Việc để các thùng container có kích thước lên đến hàng tấn rớt xuống đường, đã gây sự hoang mang và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông. Trong khi đó,việc xử lý hành chính cho hành vi này chỉ từ 300.000 – 400.000 đồng.
Vẫn có thể xử phạt hành chính
Theo luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), về việc thùng container rơi xuống đường vẫn có thể áp dụng khoản 1, điều 24, nghị định 46/2016, phạt từ 300.000 – 400.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng hóa trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
“Bởi lẽ trong trường hợp này về mặt nguyên tắc thì thùng container phải được gắn bằng những cái chốt vào rờ moóc, nhưng người tài xế đã không gắn hoặc gắn không chắc chắn mới dẫn đến tình trạng thùng container này rơi khỏi rờ moóc. CSGT hoàn toàn có cơ sở cho rằng tài xế đã không thực hiện hành vi trên để dẫn đến thùng container bị rớt. Nếu như tài xế cho rằng mình đã gắn chắc chắn thì phải có nghĩa vụ chứng minh những thanh chốt gắn đã được gắn đúng theo quy định”, LS Phát phân tích.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt (Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM), khoản 1, Điều 24, Nghị định 46/2016 về việc xử lý vi phạm hành chính chưa nêu rõ việc làm rơi thùng container thì xử lý như thế nào mà chỉ nêu “Phạt từ 300.000 – 400.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng hóa trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn”.
Theo ông Đạt, việc để rớt thùng container có thể xem là không chằng buộc chắc chắn nên vận dụng khoản 1, Điều 24, Nghị định 46/2016 để xử phạt. Đây cũng là giải pháp cảnh báo, phòng ngừa chung đối với các tài xế nhất là tài xế xe rơ moóc, vận chuyển hàng hóa, nâng cao ý thức khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Xử phạt không mang tính răn đe
Cũng theo LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), chưa có quy định liên quan đến việc xử phạt trong trường hợp làm rớt thùng xe như kiểu xe container. Đơn giản bản chất thùng container không phải là hàng hóa để khi người lái xe làm rơi thì bị phạt mà nó là công cụ vận chuyển (nơi chứa hàng).
Nếu phạt thì phải có tiêu chuẩn về quy tắc đóng hàng, nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, để khi họ không làm đúng thì mới bị phạt.Vì container nằm trong chuỗi vận tải đa phương thức, nó đi từ tàu xuống xe, xe về kho, và như vậy thường phụ thuộc vào các công ước quốc tế, hiện nay chưa tìm thấy quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh cho vấn đề này.
Khi container rơi xuống đường nếu làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông thì tùy vào mức độ tỷ lệ thương tật, lúc đó cơ quan công an sẽ xem xét việc tiến hành khởi tố vụ án hình sự hoặc bị hại có thể khởi kiện vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm. Nếu bị khởi tố vụ án hình sự thì có thể khởi tố tội vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm các quy tắc về nghề nghiệp làm chết người.
“Vì vậy việc rơi thùng container có nguy cơ đe dọa rất lớn đến tính mạng người tham gia giao thông. Nếu áp dụng khoản 1, điều 24, nghị định 46/2016 phạt từ 300.000 – 400.000 đồng để xử lý vi phạm hành chính thì không đủ chế tài. Vì vậy cần kiến nghị để hoàn thiện các chế tài xử phạt”, LS Phát nêu ý kiến.
Theo LS Lê Văn Dũng (Đoàn LS TP.HCM) căn cứ vào khoản 1, điều 24, nghị định 46/2016 để xem thùng container là hàng hóa vận chuyển để xử lí vi phạm hành chính từ 300.000 – 400.000 đồng thì không mang tính răn đe. Vì khi thùng container khi rơi xuống đường sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người tham gia giao thông.
“Nếu tài xế để thùng container rơi khỏi xe mà xảy ra hậu quả thuộc các trường hợp: Làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%,… được quy định theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, ông Dũng cho biết thêm.
Bình luận (0)