Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 (gọi tắt BVDC số 8) được thành lập ở TP.Thủ Đức. Các nữ điều dưỡng (ĐD) của 2 BV Bình Dân và Thống Nhất tạm gác công việc, xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại BVDC số 8.
“Những ngày đầu vừa tới đây làm việc, có bạn khóc vì áp lực công việc, còn trẻ mà. Giờ va chạm nhiều rồi, các đồng nghiệp cũng bình tĩnh và tự tin khi gặp các tình huống khó”, bác sĩ (BS) Phạm Hữu Đoàn, Phó giám đốc BVDC số 8 nói về các ĐD tại đây.
Làm mọi thứ, kể cả... shipper
Đã có kinh nghiệm làm việc ở BV Bình Dân, nhưng khi đến làm việc tại BVDC số 8, ĐD Trần Thị Thùy Dương không khỏi bối rối trong nhiều việc. Là ĐD trưởng tại block D1, một trong 6 block của BVDC số 8, chị Dương cùng các ĐD khác chăm lo cho khoảng 1.000 bệnh nhân (BN). Công việc bận rộn đến mức 8 ngày liền chị chẳng thể gọi điện cho người thân. “Công việc liên quan mình phải giải quyết nhanh nên việc không ngơi tay, 8 ngày đầu không có thời gian để gọi điện cho gia đình, khi gia đình gọi mình cũng không thể bắt máy vì đang xử trí công việc. Sang ngày thứ 9, khi mọi thứ đã ổn định hơn, mình mới gọi điện về cho gia đình, báo tin mình bình an. Mẹ trách mình rất nhiều, nhưng mình cũng không còn cách nào, phải ưu tiên BN trước”, chị Dương cho biết.
Các nữ ĐD phải túc trực BN 24/24. Ca trực sáng bận rộn nhất, ngoài việc phân phát thuốc, sổ sách, các nữ ĐD phải kiêm luôn vai trò... shipper, chuyển cơm đến các phòng, giao đồ dùng tiếp tế đến tận phòng của BN.
Mỗi ngày các BN được cung cấp 3 bữa ăn. Dù công việc phát cơm được triển khai từ sớm nhưng với hàng ngàn BN đang điều trị tại đây, người nhận sớm, người nhận trễ là khó tránh khỏi.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, chị Nguyễn Thị Thanh Loan, ĐD BV Bình Dân đang làm việc tại đây, nói: “Mình ít người mà BN đông quá nên khó tránh khỏi chậm trễ, những lúc như vậy mình cố gắng giải thích để BN thông cảm”.
Có lúc chưa phát cơm kịp mà BN than đói, các ĐD trong ca trực chia sẻ với BN ổ bánh mì, gói cháo hay sữa để dùng trước. Để vơi bớt áp lực, mỗi khi xong ca trực, chị Loan lại xem ảnh con đang gửi nhờ nhà bà ngoại, để có thêm động lực.
Về đêm khi BN dễ trở nặng, ĐD Nguyễn Thị Kim Hoa (BV Thống Nhất) cùng nhiều đồng nghiệp trong kíp trực luôn sẵn sàng để hỗ trợ BN kịp thời. “BN sau khi nhập viện sẽ có lúc khó thở, ho nhiều, sẽ gọi mình hỗ trợ liên tục, nhất là về đêm. Mình phải kịp thời giúp họ, hỗ trợ ô xy và động viên các BN nữa. Ban đầu vào đây có nhiều BN bị hoang mang”.
Khi BN nghỉ ngơi, kíp trực vẫn phải luôn thức. Để giải tỏa áp lực công việc, chị Hoa cùng kíp trực thường tập múa theo các bài hát để... xua tan Covid-19, cũng là để lưu lại những kỷ niệm ở BVDC.
Ban đầu mới vào BVDC số 8, chị Hoa gọi về hỏi thăm mẹ. Biết chị tham gia chống dịch ở BVDC, mẹ chị lo lắng khóc. “Phải mất ít ngày để giải thích cho mẹ hiểu và đỡ lo lắng hơn”, chị Hoa nói.
“Các chị ĐD cái gì cũng làm hết, từ phát cơm, phát thuốc, giao hàng, kể cả thu gom rác ở các tầng đều là mấy chị làm hết”, BS Nguyễn Hữu Mạnh (BV Bình Dân, được tăng cường cho BVDC số 8) nói.
|
Đồng cảm để sẻ chia
Với bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, kín mít, các nữ ĐD với vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng lo cho BN không biết mệt mỏi. Nhiều đôi mắt đã thâm quầng do thức đêm. “Ở BVDC, có BN trách cứ tụi mình bỏ đói họ, nhưng đâu phải như vậy, tụi mình cũng đã cố gắng hết sức để chăm sóc BN. Có hộp bánh, hộp sữa dằn bụng mình cũng chia sẻ cho họ”, ĐD Nguyễn Thị Thùy chia sẻ khi xem những video, bài viết than phiền BVDC trên mạng xã hội.
“Nhưng có nhiều BN rất dễ thương, họ gửi lời cảm ơn mỗi khi mình mang cơm đến, họ còn hỏi thăm sức khỏe của chúng mình nữa. Mỗi lúc như vậy mình như được tăng thêm tinh thần và sức lực”, ĐD Võ Ngọc My chia sẻ.
Ngoài tiếp xúc trực tiếp BN lúc thăm khám, phát thuốc, để có thể luôn kết nối với các BN, các nhóm trò chuyện online giữa BN và y BS tại BV này được tạo nên. Qua đây để đại diện các phòng bệnh thay mặt các BN cùng phòng chia sẻ, góp ý, hay liên lạc mỗi khi cần hỗ trợ, khi bệnh đột nhiên trở nặng.
Qua những nhóm trò chuyện này, việc giải đáp các thắc mắc cho BN cũng dễ dàng. Rất nhiều năng lượng tích cực được lan tỏa trong các nhóm, đó là những lời cảm ơn, những tâm sự của BN đối với các ĐD.
Đọc những dòng tin nhắn từ các BN, chúng tôi cảm nhận được niềm tin, sự biết ơn của BN đến các ĐD chăm lo cho mình.
BN T.T.H nhắn: “Xin chân thành cảm ơn đến các BS, các anh chị em y tá, các anh chị ĐD đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi vô cùng biết ơn”. BN T. thì nhắn cho các chị ĐD: “Mấy chị cứ nghỉ ngơi ăn uống, lúc nào có cơm mang lên cũng được. Em còn mấy chai sữa tặng cho mọi người nhé”. Rất nhiều lời chúc, tin nhắn từ BN cảm ơn, như món quà tinh thần về những nỗ lực của lực lượng y tế tại đây.
|
Tranh thủ trò chuyện cùng các nữ ĐD trước giờ trực tối 23.7, ai nấy đều lạc quan, chia sẻ những vấn đề trong ca trực. Xa gia đình, công việc có nhiều khó khăn, nguy cơ, áp lực đè nén mỗi ngày. Mong ước của các nữ ĐD lúc này chính là “sớm hết dịch để trở về nhà”.
BVDC điều trị Covid-19 còn thiếu thốn về nhiều mặt, lo lắng khi nhiễm Covid-19, lo lắng không được chăm sóc chu đáo của BN là khó tránh. Nhưng thực tế khi đến đây, mọi BN đều được chữa trị như nhau, có chăng chỉ là sự chờ đợi vì lực lượng y tế vẫn ít so với số lượng BN ở BVDC.
Trải qua những ngày đầu vô cùng khó khăn, hằng ngày mồ hôi của các ĐD thấm ướt lớp trang phục bảo hộ. Các nữ ĐD đang lo cho hàng ngàn BN Covid-19 để họ khỏe mạnh trở lại với cuộc sống bình thường.
Bình luận (0)