'Tách luật Giao thông đường bộ thì có tách luật Đường sắt, Hàng không hay không?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/09/2020 19:27 GMT+7

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại phiên thảo luận chiều nay của Ủy ban TVQH là có nên tách luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 luật Giao thông đường bộ và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không?

Thay vì sửa đổi luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội 2 dự án luật, gồm: luật Giao thông đường bộ do Bộ GT-VT chủ trì soạn thảo; và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, để sửa đổi các nội dung liên quan.
Tuy nhiên, tại phiên họp chiều 15.9, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về đề xuất tách luật của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu vấn đề: “Tại sao phải tách thành 2 luật?”. Ông Bình dẫn chứng, trong lĩnh vực mà Ủy ban ông theo dõi cũng có trường hợp 1 vấn đề tổng thể nhưng làm 2 bộ luật để 2 bộ khác nhau quản lý, dẫn đến nhiều phức tạp.
"Ở đây chúng ta điều chỉnh giao thông đường bộ hay đặt vấn đề những lĩnh vực quản lý cụ thể của từng bộ?”, ông Bình băn khoăn, và cho rằng nên làm luật tổng thể thể điều chỉnh chung cho cả lĩnh vực, và Chính phủ sẽ phân công trách nhiệm quản lý để đảm bảo cho lĩnh vực choạt động thuận lợi, chứ không nên tách luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu tách 2 luật thì không còn tổng thể của cái gọi là giao thông đường bộ nữa. Ông Lưu phân tích, nếu coi giao thông đường bộ chỉ là cơ sở hạ tầng cho giao thông thì không phải là giao thông đường bộ mà là phạm vi của luật Xây dựng, luật Đầu tư, luật Ngân sách...
Theo ông Lưu, hạ tầng chỉ là một phần nhỏ trong giao thông đường bộ, và hạ tầng này gắn liền với mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

"Dải phân cách, hệ thống báo hiệu, quy định bảo trì, bảo dưỡng thực chất cũng là để đảm bảo an toàn giao thông. Nếu theo lý luận này thì phải đưa về luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, tại sao lại để ở luật này?", ông Lưu nêu.
Ông Lưu cho biết ông đã đọc kỹ dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng mai (16.9) thì thấy rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an đã rất công phu, đưa ra nhiều chính sách, song những quy định này hoàn toàn có thể để trong một luật giao thông đường bộ tổng thể, và chỉ cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chứ không cần tách riêng.
“Điều này làm công tác lập pháp rắc rối”, Phó chủ tịch Quốc hội nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng bày tỏ: “Theo quan điểm cá nhân tôi thì không nên tách để đảm bảo tính tổng thể, thông suốt. Còn việc phân công trách nhiệm thì Chính phủ đề xuất và Quốc hội có thể chấp nhận, chứ không nhất thiết phải tách luật”.

"Lý do phải tách đường bộ vì đường bộ tai nạn nhiều thì chưa thuyết phục"

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, cho biết, về vấn đề tách luật, Chính phủ đã bàn bạc rất kỹ suốt nhiều tháng qua và đã thống nhất tách thành 2 luật bằng Nghị quyết 123 của Chính phủ.
Dẫn thực tiễn, bà Oanh cho biết, tai nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ chiếm tới hơn 90%, trong khi các lĩnh vực giao thông khác thì rất ít. Do đó, trước mắt, Chính phủ đề xuất tách luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, còn các lĩnh vực khác có tách không thì trên cơ sở đánh giá, tổng kết thi hành các luật khác.
Không đồng tình với giải trình trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hỏi Thứ trưởng Oanh thì làm khó bà Oanh, vì vấn đề này Chính phủ đã thống nhất. Tuy nhiên, theo bà Nga, phần giải trình của bà Oanh không thuyết phục, vì không thể lấy lý do tai nạn nhiều mà phải tách luật.
“Việc giao việc cho bộ này, bộ kia thì ta chỉ cần sửa một luật và phân công nhiệm vụ cho từng bộ”, bà Nga nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thì cho biết, Bộ Công an thấy cần thiết phải có bộ luật riêng để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người dân, đảm bảo làm sao đi vào nhận thức thông qua thực hiện luật pháp một cách xuyên suốt nghiêm minh và đồng bộ.
Do đó, Bộ Công an đã đăng ký, Chính phủ đã đồng thuận và qua quá trình thuyết minh, thảo luận hơn 1 năm nay thì đã có Nghị quyết 123 để trình ra Quốc hội 2 luật riêng. Trước khi có Nghị quyết của Chính phủ thì 4 bộ (Công an, GT-VT, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ) đã họp riêng thống nhất đề xuất báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng ký 2 luật.
“Có luật riêng chỉ làm tốt cho xã hội. Lực lượng nào đó được phân công giao nhiệm vụ nhưng cho thấy vinh dự, trách nhiệm với mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn xã hội tốt hơn”, ông Ngọc khẳng định và cho biết, khi thiết kế 2 luật, Chính phủ cũng đã thống nhất nguyên tắc 1 việc chỉ 1 người làm chứ không phải 2.
Là người phát biểu cuối cùng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự thảo ban đầu cũng trung thành luật Giao thông đường bộ 2008, thiết kế tới 160 điều, nhưng trong quá trình soạn thảo, Bộ Công an đề xuất tách thành 2 luật. Sau đó, 2 bộ làm việc với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, lấy ý kiến thành viên Chính phủ nhiều lần, cuối cùng có Nghị quyết 123 của Chính phủ là trình Quốc hội 2 luật.
Từ đó, ông Thể khẳng định, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề này, thể hiện sự nhất trí cao của Chính phủ và mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Nghị quyết của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc tách luật
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, nhiều ý kiến Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn tách 2 luật này, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
"Ủy ban Thường vụ cũng thống nhất sau khi nghe dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vào sáng mai, 16.9, thì sẽ quyết định việc có nên tách thành 2 luật hay không", ông Tỵ kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.