Thấy số tiền ‘trên mức tình cảm’, ông Lê Nam Trà đã trả, nhưng ông Vũ không nhận

21/12/2019 14:39 GMT+7

Theo luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà, việc bị cáo tự thú về việc nhận hối lộ đã mở ra giai đoạn đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi đưa - nhận hối lộ.

Theo luật sư, quyết tâm khai báo và khắc phục hậu quả của bị cáo Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, là rõ ràng. Tuy cáo trạng có bỏ sót chi tiết tự thú của ông Trà, nhưng ở phần luận tội hôm qua, 20.12, Viện Kiểm sát đã đưa tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ, đề xuất mức án dưới khung cho bị cáo.

Bị cáo Lê Nam Trà nghẹn ngào: 'Tôi đã không đủ bản lĩnh vượt qua sức ép'

“Có ý kiến cho rằng, từ tự thú của bị cáo Phạm Nhật Vũ, vụ án đưa và nhận hối lộ này mới được khai mở. Phải làm rõ, bị cáo Lê Nam Trà đã tự thú từ khi nào. Thời điểm này rất quan trọng”, luật sư Phan Trung Hoài nói để chứng minh người mở nút thắt của vụ án chính là thân chủ của mình.
Theo luật sư Hoài, ông Lê Nam Trà làm đơn tự thú ngày 13.10.2018, trước thời điểm cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ khai nhận 7 tháng 12 ngày. “Theo hồ sơ, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu chính thức thừa nhận có đưa tiền cho các bị cáo, trong đó có Lê Nam Trà, vào ngày 25.5.2019, tức là ngày ông Phạm Nhật Vũ làm đơn xin gặp điều tra viên và kiểm sát viên”, luật sư Phan Trung Hoài nói.
Ông Hoài nhấn mạnh, từ việc tự thú, khai báo thành khẩn, khắc phục 100% số tiền nhận từ ông Vũ của ông Lê Nam Trà đã mở ra giai đoạn đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát làm rõ hành vi nhận hối lộ trong điều tra vụ án. Đó là lý do vì sao Viện Kiểm sát có đề nghị mức án dưới khung hình phạt cho bị cáo Lê Nam Trà.
Ông Hoài bày tỏ, các luật sư bào chữa cũng “rất đau xót về mức độ nghiêm trọng của vụ án, những ảnh hưởng, hệ lụy do hành vi của các bị cáo, trong đó có Lê Nam Trà, gây ra”, nhưng vẫn mong Hội đồng xét xử khoan hồng đối với người tự thú, chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát trong việc “phân hóa hành vi, số tiền chiếm đoạt, khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can, nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt”.

Viện kiểm sát luận tội Nguyễn Bắc Son: "Tha hóa vì hám lợi, cần xử lý nghiêm khắc"- Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

“Động cơ phạm tội của Trà là vị nể, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, chứ không phải vì tiền”

Cũng bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà, luật sư Đặng Văn Minh cho rằng, khi nhận tiền, bị cáo Trà không nhận thức đây là tiền hối lộ, mà nghĩ là quà.
Luật sư dẫn lời khai của bị cáo Lê Nam Trà cho biết, “trong khoảng từ ngày 20 - 30.12.2015 âm lịch, anh Vũ có đến văn phòng làm việc và đưa cho tôi 1 túi du lịch đen có khóa, trong đó có 500.000 USD, nói là quà tết”.
Sau tết 1 tháng, anh Vũ lại nói “tôi có ít hoa quả ngon” mang biếu. 19 giờ 30 ngày hôm đó, có 1 người đàn ông đến nhà bị cáo Lê Nam Trà ở Cửa Bắc, mang theo 2 thùng carton và nói “anh Vũ có quà ngon mang biếu”.
“Đây là sự tự nguyện của bị cáo Phạm Nhật Vũ và mang tính chất của quà biếu. Quá trình thực hiện dự án, hai bên không có bất cứ bàn bạc, hứa hẹn nào về việc này. Do số tiền bị cáo Phạm Nhật Vũ đưa vượt qua tính chất quà biếu nên Lê Nam Trà có ý thức là bất hợp pháp, nhiều lần yêu cầu trả lại, nhưng Phạm Nhật Vũ nói cứ từ từ, nên việc trả lại không được thực hiện”, theo luật sư Minh.

Vì sao tỉ phú Phạm Nhật Vũ hối lộ 6.2 triệu USD nhưng chỉ đề nghị 3-4 năm tù - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Khi bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Lê Nam Trà đã chủ động khai việc nhận tiền của bị cáo Vũ; có đơn tự thú ngày 13.10.2018 và đơn tự nguyện khắc phục hậu quả ngày 19.10.2018, yêu cầu gia đình vay mượn tiền để khắc phục. Đến nay, gia đình bị cáo Lê Nam Trà đã nộp 2,5 triệu USD.
Luật sư Minh cho rằng, với những hành vi của bị cáo Lê Nam Trà như trên đây, việc đề nghị tổng mức án 23 - 25 năm tù “vẫn có phần rất nặng”, chưa đánh gía hết nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ phạm tội, chưa áp dụng hết tình tiết giảm nhẹ...
Dẫn hoàn cảnh bi đát hiện nay của gia đình bị cáo Trà, như vợ vừa phải mổ ung thư lần hai, bố già yếu, nhà sập phải đi ở nhờ, bị cáo vì “ngần ngừ không có cơ hội trả lại” số tiền 2,5 triệu USD, “không có dũng cảm để từ chối”, dẫn đến hậu quả phải đứng tước tòa, mất hết cả công danh, sự nghiệp gây dựng cả đời, luật sư đề nghị cho bị cáo hưởng mức án nhẹ hơn.
Luật sư thứ ba bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà cho rằng, bị cáo ký nhận khoản tiền không hợp pháp “vì quá tin tưởng vào chủ trương và quyết định của Bộ trưởng, người lãnh đạo cao nhất của ngành”.
“Trên thực tế, khi ký mua AVG, bị cáo đã không nghĩ đến quyền lợi vật chất riêng tư, không có sự bàn bạc, sắp đặt cùng với Nguyễn Bắc Son để hưởng lợi cá nhân. Động cơ phạm tội của Trà rõ ràng là vị nể, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, chứ không phải vì vụ lợi, vì tiền”, luật sư nói và cho rằng “cách ứng xử của Trà là dễ hiểu, vì bị cáo xuất thân từ gia đình cách mạng, cha là tướng lĩnh quân đội, chủ gia đình, dạy con như một người lính, có trách nhiệm tuân lệnh”.
Nhận số tiền lớn, “trên mức tình cảm, ngay từ đầu, bị cáo đã thấy không ổn”, nhưng chưa có cơ hội trả lại, nên theo luật sư, khi vụ án bị khơi ra, bị cáo đã tự thú.
“Đây là sự rất dũng cảm và sự quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, bởi Trà và gia đình đứng trước nguy cơ bị trả thù; bị áp lực xã hội lên án; bị Đảng, Nhà nước trừng phạt nặng và đối diện mức án cao, có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Trà đã không im lặng chờ đợi mà quay lại thú tội và chấp nhận mọi hình phạt để được thanh thản trong lòng, nhận sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và cộng đồng”, luật sư nêu quan điểm.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong giây phút bị đề nghị án tử hình - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.