Sạt lở bất thường: Làm gì để giảm thiểu thiệt hại?

Sạt lở bất thường xảy ra ở địa bàn miền núi dọc miền Trung không chỉ đặt ra yêu cầu truy tìm nguyên nhân, mà còn buộc các địa phương khẩn trương tìm giải pháp để giảm thiểu thiệt hại.

“Bất khả kháng”

Sự cố sạt lở nghiêm trọng ở thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân (H.Nam Trà My, Quảng Nam) đang gây chú ý lớn trong dư luận về mức độ thiệt hại và dự đoán nguyên nhân.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (người từng có nhiều năm làm Chủ tịch UBND H.Nam Trà My) khẳng định khu vực sạt lở ở địa bàn 2 xã không gần với các công trình thủy điện, cũng không có nạn phá rừng. “Người dân sống tại đây đã bao nhiêu đời, nay mới gặp cảnh sạt lở nghiêm trọng như vậy. Mưa quá to, gây ra lũ ống và đây là tình huống bất khả kháng”, ông Bửu nói. Lũ ống cũng là “thủ phạm” tại sự cố sạt lở ở thôn 6 xã Phước Lộc (H.Phước Sơn), nơi cũng đang được loại trừ các nguyên nhân liên quan đến thủy điện và phá rừng.
Sạt lở núi gây ách tắc QL 9E tại Quảng Bình ẢNH: HUỆ MINH

Sạt lở núi gây ách tắc QL 9E tại Quảng Bình

ẢNH: HUỆ MINH

Vùng có nguy cơ sạt lở ở Quảng Nam đều được cảnh báo trước mỗi mùa mưa bão. Kể từ sau vụ sạt lở đất vùi lấp làng Khe Chữ (xã Trà Vân, H.Nam Trà My) hồi tháng 11.2017, địa phương đã lập đề án sắp xếp dân cư trên toàn huyện. Cũng trong năm 2017, đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 cũng được HĐND tỉnh thông qua, có đặt mục tiêu bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng núi. Cụ thể, từ con số 1.900 hộ được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất (thời điểm 2017), Quảng Nam tiến dần đến mức 2.500 hộ trong năm 2020. Nhưng rồi, thảm nạn vẫn xảy ra ở ngay vùng dân cư lâu đời, gây bất ngờ cho chính quyền địa phương. “Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học”, ông Bửu nói thêm.

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ở tuyến Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua H.Hướng Hóa, Quảng Trị

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

TSKH Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình, người có nhiều nghiên cứu về địa chất, đã đề cập trượt lở năm nay xảy ra nhiều hơn và xuất hiện cả lũ bùn đá. Theo ông, nguyên nhân cao nhất “trên cả mọi nguyên nhân” đó là mưa nhiều, lượng mưa lớn, dài ngày.
“Đất đai nhão đi, cộng với nước ngầm chảy xuống dưới, bão hòa nước tạo ra áp lực thủy tĩnh, bên trên cũng có áp lực thủy tĩnh nữa nên đất đá nhào lại thành bùn luôn, tạo thành dòng bùn”, TSKH Nguyễn Đức Lý nhận định. Ông cũng nhắc đến độ che phủ của rừng, khi đồi núi bị “trọc” thì nước tràn về nhanh hơn, vì thế nạn phá rừng cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng.
Ông Ngô Hải Dương, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, đánh giá công tác dự báo chỉ dựa vào lượng mưa lớn, mưa đột biến và cảnh báo chung. “Chứ địa điểm chính xác như ngọn núi nào, khu nào sẽ sạt lở thì khó”, ông Dương nói.

Phát hiện cồn đất lạ trên sông Tranh khi tìm người mất tích ở Trà Leng

Giải pháp trước mắt: Di dời

Ở lưu vực lòng hồ thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế) đang có đến 5 thủy điện được cấp phép xây dựng, gồm Hương Điền, Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, A Lin B1, A Lin B2. Chỉ riêng với 4 thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, A Lin B1, A Lin B2 (theo hình thức thủy điện bậc thang) và xây dựng tuyến đường 71 (từ xã Phong Xuân vào các nhà máy thủy điện), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hồi, chuyển đổi hơn 249 ha rừng.

Kiểm tra, di dời một hộ dân bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở núi tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế

ẢNH: M.HÙNG

Từ những bức không ảnh chụp sau thảm nạn sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, dễ dàng nhận thấy một vùng rộng lớn đã bị sạt lở nham nhở. Cả thảm xanh của khu vực rừng rộng lớn đã đã bị thu hẹp và sạt lở tan hoang sau mưa lũ…
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đây là nhà máy thủy điện đang thi công xây dựng, nên sau khi cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở Rào Trăng 3 xong thì “chắc chắn các ngành chức năng sẽ có khảo sát, đánh giá một cách cụ thể về mức độ thiệt hại cũng như những vấn đề liên quan”. Cũng theo ông Hùng, trước các đợt bão lũ xảy ra, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đều có công điện, trong đó có thông tin cảnh báo, có phương án di dời…
Nguy cơ sạt lở ở Quảng Trị được ghi nhận ở nhiều địa bàn miền núi, đặc biệt là khu vực 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Tại các khu vực này, dày đặc các thủy điện, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng sạt lở đất là do lượng mưa quá lớn, đất “no” nước nên núi lở từng mảng lớn.Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại hiện trường vụ sạt lở khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh (ở xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa), dãy nhà của đơn vị nằm ở khoảng đất trống, nằm cách xa các dãy núi. Vậy nhưng, núi đã lở mảng quá lớn, kèm theo đất đá, cây cối vùi lấp…

Cuộc sống nơi 3.000 người đang kêu cứu vì sạt lở nhìn từ trực thăng

…Về lâu dài phải có quy hoạch. Tất nhiên, việc quy hoạch này là một kế hoạch lớn, cần thời gian, cần kinh phí, cần tính toán, kể cả việc lo sinh kế cho người dân

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Trả lời PV Thanh Niên, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tái khẳng định địa phương sẽ giao ngành chức năng tham mưu, đặt vấn đề với các nhà khoa học tiến hành khảo sát, quy hoạch các khu dân cư tránh xa nhất những nơi có nguy cơ sạt lở đất. “Giải pháp trước mắt bây giờ là di dời người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất ra bên ngoài, còn về lâu dài phải có quy hoạch. Tất nhiên, việc quy hoạch này là một kế hoạch lớn, cần thời gian, cần kinh phí, cần tính toán, kể cả việc lo sinh kế cho người dân”, ông Đồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.