Đến ngày 23.9, trước tình hình dịch kéo dài, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 97 thông qua gói hỗ trợ đợt 3. Ngày 25.9, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo thực hiện chi hỗ trợ đợt 3 từ ngày 1.10.
Khai thác trường dữ liệu sẵn có
Về cơ bản, cách thức chi hỗ trợ cũng tương tự gói 1, gói 2. Theo đó, chính quyền phường, xã là đơn vị thực hiện chủ chốt từ công tác lập danh sách người hỗ trợ cho tới phát tiền chi trả cho dân; chính quyền cấp quận, huyện có nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt danh sách, kinh phí. Còn người dân, về cơ bản, không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.
Tuy nhiên, đợt 3 có điểm mới trong khâu thực hiện là các địa phương sử dụng phần mềm (app) có thể cài trên điện thoại di động là “SafeID Delivery”, do Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (Công ty QTSC) phát triển, để hỗ trợ chi trả.
Công ty QTSC sẽ cung cấp tài khoản, tập huấn sử dụng ứng dụng cho chính quyền cơ sở; đồng thời phối hợp hỗ trợ chính quyền rà soát, lọc danh sách người không hưởng lương, thực hiện chi hỗ trợ theo danh sách được phê duyệt thông qua ứng dụng này trên điện thoại. Cụ thể, mỗi phường, xã, thị trấn (TP.HCM hiện có 312 phường, xã) sẽ được Công ty QTSC cấp 1 tài khoản để quản trị, do chủ tịch UBND cấp phường, xã, thị trấn phụ trách theo dõi, chỉ đạo. Còn mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức có 2 tài khoản quản trị cấp cho chủ tịch UBND và trưởng phòng LĐ-TB-XH để theo dõi tiến độ chi trả, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn trong quá trình thực hiện. Ứng dụng được kỳ vọng sẽ tránh trùng lắp, tránh thiếu sót đối tượng thụ hưởng.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho hay: “Cơ quan BHXH đã cung cấp trường dữ liệu về 4 nhóm đối tượng không thuộc diện hỗ trợ của gói thứ 3 này cho Công ty QTSC. Trong đó, khoảng 2 triệu người lao động đang tham gia BHXH và trên 240.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Đây chính là cơ sở triển khai gói đợt 3, để Công ty QTSC và chính quyền phường, xã sở tại đối chiếu, lọc danh sách tránh trùng lắp đối tượng”.
|
Quản lý dữ liệu tập trung
Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết Công ty QTSC có nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương hiệu chỉnh, sàng lọc dữ liệu, giảm bớt trùng lắp… để hoàn thiện danh sách đối tượng được nhận hỗ trợ trước khi thẩm định, phê duyệt; đồng thời xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu để chi trả nhanh hơn, đảm bảo tính chính xác cao.
“Phần mềm sẽ quản lý toàn diện các thông tin của từng người dân trong TP bao gồm các thông tin về nhân thân, địa chỉ, các thuộc tính xã hội, cũng như các chính sách mà người dân đã và đang được thụ hưởng. Các thông tin này được quản lý tập trung, từng bước hoàn chỉnh, bổ sung thành cơ sở dữ liệu dùng chung của TP.HCM”, ông Từ Lương thông tin.
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, sau khi nhận được danh sách của UBND phường, xã, thị trấn, Công ty QTSC là đơn vị đảm trách việc rà soát, đối chiếu và tách lọc các nhóm danh sách người không hưởng lương giữa hai bên để gửi ngược lại cho chính quyền cấp cơ sở này. Khi nhận danh sách đã được tách lọc, UBND phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện các bước rà soát, cập nhật bổ sung và xét duyệt danh sách gửi lại lần 2 cho Công ty QTSC.
Trải qua các công đoạn rà chiếu, khi có danh sách chính thức, chính quyền phường, xã, thị trấn sẽ trình UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ; dữ liệu cũng đưa cho Công ty QTSC để nhập lên hệ thống thông tin quản lý chi trả trên phạm vi toàn TP.
Tiết kiệm công sức và minh bạch hơn
Điển hình, tại P.An Lạc (Q.Bình Tân) với hơn 83.000 dân, công tác rà soát, lập danh sách người dân nhận hỗ trợ đợt 3 thông qua phần mềm quản lý đang cấp tập triển khai.
Ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND P.An Lạc, cho rằng: “Phần mềm quản lý mới đang trợ giúp rất nhiều cho địa phương trong khâu rà soát đối tượng đủ hoặc không đủ điều kiện nhận hỗ trợ đợt 3. Vừa qua, sau khi các tổ dân phố rà soát, thống kê về, chúng tôi đưa danh sách ban đầu lên phần mềm quản lý này, qua đối chiếu, lọc, phía Công ty QTSC gửi về cho phường 2 danh sách, một là danh sách những người đã được hưởng lương và đăng ký BHXH và hai là danh sách những người không được hưởng lương và không đăng ký BHXH. Nhờ đó, chúng tôi lọc ra được hơn 10.000 trường hợp không đủ điều kiện, còn lại khoảng 71.000 người đủ điều kiện nhận hỗ trợ đợt 3. Điều này tiết kiệm được rất nhiều công sức cho cán bộ phường”.
Ông Giang cũng cho hay dự kiến sáng nay 28.9, với danh sách đã lọc, địa phương tiến hành bình nghị, rà soát, cập nhật thêm các trường hợp khó khăn, đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Khi chốt danh sách sẽ gửi về quận thẩm định, phê duyệt.
Có thể chi trả trước ngày 1.10Từ giữa tháng 9.2021, người dân trông chờ gói hỗ trợ đợt 3 để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, nhưng thời điểm chi trả liên tục bị trì hoãn, từ dự kiến 22.9 rồi sang 24.9 và mới nhất là ngày 1.10.
Lý giải về việc này, bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Phó trưởng phòng Lao động tiền lương BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho rằng UBND TP.HCM, các sở ngành và quận, huyện đã rất khẩn trương để triển khai gói hỗ trợ này nhưng quá trình triển khai có một số trục trặc nhất định. Cụ thể, ngày 22.9, HĐND TP.HCM mới ban hành Nghị quyết 97 về chính sách hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau đó, UBND TP.HCM có Quyết định 3433 giao kinh phí về quận, huyện, TP và hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH cùng chính quyền địa phương phải cập nhật danh sách, do số lượng lớn với hơn 7,3 triệu người cần cập nhật vào phần mềm quản lý dân cư, cũng như rà soát, loại bỏ các trường hợp trùng nhau. Chưa kể, đợt này TP.HCM hỗ trợ cho người khó khăn và người phụ thuộc (kể cả cha mẹ và con) nên việc cập nhật chưa kịp tiến độ đề ra.
“Chúng tôi sẽ cố gắng xong phần nào thì thông báo xuống quận, huyện, TP chi phần đó. Không nhất thiết phải chờ đến ngày 1.10 mới chi mà có thể chi sớm hơn”, bà Bích nói.
Gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 sẽ ưu tiên giải quyết trước và sớm cho các đối tượng bổ sung phát sinh của đợt 3; những người đang sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo. Đồng thời, một điểm mới khác của gói hỗ trợ lần này chính là UBND phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức công khai, minh bạch danh sách người nhận hỗ trợ tại địa phương và trên hệ thống quản lý an sinh xã hội.
|
Tương tự, theo ông Nguyễn Hồ Đăng Quang, Phó chủ tịch UBND P.15, Q.Phú Nhuận, danh sách xét bình nghị có khoảng 8.145 người (dân số của phường là 13.000 dân) và đã gửi lên phần mềm quản lý để đối chiếu.
“Có nhiều người dân sống ở địa phương, nhưng đóng BHXH ở nơi khác, nên địa phương không có thông tin của họ. Tuy nhiên, dữ liệu của BHXH được chia sẻ vào phần mềm sẽ có thông tin, và mình có thể rà soát, lọc. Ngoài ra, khi triển khai, sẽ rất tiện cho công tác xác minh, bởi không cần ký nhận mà sẽ chụp ảnh tải lên hệ thống, độ minh bạch cao hơn, ít rủi ro cho cán bộ chi trả vì số tiền hỗ trợ rất lớn”, ông Quang nói và cho biết thêm, hiện địa phương vẫn chờ Công ty QTSC cấp tài khoản để đăng nhập, sử dụng.
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH Q.10 thông tin, phần mềm này không quá khó để sử dụng. Quan trọng nhất là có dữ liệu trích ngang của công dân để phục vụ công tác quản lý sau này. Thông qua ứng dụng, quận có thể theo dõi tiến độ chi; nếu có cấp đợt tiếp theo thì có dữ liệu sẵn và triển khai ngay, đỡ cực cho cán bộ phải lập lại danh sách mới. Hiện quận đã thống kê xong danh sách trường hợp được hỗ trợ, dự kiến trong chiều nay (28.9) hoặc sáng mai (29.9), các phường có thể chi hỗ trợ đến người dân.
|
Bình luận (0)