ đạc trong nhà, hàn đóng các giá để vận chuyển đồ đạc lên cao.
|
Ứng cứu vùng phong tỏa thế nào?
Từ ngày 5.9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công điện về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc người dân tự phòng chống hay được ứng cứu thế nào trong tình huống xảy ra bão lũ vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với nhiều người; nhất là người sống trong vùng bị phong tỏa.
|
Theo công điện, khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ xảy ra, thì các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải tổ chức phòng chống thiên tai, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19.
Địa phương hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng; triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai; rà soát bổ sung phương án ứng phó, nhất là chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư...
Tất cả để sẵn sàng ứng phó với bão đổ bộ ở các khu vực đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó chú ý phương án có thể phải sơ tán dài ngày nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Trả lời PV Thanh Niên hôm nay 9.9, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND H.Bố Trạch, cho biết địa phương hiện đã tầm soát khoanh được các ổ dịch tại 47/265 thôn toàn huyện (tại 13/28 xã, thị trấn). Để phòng chống thiên tai, huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”.
Tại khu phong tỏa, địa phương cũng thành lập tổ đội gặt lúa chở về tận nhà cho người dân, có sự giám sát cộng đồng nhằm đảm bảo khách quan, tránh thất thoát. Có 35 máy gặt được điều phối liên thông giữa các xã, thu hoạch nhanh theo kiểu cuốn chiếu so le để có khoảng cách. Hiện đã thu hoạch 1.600 ha/2.600 ha lúa hè thu.
|
H.Bố Trạch cũng chỉ đạo và tập trung thu hoạch cây sắn tầm thấp, tạo điều kiện thu gom, bốc vác trên địa bàn nội huyện, đồng thời làm việc với UBND tỉnh để cho phép chở sản phẩm sắn.
Việc thu hoạch thủy hải sản nuôi trồng trước mùa bão lũ cũng rất quan trọng đối với H.Bố Trạch. Toàn huyện có gần 65 tấn các loại thủy hải sản nuôi trồng, tập trung ở các xã Bắc Trạch, Hạ Trạch, Hải Phú, Đồng Trạch. Huyện đã chỉ đạo lập tổ đội với 20 xe vận chuyển hàng và đề nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để bà con liên kết thu gom.
Là nơi có đội tàu đánh bắt lớn nên H.Bố Trạch còn phải lo phương án bảo vệ tài sản bà con vùng phong tỏa với hơn 300 chiếc tàu xa bờ. Tại 2 xã Đức Trạch và Hải Phú, cũng là vùng phong tỏa đặc biệt, nên chính quyền huyện lập tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo trực tiếp, chỉ huy tháo gỡ.
Cụ thể, địa phương cho ngư dân đăng ký danh sách bảo vệ tàu để lấy mẫu, nếu âm tính với Covid-19 thì cho bà con được phép ra ở lại tàu. Huyện trích ngân sách hỗ trợ mua gạo cho ngư dân ở trên tàu để sử dụng, mỗi tàu được 5 kg gạo. Ngoài ra, có 19 tàu đang neo đậu ở cảng cá Nhật Lệ cũng được thống nhất với các đơn vị liên quan, cử 19 người vào để bảo vệ và đã tiếp cận được tài sản.
Với những tình huống phát sinh, nguy cấp khác khi thiên tai ập đến, lãnh đạo H.Bố Trạch khẳng định đã có phương án ứng phó, thiên tai cấp độ nào thì thực hiện theo mức độ đó...
Liệu người dân có được ra khỏi nhà để phòng chống thiên tai hay sơ tán? Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói: “Nguyên tắc trong vùng đỏ thì nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trong trường hợp đặc biệt, có thể cho ra ngoài nhưng phải chặt chẽ, phải được xét nghiệm PCR Covid-19 âm tính và trước khi ra ngoài thì phải có test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ. Còn sơ tán thì đã có phương án đến các trường học trên địa bàn”.
|
Còn ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới, cho biết trước mắt địa phương tổ chức gặt lúa cho nhân dân, đảm bảo thu hoạch. Đồng thời, phân công lực lượng, phương tiện để ứng cứu người dân khi có tình huống lớn xảy ra; tổ chức trực 24/24 để chủ động trong phòng chống lụt bão.
"Hiện người dân ở nhà tự chằng chống nhà cửa, khi xảy ra ngập lụt lớn thì các cơ quan chức năng sẽ di dời bà con đến khu vực cao hơn, nhưng với điều kiện đảm bảo giãn cách xã hội. Các địa phương đã thành lập các tổ công tác cộng đồng để cứu trợ nhân dân, khắc phục bão lụt. Còn ở vùng cao, người dân ở tại chỗ, nhu yếu phẩm sẽ có các dịch vụ đưa đến tận nơi”, ông Đan nói.
Những thông tin hỗ trợ do lãnh đạo các địa phương vùng chịu tác động của bão lũ cộng thêm đang giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 đã ít nhiều trấn an người dân.
Ngày 9.9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quy định cụ thể việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống thiên tai, bão lũ... của các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, điều kiện chung là người tham gia phải có giấy đi đường do cấp có thẩm quyền cấp kèm theo giấy tờ tùy thân, thực hiện 5K, đeo tấm che mặt trong suốt thời gian hoạt động…
|
Bình luận (0)