Thắp nén nhang lòng: Vượt đại dương tìm hài cốt 'kẻ thù'

Quang Viên
Quang Viên
22/07/2020 06:00 GMT+7

Brian Cleaver âm thầm trở lại chiến trường xưa, tự mình tìm 42 hài cốt liệt sĩ Việt Nam.... Liên tục nhiều năm, ông độc hành tìm hố bom oan nghiệt năm xưa.

42 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận chiến Bàu Chàm, không tìm thấy thi thể. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ám ảnh vẫn còn đó khiến người cựu binh Úc nhiều lần trở lại Việt Nam để tìm hài cốt "kẻ thù".
Đó là Brian Cleaver, cựu sĩ quan Trung đoàn số 3 quân đội Hoàng gia Úc, người trực tiếp tham gia trận chiến năm 1968 tại Bàu Chàm (xã Bình Mỹ, H.Tân Uyên, Bình Dương) và chứng kiến toàn bộ quá trình chôn thi thể 42 chiến sĩ Việt Nam.
Thắp nén nhang lòng: Vượt đại dương tìm hài cốt “kẻ thù”

Bản đồ Bàu Chàm (Bàu Hang - theo phía Úc) do Brian Cleaver cung cấp

Nửa thế kỷ ám ảnh

Theo Brian Cleaver, 2 giờ 30 sáng 28.5.1968, trung đoàn của ông bị “đánh thức” bằng một loạt đạn súng cối của các chiến sĩ Việt Nam. Sau đó từ hướng đông bắc và tây bắc, họ tiến về công sự binh lính Úc phòng thủ. Trung đoàn số 3 huy động hỏa lực rất mạnh để phản công gồm cả xe tăng, máy bay ném bom, bắn đạn rocket. Trong cuộc chiến không cân sức này, nhiều người lính Việt Nam đã ngã xuống. Một anh bộ đội dù bị thương nhưng vẫn cố nhảy qua nhảy lại giữa hai hố bom gần kề tránh đạn và chiến đấu. Đến khi lính Úc dùng lựu đạn ném, anh mới ngã xuống hy sinh. Ngay sau đó, đơn vị của Brian Cleaver với sự hỗ trợ của xe tăng, trực thăng, quay lại trận địa kiểm tra. Họ ghi nhận tổng cộng 42 bộ đội Việt Nam hy sinh. Tiến hành kiểm đếm và thực hiện các thủ tục thời chiến, họ lấy tư trang, súng đạn, rồi chôn toàn bộ chiến sĩ Việt Nam. “Một xe ủi lấp đầy miệng hố bom như ngôi mộ chung cho 42 người”, Brian thổ lộ.

Hành trình tìm HCLS Việt Nam được Úc dựng thành phim

Đài truyền hình ABS của Úc đã làm một bộ phim tài liệu về Brian Cleaver với tựa đề The Crater (Hố bom). Bộ phim lột tả nỗi đau và hành trình tìm HCLS Việt Nam còn dang dở của người cựu binh Úc. 
Được biết, sau nhiều nỗ lực tìm HCLS ở Bàu Chàm do Việt Nam và Úc phối hợp nhưng không có kết quả, hiện nay chương trình này đã tạm dừng. Bí ẩn về hố bom oan nghiệt, nơi được coi là “nấm mộ tập thể” của các liệt sĩ Việt Nam, vẫn còn đó.
Hình ảnh những người bộ đội Việt Nam còn trẻ măng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi hy sinh rạng sáng 28.5.1968 luôn ám ảnh cựu binh Úc này. Hàng chục năm qua, Brian Cleaver cũng như nhiều cựu binh Úc khác bị hội chứng chiến tranh Việt Nam rất nặng nề. Brian Cleaver thường bật khóc mà không rõ nguyên nhân. Thậm chí, ông khóc ngay giữa buổi tiệc khi mọi người đang vui vẻ. Ông thường đóng chặt tất cả cửa phòng, không muốn gặp bất cứ ai, giao tiếp với mọi người chỉ qua điện thoại.
Quãng thời gian dài sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam, ông bị người dân Úc coi thường. “Mọi người nói chúng tôi là những kẻ đi giết trẻ con”, Brian Cleaver trải lòng. Thậm chí, ông không dám nói đến từ “Việt Nam”. Dù cố hòa nhập cộng đồng, nhưng Brian Cleaver lại tạo những bức tường vô hình ngăn cách với mọi người.
Trong cuốn nhật ký của mình, Brian Cleaver độc thoại: “Hình ảnh 42 binh sĩ bị chôn vùi trong một hố bom luôn ám ảnh, bám riết tâm trí tôi. Vì thế, tôi quyết định phải trở lại khu vực này với hy vọng tìm ra họ. Có tìm được họ thì tôi mới thực sự thanh thản. Tôi đã quyết định dành 10 năm trong quỹ thời gian cuối cuộc đời để thực hiện việc này. Tại sao ư, đơn giản là họ còn có mẹ, cha, những người anh em. Những người này có quyền được biết người thân của họ đang yên nghỉ ở đâu và điều gì đã xảy ra với những người ruột thịt của mình trước đó, để họ được yên lòng”.
Thắp nén nhang lòng: Vượt đại dương tìm hài cốt “kẻ thù”

Một vị trí đã đào tại khu vực Bàu Chàm để tìm hài cốt liệt sĩ nhưng không thấy

Ảnh: Ông Nguyễn Sỹ Hồ cung cấp

Bí mật nấm mộ tập thể

Năm 2002, Brian Cleaver âm thầm trở lại chiến trường xưa, tự mình tìm 42 hài cốt liệt sĩ (HCLS) Việt Nam. Đồng đội cũ giúp sơ đồ, thông tin trận đánh, hình ảnh hố chôn bộ đội... càng củng cố thêm niềm tin cho Brian Cleaver. Liên tục nhiều năm, ông độc hành tìm hố bom oan nghiệt năm xưa. Đến năm 2009, Brian Cleaver được tham gia tìm hài cốt khu vực Bàu Chàm với sự hỗ trợ của quân đội hai nước Việt - Úc. Lần này, đoàn tìm được một bộ hài cốt bộ đội Việt Nam. Brian Cleaver hạnh phúc đến rơi nước mắt vì tin rằng những chiến sĩ còn lại sẽ được tìm thấy. Thế nhưng, từ đó đến nay không tìm thấy thêm HCLS nào tại khu vực này.
Thắp nén nhang lòng: Vượt đại dương tìm hài cốt “kẻ thù”

Brian Cleaver (trái) kiểm tra hình ảnh, sơ đồ... trận đánh

Ảnh: Ông Nguyễn Sỹ Hồ cung cấp

Thượng tá Lê Hoàng Việt, nguyên Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, đưa chúng tôi ra chiến trường năm xưa rồi cho biết Việt Nam và Úc phối hợp tìm hài cốt nhiều lần nhưng đều thất bại. Ông bùi ngùi: “Ông Brian Cleaver cung cấp nhiều thông tin rất cụ thể. Nhân chứng có, hình ảnh ghi chép ngay sau trận đánh có, tọa độ của hố bom chôn các chiến sĩ có, dùng phương tiện công nghệ cao tìm có... nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt 42 chiến sĩ. Điều gì đó bí ẩn quá”.
Theo lý giải một số người trong đội tìm 42 HCLS, có thể hàng chục năm qua, vào mùa mưa, các lớp đất cuốn xuống từ vùng đất cao hơn đã đọng lại trên Bàu Chàm, nơi có hố bom chôn vùi những chiến sĩ. Ngoài ra, cần xem xét vùng đất này trước đây đất trống nay đã phủ kín cao su, khiến việc xác định hố bom chôn chiến sĩ trở nên khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Hồ, người cũng từng tham gia tìm 42 HCLS, còn cho rằng: “Hình như xác định khu vực có 42 HCLS chưa đúng. Có thể hố bom nằm dưới rừng cao su, nhưng chúng ta chưa phá cao su để đào đất với diện tích đủ lớn”.
Thắp nén nhang lòng: Vượt đại dương tìm hài cốt “kẻ thù”

Hố bom trước khi chôn 42 bộ đội VN nằm tại bãi đất trống

Ảnh: Brian Cleaver cung cấp

Trong khi đó, ông Brian Cleaver phân tích: “Do đất bồi lấp, xáo trộn, trong khi các rãnh đào để tìm kiếm hố bom chôn chiến sĩ Việt Nam vẫn còn cạn, chưa tiếp cận được lớp đất mặt ban đầu (năm 1968). Trong tương lai, tôi khuyên bạn nên đào xuống độ sâu tối thiểu là 2 m”.
Trong 10 năm, Brian Cleaver đã cùng nhiều cá nhân, đơn vị tổ chức 4 cuộc tìm HCLS tại Bàu Chàm. Đặc biệt, đợt thứ ba hồi tháng 1.2011 có sự tham gia của Viện Vật lý địa cầu, Viện Phòng trừ mối và bảo vệ công trình, Viện Địa chất và địa lý biển Việt Nam. Họ dùng sóng radar quét thấm đất để đánh dấu vị trí các hố bom trong cả khu vực. Dù không có kết quả, Brian Cleaver chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Ông bộc bạch với chúng tôi: “Tôi dành tiền tiết kiệm và lương hưu của mình để tiếp tục dự án quan trọng này. 42 binh sĩ trẻ Việt Nam ấy cần được định vị lại để tìm cho bằng được. Tôi sẽ trở lại Việt Nam vào đầu năm tới”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.