Thêm 5 ca nhiễm Covid-19, Bình Thuận phong tỏa 2 tuyến đường
13/03/2020 05:59 GMT+7
Đến 19 giờ ngày 12.3, Bộ Y tế đã công bố thêm 5 ca nhiễm Covid-19 , đều là những bệnh nhân ở Bình Thuận và liên quan đến bệnh nhân thứ 34.
Tự động phát
Trước đó, Viện Pasteur Nha Trang nhận các mẫu bệnh phẩm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận lấy từ 56 trường hợp tiếp xúc gần với những bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 tại tỉnh Bình Thuận đã được công bố trong các ngày 10 và 11.3.
Kết quả xét nghiệm có 5/56 mẫu dương tính với Sars-CoV-2 (gây bệnh Covid-19). Trong đó, BN thứ 40 là nữ (2 tuổi, quê TP.Phan Thiết, Bình Thuận), có tiếp xúc gần BN thứ 34. BN thứ 41 (nam, 59 tuổi, quê TP.Phan Thiết), có tiếp xúc gần BN thứ 34. BN thứ 42 (nam, 28 tuổi, quê TP.Phan Thiết), có tiếp xúc gần với BN thứ 34. BN thứ 43 (nữ, 47 tuổi, TP.Phan Thiết), tiếp xúc gần với BN thứ 38 (con dâu BN thứ 34). BN thứ 44 (nam, 13 tuổi, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), tiếp xúc gần với BN thứ 37 (nhân viên của BN thứ 34).
Hầu hết bệnh nhân có sức khỏe ổn định
Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 12.3, Việt Nam ghi nhận 44 người mắc Covid-19, trong đó có 16 người đã điều trị khỏi và ra viện; 28 người đang điều trị.
268 người nghi ngờ, đang theo dõi, cách ly (trong đó, 210 trường hợp mới trong ngày). 28.979 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly, trong đó 440 người cách ly tập trung tại bệnh viện (BV), 11.557 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 16.982 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
|
Trước thông tin lan truyền về ca bệnh thứ 21 diễn biến nặng, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo trong Tiểu ban điều trị Covid-19 Bộ Y tế cho biết hầu hết các BN Covid-19 đang điều trị có diễn biến thông thường: sốt, ho; một số BN viêm phổi, phổi thâm nhiễm nhưng đến sáng 12.3 có diễn biến tốt hơn; chưa ghi nhận BN suy hô hấp nặng.
Các BN được sử dụng thuốc nâng cao thể trạng, kháng sinh chống bội nhiễm. Đối với một số trường hợp viêm phổi cũng vẫn áp dụng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành.
Chuyên gia này đánh giá, một số BN Covid-19 có viêm phổi nhưng đang bình phục. Với các ca bệnh Covid-19 đã ra viện, được tái xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, chưa ghi nhận tái nhiễm Covid-19.
Những ngày qua, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có các buổi hội chẩn trực tiếp với các BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV Đà Nẵng, BV Chợ Rẫy có tiếp nhận điều trị BN Covid-19.
Các bác sĩ (BS) trao đổi xử trí các diễn biến ca bệnh, sử dụng thuốc điều trị. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, qua buổi hội chẩn trực tiếp, tất cả các báo cáo, xét nghiệm đều được đưa lên rất rõ ràng. Qua đó, các chuyên gia có thể có những ý kiến để tư vấn hỗ trợ các đơn vị trong điều trị tốt hơn. “Về điều trị, có những BN phải thở ô xy, có viêm phổi nhưng tất cả đều kiểm soát được diễn biến bệnh”, ông Sơn nói.
Yêu cầu bệnh nhân khai báo trung thực lịch trình, số người tiếp xúc
Trong diễn biến khác, chiều tối 12.3, ngay sau khi Bộ Y tế công bố Bình Thuận có thêm 5 ca nhiễm Covid-19 mới, Thường trực Tỉnh ủy đã họp và chỉ đạo nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn dịch cúm Covid-19.
Trả lời PV Thanh Niên ngay sau cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh có quyết định phong tỏa, cách ly theo kịch bản đã có; ngành y tế phải rà soát thật kỹ, tìm cho ra hết số người có tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp (F1, F2, F3) với BN nhiễm Covid-19 để cách ly.
|
Cơ quan y tế cũng phải điều tra lấy thông tin từ BN 34, 38 để biết các BN này đã tiếp xúc với ai; yêu cầu phải khai trung thực hết trước cơ quan dịch tễ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Hùng khẳng định, phải minh bạch thông tin cho người dân biết sớm nhất để phòng chống dịch bệnh.
“Cần thiết thì phong tỏa những tuyến đường có nguy cơ nhiễm dịch cao. Bên cạnh đó, phải tiếp tục phun thuốc diệt khuẩn các điểm nóng. Cuối cùng là phải chăm sóc tốt người bệnh được cách ly, bảo vệ tài sản và gia đình người bệnh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo BS Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, CDC tỉnh đã điều tra dịch tễ được 37 người có tiếp xúc trực tiếp (F1) với BN 36, 37 và 38 (đều là người nhà, nhân viên của BN 34).
Ngày 12.3, cơ quan chức năng tỉnh đã đưa hết số người diện F1 của 3 BN đi cách ly tập trung. Riêng số F2 của 3 BN này đã nắm được danh sách lên đến 215 người, hiện đang được cách ly tại nhà.
Đối với 5 trường hợp mà Bộ Y tế vừa công bố nhiễm Covid-19 chiều qua (12.3), BS Việt cho biết: “Hiện ngành y tế mới nắm được danh sách 11 người F1 (tiếp xúc gần), đều là người thân trong gia đình của cả 5 BN mới (các BN thứ 40, 41, 42, 43 và 44). Trong số này, BN 40, 41 và 42 bị lây nhiễm trực tiếp từ BN 34 vì là người nhà. Còn BN thứ 43 và 44 lây từ BN 36 và 38 (tức là F2 của BN 34)”.
Lúc 22 giờ đêm qua 12.3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định (số 557) phong tỏa để cách ly 2 tuyến đường tại KP.2, P.Đức Thắng (TP.Phan Thiết). Cụ thể, tuyến đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ số nhà 38 (ngã tư Hoàng Văn Thụ - Ngô Sĩ Liên) đến nhà 48 (ngã tư Hoàng Văn Thụ - Chu Văn An).
Tuyến đường thứ hai là đường Ngô Sĩ Liên, đoạn từ ngã tư Hoàng Văn Thụ - Ngô Sĩ Liên đến số nhà 109 Ngô Sĩ Liên (ngã ba Ngô Sĩ Liên - Ngư Ông). Thời gian phong tỏa, cách ly từ 0 giờ ngày 13.3 đến 0 giờ ngày 3.4.2020. Giao UBND TP.Phan Thiết triển khai thực hiện việc cách ly, giám sát hai tuyến đường nêu trên đúng theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Cũng trong hôm qua, CDC Bình Thuận đã phun dịch khử trùng và lấy máu xét nghiệm đối với một số nhân viên ngân hàng T. (trụ sở nằm trên đường Nguyễn Tất Thành ,TP.Phan Thiết).
Đây là ngân hàng có nhân viên là BN thứ 38 (con dâu BN 34). BN 38 được Bộ Y tế công bố nhiễm dịch từ mẹ chồng vào ngày 11.3. Trước khi bị phát hiện nhiễm bệnh, BN này vẫn đến ngân hàng làm việc.
Liên quan đến các thông tin phát tán trên mạng xã hội cho rằng, trước khi bị phát hiện nhiễm dịch Covid-19, BN thứ 34 (là Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Bình Thuận) cùng với hội này đã tổ chức các hoạt động chào mừng ngày 8.3, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Thường trực Hội Nữ doanh nhân Bình Thuận báo cáo việc tổ chức này có hay không, tổ chức ở đâu, có những ai tham dự để lên phương án phòng chống dịch.
Bệnh viện Chợ Rẫy “chi viện” cho Bình ThuậnRạng sáng 12.3, Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Đội phản ứng nhanh) của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) đã đến BV đa khoa Bình Thuận hỗ trợ BV điều trị BN, sau các ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh này.
Đội phản ứng nhanh gồm: BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới; TS-BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; BS Nguyễn Trọng Phương, Khoa Cấp cứu…
Ngay khi đến nơi, Đội phản ứng nhanh lập tức hội chẩn về tình trạng sức khỏe của các BN, các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn… Sau đó, Đội phản ứng nhanh tiếp tục làm việc chi tiết về điều trị, sàng lọc bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn… dựa trên các quy trình nghiêm ngặt của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương.
BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19, BV Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai 2 đội phản ứng nhanh và sẵn sàng chờ lệnh xuất phát.
Tại BV đa khoa tỉnh Bình Thuận, Đội phản ứng nhanh sẽ phối hợp với nơi này theo dõi và triển khai một số kế hoạch đề ra và chỉ quay về BV Chợ Rẫy khi công việc tại Bình Thuận hoàn tất. Trước đó, đêm 11.3, sau khi Bình Thuận công bố có 4 ca nhiễm Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Chợ Rẫy “chi viện” cho BV tỉnh này.
Duy Tính
|
Bình luận (0)