'Thành phố phía đông' trong tương lai của TP.HCM đã có những gì?

20/02/2020 14:07 GMT+7

Thành phố phía đông là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên những nền tảng có sẵn.

Sở Nội vụ TP.HCM vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập thành phố phía đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở gộp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức; dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Ý tưởng thành lập khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (thành phố phía đông) được lãnh đạo TP.HCM ấp ủ nhiều năm qua. TP.HCM cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và cuộc thi ý tưởng quy hoạch quốc tế... để cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch, xây dựng.
Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018 diễn ra vào cuối tháng 11.2018, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nêu ý tưởng xây dựng khu đông của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khu đô thị sáng tạo phía đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Khu đô thị mới Thủ Thiêm dần hình thành là 1 trong 3 trụ cột của thành phố phía đông

Ảnh: Độc Lập

Theo đó, Khu Đại học Quốc gia TP.HCM với 18 đại học thành viên và viện nghiên cứu. Khu Công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 1 và 2 rộng khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao. Đáng chú ý, trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha từng bước được hình thành. Ngoài ra, khu Đông còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sau khi hình thành, khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ kết nối 3 chức năng gồm: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.
Khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Khu Công nghệ cao TP.HCM (quận 9) giai đoạn 1 và giai đoạn 2 rộng hơn 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty công nghệ đầu tư

Ảnh: Độc Lập

Đồng thời, chính quyền TP.HCM cũng mong muốn khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp - viện trường – nhà nước đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, đô thị và xã hội.
TP.HCM cũng sẽ xây dựng chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo, tạo môi trường lao động cho đội ngũ khoa học. Ngoài ra, nhiều cơ chế, chính sách phù hợp cũng được xây dựng để thu hút thêm nhiều nguồn lực và vốn từ xã hội, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cho các hợp phần của dự án khu đô thị sáng tạo - thành phố phía đông trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.