UBND TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức lễ khởi động chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn TP.HCM tại Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức).
Phân bổ 836.000 liều vắc xin Covid-19 cho TP.HCM
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình gửi lời cảm ơn người dân TP.HCM đã tích cực tham gia chống dịch trong thời gian qua.
Theo Phó thủ tướng, đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát khiến cả thế giới lo lắng, lúc đó Việt Nam tự hào vì chữa được nhiều bệnh nhân nặng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chỉ có 5K chưa đủ mà cần có biện pháp căn bản là vắc xin. Từ ngày 8.3.2021, cả nước đã bắt đầu tổ chức tiêm cho hơn 1 triệu người.
|
Phó thủ tướng cho biết thêm, nguồn cung vắc xin đang khan hiếm, Nhà nước đã huy động từ nhiều nguồn với mục tiêu tiếp cận vắc xin sớm nhất, nhanh nhất và tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên là điểm nóng về dịch bệnh và khu vực có nguy cơ cao.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình gửi lời cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ 1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Việt Nam, đây là sự hỗ trợ rất kịp thời trong chiến lược vắc xin của Việt Nam.
|
Đánh giá TP.HCM có vị thế quan trọng nên Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đã phân bổ 836.000 liều vắc xin Covid-19 cho TP.HCM, đây là sự quan tâm, chia sẻ, động viên với TP.HCM.
Phó thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM tổ tiếp nhận, tiêm chủng đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao nhất theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có công nhân ở khu công nghiệp, khu công nghệ cao, lực lượng công an trên địa bàn. Do số lượng tiêm chủng vẫn chưa đạt 2/3 dân số toàn thành phố nên Phó thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan mà phải thực hiện đầy đủ là thông điệp 5K.
|
Sau lễ khởi động, công nhân của 2 doanh nghiệp được tiêm đầu tiên, gồm Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam và Công ty FPT Software với khoảng 500 người.
Sau đó, ngành y tế sẽ sắp xếp tiêm chủng cho người lao động ở các công ty khác hoạt động bên trong Khu công nghệ cao theo từng đợt, số lượng khoảng 45.000 người.
|
Đối với các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn sẽ được sắp xếp tiêm chủng sau. Lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM nhìn nhận việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 trước cho công nhân giúp doanh nghiệp và người lao động an tâm sản xuất, kinh doanh.
TP.HCM có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với 280.000 người lao động, Khu công nghệ cao TP.HCM có khoảng 45.000 người lao động.
1.000 điểm tiêm vắc xin Covid-19 ở TP.HCM
Theo phân bổ của Chính Phủ, có 836.000 liều vắc xin Covid-19 được vận chuyển vào TP.HCM. Trong đó, 786.000 liều dùng tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 và 50.000 liều thuộc đối tượng bộ đội, công an trên địa bàn TP.HCM.
Đối với kế hoạch tiêm chủng lần này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng, như: Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
|
Đối với công tác tổ chức tiêm vắc xin, TP.HCM dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng, gồm các điểm tiêm chủng tại Trung tâm y tế quận huyện, Trạm y tế phường xã… và các điểm tiêm lưu động, với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Tại mỗi điểm có thể tiêm cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày. Để đáp ứng 1.000 điểm tiêm, TP.HCM sẽ huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM, các bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế…
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay thì việc đảm bảo an toàn tiêm chủng, sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế phải được tuân thủ; tư vấn đầy đủ cho đối tượng được chủng; thu gom và xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng; tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm vắc xin Covid-19, TP.HCM chuẩn bị đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm với lực lượng mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn, sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết. Đồng thời cũng tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần… Ngành y tế TP.HCM thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Bình luận (0)