Sống đẹp mùa dịch Covid-19 - Kỳ 1: Tâm sự của một giám đốc bệnh viện

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
26/03/2020 10:52 GMT+7

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ rằng mấy chục năm trong nghề, việc bị cách ly 14 ngày phòng dịch Covid-19 là dịp hiếm hoi để ông... sống chậm

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh, được tăng cường làm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh Quảng Ninh. 
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ ngày 8.3, ông vào trong khu cách ly của bệnh viện dành cho người thuộc diện tiếp xúc gần (F1) với 4 bệnh nhân người nước ngoài trên chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Nội Bài (Hà Nội) hôm 2.3 và được phát hiện nhiễm Covid-19 khi đang du lịch tại Quảng Ninh.

Người Sài Gòn làm quen với lối sống khác khi tiệm cắt tóc đóng cửa chống Covid-19

“Lúc 5 giờ ngày 8.3, chúng tôi đón 4 bệnh nhân người nước ngoài trên và tiến hành thăm khám. Lúc đầu không nghĩ mình sẽ là F1 ngay đâu vì thấy người bệnh là thăm khám đã. Đến khi được đồng nghiệp nói mới nhớ ra và đành cách ly luôn trong bệnh viện”, bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ Hùng chia sẻ, mấy chục năm trong nghề, việc bị cách ly 14 ngày là dịp hiếm hoi để ông sống chậm. Và đây cũng là khoảng thời gian ông không phải đi họp giao ban, không thực hiện kíp mổ nào.
Thế nhưng, trong thời gian cách ly 14 ngày, bác sĩ Hùng với vai trò là chỉ huy trưởng của Bệnh viện dã chiến số 2 vẫn quan sát hoạt động của đơn vị và chỉ đạo anh em từ xa.
Hôm 13.3, khi nhận được thông tin mình âm tính với SARS-CoV-2, ông lập tức thông báo cho người thân ở nhà để bớt lo lắng. “Gần 1 tháng qua tôi không được về, dù nhà cách bệnh viện có vài cây số, mọi người biết tôi ở trong này là F1 nên lúc nào cũng lo lắng nhưng giờ thì đã yên tâm phần nào”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Cũng theo vị chỉ huy Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Quảng Ninh, đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại đây ai cũng xác định sẽ luôn là F1 bất kỳ lúc nào nếu phải điều trị cho người nhiễm Covid-19. Vì thế, mọi người đều lạc quan làm việc. Nói rồi bác sĩ Hùng lấy điện thoại cho chúng tôi xem đoạn clip các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 2 đang nhảy điệu nhạc “Ghen Cô Vy” đầy vui nhộn.

Ca khúc “ghen cô vy” cổ động phòng chống dịch Covid-19 làm mưa làm gió trên tạp chí billboard và fanpage unicef

Gõ cửa từng nhà để phòng chống dịch Covid-19

Hàng trăm nhân viên y tế tại tỉnh Quảng Ninh những ngày qua không quản ngại khó khăn, gõ cửa từng nhà để khám sức khỏe, lấy khai báo y tế của người dân để phòng dịch Covid-19.
Từ ngày 9.3, chính quyền TP.Hạ Long (Quảng Ninh) bắt đầu tổ chức khám sức khỏe, khai báo y tế đối với hơn 300.000 công dân, người tạm trú, khách du lịch trên địa bàn để phòng tránh Covid-19.
Bác sĩ Bùi Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Hạ Long, cho biết những ngày qua, gần 200 nhân viên y tế tại TP.Hạ Long đến tận 244 thôn, khu; 1.471 tổ dân của 33 phường, xã để kiểm tra sức khỏe đối với 100% công dân. “Các cán bộ nhân viên y tế thường phải làm việc gấp đôi thời gian ngày thường. Vì khám sức khỏe cho người dân không phải lúc nào cũng gặp được họ ở nhà. Các ngày qua, nhân viên y tế hầu kết thúc công việc lúc nửa đêm”, ông Tâm cho biết.
Với mục tiêu “không bỏ sót một ai”, từ sáng sớm, những chiến sĩ áo trắng đi bộ hàng cây số, gõ cửa từng nhà để khám sức khỏe, lấy khai báo y tế của người dân. Hành trang trên vai họ là ba lô nặng trĩu với khoảng 10 kg tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế...
Bà Đinh Thị Kim Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế P.Cao Thắng (TP.Hạ Long) cho biết, công việc khám sức khỏe, lấy khai báo y tế của người dân không đòi hỏi chuyên môn cao nhưng rất mất thời gian.
“Trên địa bàn P.Cao Thắng có nhiều gia đình công nhân làm việc theo ca tại các mỏ than nên không thường xuyên không có mặt ở nhà. Có gia đình chúng tôi phải quay lại tới lần thứ 3 mới gặp, thậm chí là vừa 23 giờ đêm nhưng công việc vẫn phải làm vì không được để sót một ai”, bà Thành nói. (còn  tiếp)

Việt Nam sống chậm trong “thời chiến” với Covid-19 | Bản tin về virus corona ngày 25.3.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.