Quyền im lặng được hiểu thế nào trong luật pháp Việt Nam ?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
17/01/2019 15:00 GMT+7

Thực tế ở Việt Nam chưa có quy định trực tiếp, cụ thể về 'quyền im lặng' nhưng có một số quy định gián tiếp trong một số điều ở Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hiểu chung là quyền im lặng.

Cách đây hơn 1 năm, dư luận xôn xao về việc hoa hậu Trương Hồ Phương Nga sử dụng “quyền im lặng”. Khi đó, Phương Nga từ chối không trả lời các câu hỏi của đại diện Viện KSND TP.HCM và HĐXX đặt ra trong quá trình xét xử.
Mới đây, tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cũng bất ngờ đề nghị HĐXX cho mình giữ quyền im lặng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc theo luật Việt Nam thì quy định về "quyền im lặng" được thể hiện như thế nào ?

Quyền im lặng là gì ?

Trả lời vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, thực tế ở Việt Nam chưa có quy định trực tiếp, cụ thể về “quyền im lặng”. Tuy nhiên,  có một số quy định gián tiếp trong một số điều ở Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hiểu chung là quyền im lặng.

VIDEO: Quyền im lặng có lợi thế ra sao đối với Phương Nga
Cụ thể, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các điều 58 khoản 1 điểm e; điều 59 khoản 2 điểm c; điều 60 khoản 1 điểm d; điều 61 khoản 2 điểm h. Theo đó, các điều khoản này quy định, các bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
“Như vậy, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chủ động về việc khai báo. Những gì bị can, bị cáo thấy bất lợi cho mình, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự”, LS Trang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với LS Trang, LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, trong các điều khoản nói trên trong luật hình sự không hề nói gì về quyền im lặng nhưng trong thực tế khi làm việc với các cơ quan tố tụng, bị can và bị cáo có thể không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ và họ không buộc phải khai nhận mình có tội.
Các điều khoản nói trên có thể hiểu là nội dung của quyền im lặng, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, được xem là quy định tiến bộ vượt bậc, bảo vệ quyền công dân, giải quyết được nhiều bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội họ khi đưa ra truy tố, xét xử.
Theo LS Lượng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định theo khoản 1 điều 13 quy định, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
LS Trang nhấn mạnh không phải trường hợp nào bị can, bị cáo cũng sử dụng “quyền im lặng” là tốt cho bị can, bị cáo. Cần phải có sự cân nhắc khi sử dụng quyền này, không nên lạm dụng.

Sử dụng quyền im lặng, có buộc tội được không?

Đối với việc nếu bị can, bị cáo sử dụng "quyền im lặng" thì HĐXX có tuyên án theo hướng buộc tội được không?
LS Lượng phân tích, theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tòa án hoàn toàn có thể tuyên một bản án buộc tội bị cáo, nếu có đủ chứng cứ buộc tội bị cáo.
"Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền chứng minh mình vô tội, nhưng cũng không buộc phải chứng minh là mình vô tội, theo Điều 15 của luật này", LS Lượng nói.
Còn theo LS Trang, để chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ dựa vào lời khai của bị can, bị cáo mà phải xem xét tất cả chứng cứ, tài liệu có liên quan một cách khách quan, toàn diện.
Theo LS Trang, "quyền im lặng" là quyền gắn liền với quyền con người, ở các nước trên thế giới áp dụng rất tốt quyền im lặng, đây là chính sách đúng đắn, tiến bộ và là một trong những yếu tố nhằm giảm án oan sai, tránh bức cung, nhục hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.