Sáng 29.5, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 với các địa phương. Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ ngày 18.5 đến nay, TP.HCM có 4 chuỗi lây nhiễm.
4 chuỗi lây nhiễm với 2 biến chủng mạnh
Thứ nhất là chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở Q.3, có 2 trường hợp dương tính là đồng nghiệp, cư trú ở TP.Thủ Đức và Q.7, có yếu tố đi về từ Hải Phòng, biến chủng Ấn Độ.
Chuỗi thứ 2 là quán bánh canh ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) có 5 trường hợp, đã được điều tra truy vết khoanh vùng dập dịch triệt để, hiện chưa phát hiện người mắc bệnh mới, các ca bệnh này này thuộc biến chủng anh
Thứ 3 là Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được phát hiện từ tối 26.5, thông qua 3 bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám chữa bệnh, được sàng lọc và xét nghiệm Covid-19, kết quả dương tính. Cả 3 ca này có điểm chung đều là thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Q.Gò Vấp. Kết quả truy vết cho thấy bệnh nhân 6293 (bà Võ Xuân Loan, vợ mục sư Phương Văn Tân) từng ra Hà Nội từ ngày 23.4 và trở về ngày 29.4, có triệu chứng bệnh từ 13.5.
|
Qua điều tra, truy vết và các thành viên tự khai báo hoặc phát hiện qua khám sàng lọc, đến chiều 28.5 đã ghi nhận 64 ca bệnh từ chuỗi này; có 16/22 địa phương có liên quan đến ca nhiễm.
Tổng số F1 là 958 người và hơn 37.000 F2. Kết quả giải trình tự gen của 5 bệnh nhân đầu tiên đều thuộc biến chủng Ấn Độ. Như vậy, TP.HCM ghi nhận đang lưu 2 biến chủng có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng.
Chuỗi lây nhiễm thứ 4 được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vào ngày 27.5, 2 vợ chồng đến khám tại đây dương tính với virus SARS-CoV-2.
"Hiện TP.HCM đang mở rộng truy vết xem có liên quan đến nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hay không do 2 chuỗi này xảy ra cùng thời điểm”, ông Phong cho biết.
Ông Phong cho biết đang khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng phù hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, mở rộng xét nghiệm tìm kiếm nguồn lây nhiễm xung quanh khu vực phong tỏa.
TP.HCM hiện đã dừng hàng loạt dịch vụ không thiết yếu, tạm dừng các nghi lễ tôn giáo và hoạt động lễ hội tập trung từ 10 người trở lên tại nơi tín ngưỡng, thờ tự; vận hành 69 chốt, trạm kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ ra vào; thành lập 3 đoàn kiểm tra cấp thành phố và các đoàn kiểm tra cấp, quận, huyện, phường xã, thị trấn, đồng loạt kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, kinh doanh thức ăn đường phố không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến.
Kiến nghị Chính phủ tìm kiếm nguồn cung vắc xin
Ông Phong cho biết TP.HCM hiện đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ. Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do chủng Ấn Độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo.
Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TP.HCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt. Thậm chí, dịch có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận, mà điển hình là bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton (Q.1). một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là công ty tại Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12).
|
Về nơi lây nhiễm, ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao, nhất là trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị 2 nội dung chính.
Thứ nhất, trong bối cảnh phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng, đề xuất Chính phủ có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.
Thứ hai, liên quan đến việc cung ức vắc xin, ông Phong cho biết TP.HCM có 7,2 triệu người trên 18 tuổi. Trong khi đó, các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 21/2021của Chính phủ do ngân sách hỗ trợ được TP.HCM đăng ký nhận vắc xin với Bộ Y tế là 1,6 triệu người.
Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ….khoảng 5,6 triệu người. Do đó, ông Phong kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin Covid-19 (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vắc xin này.
Bình luận (0)