TP.HCM: Hai tuần siết chặt giãn cách và tâm thế cho cuộc sống 'bình thường mới'

06/09/2021 06:20 GMT+7

Trong cuộc sống bình thường mới, các hoạt động kinh tế của TP.HCM từng bước được mở rộng, người dân chuẩn bị tâm thế ứng phó với dịch bệnh với sự hỗ trợ của hệ thống y tế, tuân thủ giãn cách.

Hôm nay (6.9) là ngày cuối trong đợt cao điểm 2 tuần TP.HCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly khu phố, phường xã cách ly với phường xã.
Trong giai đoạn từ ngày 23.8 đến ngày 6.9, bên cạnh giãn cách xã hội triệt để thì TP.HCM tập trung vào chiến lược chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong, lấy mẫu xét nghiệm theo các vùng nguy cơ, tăng cường tiêm vắc xin, cung ứng hàng hóa thiết yếu và đảm bảo an sinh xã hội.

VIDEO Mang cần cẩu 20 mét phát quà cho chung cư cũ Sài Gòn

Nhìn lại gần 2 tuần qua, điều mà lãnh đạo TP.HCM nhắc đến nhiều lần đó là sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh thành bạn, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc giãn cách được thực hiện triệt để, nghiêm ngặt.

Hầu hết người dân TP.HCM tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội trong 2 tuần qua

Độc Lập

Mật độ lưu thông trên đường có thời điểm giảm gần 90% so với ngày thường, trong hẻm cũng giảm dần hình ảnh "tụm năm tụm ba" trò chuyện. Về cơ bản, TP.HCM khắc phục được tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” trong các khu dân cư, điều mà lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhắc nhở.
“Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này mà chúng ta làm được đó là “ai ở đâu ở yên đó”. Trong các khu dân cư, người dân ở nhà rất nghiêm túc”, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM đánh giá.

Đề xuất cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa đến 21 giờ trong dịch Covid-19

Khắc phục những bất cập

Giãn cách nghiêm ngặt là điều kiện lý tưởng để ngành y tế thực hiện chiến lược truy vết thần tốc, truy tìm F0 để khoanh vùng, chăm sóc, điều trị kịp thời. Toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn ở TP.HCM có hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân; tại thời điểm giữa tháng 8.2021, có gần 3.100 tổ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và gần 2.000 tổ nguy cơ cao (vùng cam).
Theo kế hoạch xét nghiệm, TP.HCM dự kiến lấy mẫu toàn bộ vùng đỏ và vùng cam trong 3 ngày (23 - 25.8) rồi sau đó quay lại lấy mẫu lần 2. Tuy nhiên kế hoạch này không đạt được mục tiêu như dự kiến, mãi đến cuối tháng 8.2021, thành phố mới hoàn tất lấy mẫu lần 1 và đặt lại mục tiêu lấy toàn bộ lần 2 vào ngày 6.9.
Trong thời gian này, TP.HCM ghi nhận khoảng 4.000 - 6.000 ca nhiễm mỗi ngày, trong đó ngày kỷ lục là 8.499 ca nhiễm (ngày 3.9). Bình luận về con số kỷ lục trên, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm nói “không có gì gọi là tăng đột biến” và đề nghị người dân bình tĩnh. Theo ông Tâm, sự gia tăng này do các địa phương lấy test nhanh có kết quả dương tính để xét nghiệm lại theo phương pháp RT-PCR, chuyển số ca nghi ngờ thành số ca chắc chắn.

Công tác xét nghiệm đối với vùng đỏ và vùng cam được thực hiện nhiều lần để bóc tách F0

Đình Phú

Từ giữa tháng 8.2021, TP.HCM chuyển hướng sang nâng cao chăm sóc điều trị F0 tại nhà thông qua túi thuốc an sinh để giảm áp lực cho các tầng điều trị. Hơn 400 trạm y tế lưu động được thiết lập với sự hỗ trợ nhân lực của quân y cùng với 312 trạm y tế của phường, xã, thị trấn và các đội phản ứng nhanh đã góp phần cải thiện được tình trạng bệnh nhân chuyển nặng mà chậm được cấp cứu.
Để chuẩn bị cho tình huống F0 gia tăng khi xét nghiệm trên diện rộng, TP.HCM đã lên kế hoạch chuẩn bị 150.000 túi thuốc an sinh. Tuy nhiên, nhiều F0 phản ánh chậm nhận được túi thuốc an sinh sau khi ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm hoặc tự test nhanh có kết quả dương tính. Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ sự “sốt ruột” khi so sánh: “Nếu thiếu ăn một hai bữa còn chịu được, chứ thiếu thuốc một giờ sẽ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân”.
Thiếu thuốc cho F0 là tình cảnh mà nhiều địa phương phải đối mặt ở một số thời điểm khi số thuốc sở Y tế cấp phát chưa về kịp thời để phân phối xuống phường, xã trao tận tay F0. Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế chuyển ngay thuốc điều trị xuống các phường theo nguyên tắc số lượng thuốc cấp phải nhiều hơn số lượng F0 được ghi nhận trên địa bàn; đồng thời có cơ số thuốc dự trữ nhất định tại các trạm y tế, để kịp thời cấp ngay cho những F0 mới phát hiện.
“Bệnh tật thì không thể chậm trễ, nếu cấp túi thuốc kịp thời thì sẽ giảm F0 chuyển nặng”, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

'Chú cuội' cưỡi xe điện vác loa khắp xóm gọi bà con nhận quà ngày dịch

Nỗ lực kéo giảm số ca tử vong

Một trong những mục tiêu quan trọng mà lãnh đạo TP.HCM luôn đau đáu đó là phải tìm mọi cách để giảm số ca tử vong nhanh nhất có thể. Khi F0 đủ điều kiện được chăm sóc tại nhà thì các tầng điều trị sẽ giảm áp lực, thay vào đó đội ngũ y tế tập trung chữa trị cho các ca nặng, cần phải hồi sức.
Trong chuỗi số liệu thống kê ca tử vong từ 22.8 đến ngày 4.9, số ca tử vong ở TP.HCM có chiều hướng giảm nhưng chưa bền vững, dao động từ 217 - 340 ca/ngày. Trong buổi họp báo ngày 1.9, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tỷ lệ tử vong của các ca nhiễm Covid-19 tại thành phố khoảng 4,2%, nằm trong ngưỡng thống kê của Tổ chức Y tế thế giới là 2,1 - 4,4%.
“Tỷ lệ tử vong đang nằm trong giới hạn của WHO nhưng ở mức giới hạn cao. Đây cũng là việc mà ngành y tế thành phố đang tìm mọi cách để cố gắng kéo giảm tỷ lệ tử vong”, ông Châu nói.

Biểu đồ số ca tử vong tại TP.HCM từ ngày 22.8 đến 4.9

BCĐ Phòng chống dịch covid-19 tp.hcm

Khi siết chặt giãn cách, TP.HCM nhận được sự hỗ trợ nhân lực lớn của quân đội; ước tính có khoảng 58.000 cán bộ, chiến sĩ, quân y, dân quân tự vệ tham gia vào chiến dịch này. Bộ đội hiện diện trên các tuyến đường hỗ trợ kiểm soát lưu thông, bộ đội vào siêu thị mua đồ đi chợ giúp dân, quân y ở các trạm y tế lưu động hỗ trợ cấp cứu, chăm sóc, điều trị…
Về công tác cung ứng hàng hóa, sau những ngày đầu lúng túng với phương thức đi chợ hộ được đánh giá là “bài toán đa biến” chưa có tiền lệ, với sự tăng cường của lực lượng shipper, việc đưa hàng hóa đến tay người dân đã dễ thở hơn. Khoảng 20.000 nhân viên hệ thống phân phối được cấp giấy đi đường cũng là điều kiện quan trọng để giải quyết bài toán người dân chờ 4 – 5 ngày mới nhận được đơn hàng.

Mở cửa tới đâu, chắc tới đó

Trong ngày đầu tiên của tháng 9, TP.HCM có 2 quyết định quan trọng. Quyết định đầu tiên là kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM với sự tham gia của lãnh đạo nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị, đoàn thể. Quyết định thứ 2 là thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND TP.HCM. Trước đó, vào ngày 22.8, Thành ủy TP.HCM cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và Thành ủy viên trong công tác phòng chống dịch tại cơ sở.
Câu chuyện phục hồi kinh tế được nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế thành phố đã chịu nhiều tổn thương sau 3 tháng giãn cách xã hội. “Chúng ta không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi, chúng ta cũng không thể quét sạch F0. Muốn mở dần ra, chúng ta tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao đổi với PV Thanh Niên bên lề buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Q.7 vào sáng 5.9.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi về phương án mở cửa kinh tế thành phố

Sỹ Đông

Q.7 và H.Củ Chi là 2 địa phương đầu tiên công bố đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trong tổng số 22 đơn vị hành chính cấp huyện của TP.HCM. Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Q.7 cho biết quận đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn bình thường mới, dự kiến từ 20.9 sẽ mở cửa trở lại đối với cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố.
Điều kiện để mở cửa là tiêm vắc xin 2 mũi, hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ, tuân thủ 5K. Trong thời gian đầu, Q.7 hạn chế thời gian hoạt động từ 6 - 18 giờ hằng ngày, khuyến khích bán hàng online.
Không chỉ Q.7, nhiều quận, huyện khác cũng đã có những bước chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn sau ngày 15.9; trong đó sẽ ưu tiên những ngành trọng yếu, thiết yếu và mở cửa từng bước, thận trọng mà chắc chắn. Điểm chung của điều kiện mở cửa mà các quận, huyện đưa ra đó là tiêm vắc xin 2 mũi. Trong điều kiện khả quan khi nguồn vắc xin được phân bổ đầy đủ theo kế hoạch thì đến ngày 30.9, TP.HCM có hơn 3 triệu người đã tiêm 2 mũi (khoảng 42% người dân từ 18 tuổi trở lên).
Chia sẻ về cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đến tâm thế mà người dân cần chuẩn bị, sẵn sàng thay đổi thói quen sống hằng ngày. Trong trạng thái bình thường mới đó, vẫn có ca nhiễm phát sinh trong cộng đồng nhưng người dân được trang bị được kiến thức, nhận thức và tự ứng phó tức thì bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống y tế tiếp tục được củng cố.
Mục tiêu của TP.HCM trong giai đoạn tới là bảo vệ sức khỏe nền kinh tế bên cạnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, thành phố sẽ quay trở lại với mục tiêu kép. Kế hoạch khôi phục kinh tế được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, học tập kinh nghiệm từ các nước đã đi trước. Việc mở cửa nền kinh tế sẽ thực hiện từng bước, mở tới đâu chắc tới đó.
Việc TP.HCM áp dụng giãn cách ở mức độ nào sau ngày 6.9 sẽ được thảo luận và công bố trong hôm nay. Theo thông tin từ 2 buổi làm việc với Q.7 và H.Củ Chi thì 2 địa phương này tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 đến ngày 15.9, là thời điểm thành phố đặt mục tiêu kiểm soát được dịch trên toàn địa bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.