Cả nước có khoảng 1.150.000 liệt sĩ. Nhiều năm qua, nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt tìm hài cốt liệt sĩ. Các đơn vị, cá nhân trực tiếp tìm mộ, hài cốt cũng dùng nhiều biện pháp để xác định danh tính, quê quán liệt sĩ. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều day dứt khôn nguôi.
Biên cương đã thấm máu, vô số nấm mồ của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam nằm lại trên đất Campuchia, Lào. Từng ngày, từng tháng qua đồng đội cũ tìm mọi cách đưa hài cốt liệt sĩ (HCLS) về đất mẹ.
Bị ám ảnh bởi câu thơ của nhà thơ Quang Dũng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, tôi muốn theo chân các đội tìm HCLS tại Lào, Campuchia nhưng vì đại dịch Covid-19, ý nguyện đó không thành. Song, câu chuyện từ những người tìm HCLS trên nước bạn cũng quá nhiều cung bậc cảm xúc.
Gian nan “kể răng hết”
Đó là lời của đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hữu Lưu (Vĩnh Linh, Quảng Trị) từng có hơn 15 năm làm đội trưởng tìm HCLS trên đất Lào. Ông Lưu nhập ngũ năm 1982, thuộc Sư đoàn 968 tham gia chiến trường Lào. Giọng nghèn nghẹn, ông Lưu chia sẻ: “Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh trên đất Lào. Trong cuộc chiến khốc liệt, nhiều lúc phải chôn vội ở địa hình hiểm trở. Vật đổi sao dời, sau này tìm HCLS vô cùng khó khăn”.
|
Phương tiện tìm đồng đội hy sinh trên đất nước triệu voi là chiếc xe Gaz 66 hai cầu huyền thoại của Liên Xô, cùng cuốc, xẻng... Họ băng đồi, vượt suối hàng chục cây số, ngủ giữa rừng núi hoang vu. Có khi đói ăn rau rừng, khát uống nước sông, nước suối. Ông Lưu nhớ như in: “Năm 2004, tìm được 20 HCLS chuẩn bị đưa về thì trời đổ mưa to, nước dâng cao, HCLS phải treo tạm trên cây chờ nước rút. Lương thực, thực phẩm mang theo hết, cả đoàn phải hái rau rừng ăn cầm hơi”.
Người cựu binh dạn dày sương gió, trận mạc không ngăn được nước mắt, kể: “Trong một chuyến tìm HCLS, đồng chí Phạm Viết Hòa được phân công chở hài cốt qua sông. Trời tối, nước sông dâng cao, dưới sông có đá ngầm, thuyền lao nhanh va vào đá bị chìm, đồng chí Hòa bị nước cuốn trôi. Đội phải lặn lấy xác đồng chí Hòa. Cả đoàn buồn quá không ai thiết ăn uống gì. Còn đồng chí Trương Quang Thanh trên đường đi tìm HCLS gặp mưa to vào trú mưa dưới gốc cây, cành cây gãy đập mạnh vào đầu, cũng hy sinh”.
Hầu như các đội tìm HCLS trên đất Campuchia, Lào đều phải “hành quân” đến nơi rừng thiêng, nước độc. Vì thế, sau nhiều chuyến tìm HCLS trở về, không ít người gặp các vấn đề sức khỏe, nhất là bệnh về thận. “Một số đồng chí do ám ảnh, căng thẳng... đã phát bệnh tâm thần. Trong đội tôi có sáu đồng chí như vậy. Hai đồng chí tâm thần nặng, bỏ nhà đi lang thang”, ông Lưu thở dài nói.
|
Không khác thời chiến, trong hành trình tìm HCLS ở nước bạn, tất cả thành viên đội phải thực hiện công tác “ba cùng” với người dân. Họ có thể xắn quần gặt lúa, làm vệ sinh, thu dung điều trị và nhường cơm, sẻ áo, kể cả mời rượu... để người dân yêu quý, hợp tác giúp đỡ.
Có cụ già Lào biết chỗ chôn bộ đội Việt Nam nhưng sức khỏe quá yếu không thể đi bộ hàng chục cây số, đội đưa cụ đi chữa bệnh tạm ổn, rồi mời lên cáng khiêng đi. Thượng tá Nguyễn Văn Trọng, Đội trưởng Đội công tác đặc biệt 584 (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị), cho biết thêm: “Có những bà mẹ Lào đem bánh kẹo, đồ ăn tiếp tế. Một số cựu binh Lào còn đọc được cả tên LS, họ giúp chúng tôi như anh em một nhà”.
Nhờ... “kẻ thù năm xưa” dẫn đường
Thượng tá Nguyễn Văn Trọng kể: “Có lần tìm HCLS bên Lào, chúng tôi đi suốt nhiều ngày thì gặp vùng đất có nhiều hố sụt sâu xuống rất thẳng hàng. Đào xuyên xuống khu đất đó vẫn không thấy hài cốt. Nhiều người nghĩ chắc đơn vị nào đã bốc hài cốt trước đó rồi. Nhưng linh tính mách bảo, tôi yêu cầu anh em tiếp tục đào. Rất lạ, đào xuống thấy 15 LS chôn đối đầu nhau. Hầu hết cốt đã phân hủy, chỉ còn răng, tóc. Trong đó, có một LS nữ còn xương, ngang thắt lưng đeo hai quả M79 và những sợi chỉ thêu”.
|
Đại tá Lê Văn Mỹ, nguyên chính trị viên đội K71 (Bộ CHQS Tây Ninh), thì chia sẻ câu chuyện nhờ… lính Pol Pot dẫn đường tìm HCLS. Theo đại tá Mỹ, sau nhiều năm quần nát tìm HCLS ở tỉnh Oddor Meanchey, đội phát hiện được nhiều hài cốt. Tuy nhiên, công việc tìm HCLS còn lại tại đây ngày càng gặp khó khăn vì gần như không còn manh mối. May mắn, ông Ma Hat người Lào tiết lộ một nơi chôn bộ đội Việt Nam mà lính Pol Pot (trong đó có anh em của ông từng đánh trận đó) biết rất rõ.
Tìm gặp kẻ thù năm xưa, đại tá Mỹ thuyết phục cả tháng trời, người lính Pol Pot mới đồng ý chỉ nơi chôn LS Việt Nam. Đó là một nấm mộ tập thể, đào lên được 58 HCLS. Chuyện khai quật HCLS ở tỉnh Banteay Meanchey mới để lại dấu ấn khó quên, gây xúc động nhất đối với đại tá Mỹ: “Đào lên, anh em trong đội bàng hoàng vì HCLS toàn trong tư thế ngồi. Bộ đội mình bị địch giết thảy xuống giếng làng hoặc hố rồi chôn ngồi”, đại tá Mỹ bần thần chia sẻ.
Nhiều người trong các đội tìm HCLS còn kể có những mộ chôn LS nằm ngay dưới cây cổ thụ, thậm chí rừng tre. Lý do, khi chôn các anh, ai đó đã vội lấy một gốc tre cắm xuống làm dấu, không ngờ sau này cây tre đó sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều, biến thành rừng tre. Có cả chuyện tìm thấy HCLS giống được thiên táng trong lùm cây. Theo phán đoán, chiến sĩ này bị sốt rét, chết trên võng, trận chiến ác liệt đang diễn ra nên đồng đội rời đi mà không hề hay biết. Vì thế, hài cốt anh cứ nằm mãi trên cây cho đến khi được phát hiện.
Chiến tranh khốc liệt, cùng những lý do chủ, khách quan khiến công tác tìm HCLS và xác định danh tính cực kỳ khó khăn. “Nhiều đơn vị chôn cất LS không làm sơ đồ. Những miếng nhôm (nếu có) cắm bên mộ LS cũng bị người dân nước bạn lấy bán phế liệu. Trong khi đó, một số ít LS có thông tin viết trong mảnh giấy bỏ vào lọ penicilin chôn theo khi đào lên không còn đọc được gì cả. Vì thế LS chưa biết tên rất nhiều”, đại tá Trần Hữu Lưu buồn bã nói.
(còn tiếp)
Tìm được 8.400 hài cốt liệt sĩ tại Lào và CampuchiaTrung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, dẫn số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia 515: Từ năm 2016 - 2019, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn dân, cả nước đã tìm và quy tập 7.501 HCLS.
Trong đó, Lào có 1.093 hài cốt, Campuchia 3.157 hài cốt. Nếu tổng hợp cả đề án 1237, đến nay đã tìm được 15.600 HCLS, riêng Lào hơn 2.400 hài cốt, Campuchia gần 6.000 hài cốt. Theo Cục Người có công (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) cả nước có 1.150.000 LS.
|
300.000 mộ liệt sĩ chưa biết tênĐứng tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) đường 9 - Quảng Trị, chúng tôi thắp nén nhang và đi viếng từng khu mộ, rồi lặng người trước hàng ngàn ngôi mộ không tên, không quê. Trong gần 10.000 LS tại đây, chỉ có 3.227 mộ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi. Nhiều NTLS suốt dặm dài miền Trung chúng tôi đã đến, hàng hàng, lớp lớp mộ LS khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, thiếu quê hương. Một số NTLS còn có những ngôi mộ tập thể chôn cất hàng chục, thậm chí hàng trăm LS. Đặc biệt, tại NTLS Mộc Hóa (Long An) có tới 281 LS chung một ngôi mộ.
Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, bùi ngùi: “Cả nước còn khoảng 200.000 LS chưa tìm thấy hài cốt, 300.000 mộ LS chưa biết tên”.
|
Bình luận (0)