TP.HCM vươn tầm châu Á

Đình Phú
Đình Phú
30/04/2021 05:39 GMT+7

Hôm nay 30.4, tròn 46 năm đánh dấu một chặng đường TP.HCM dựng xây và phát triển từ ngày thống nhất non sông. TP.HCM tiếp tục xác định mục tiêu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển vươn tầm châu Á.

Đô thị TP.HCM ngày càng vươn lên tầm cao

Ảnh: Độc Lập

Dù diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9,1% dân số cả nước nhưng TP.HCM có quy mô kinh tế lớn nhất: chiếm khoảng 23% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế 30 năm (1986 - 2016) đạt 10,45% - cao nhất cả nước (cả nước 6,6%); đặc biệt là đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (bình quân chiếm khoảng gần 1/3).

6 thách thức lớn về kinh tế - xã hội  cần giải quyết

Hạ tầng giao thông: Mật độ đường giao thông đô thị theo quy chuẩn phải đạt ít nhất 10 km/km2 nhưng TP.HCM chỉ đạt 2,14 km/km2.
Nguy cơ ngập nước: Theo quy hoạch, đến năm 2020, trong phạm vi 680 km2 vùng trung tâm TP.HCM cần có 6.000 km cống các loại. Tuy nhiên, đến nay xây mới và cải tạo hơn 2.600/6.000 km hệ thống cống thoát nước (hơn 43%).
Diện tích nhà ở: Hiện bình quân là 11,11 m2, thấp hơn 15% so với cả nước (21,4 m2) và thấp hơn 20% so với khu vực Đông Nam bộ (22,7 m2). TP.HCM vẫn còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch và 474 chung cư cũ được xây dựng trước 1975 đang cần xây mới.

Bệnh viện, trường học: Năm 2019, TP.HCM tiếp nhận khoảng 50 triệu lượt khám, chữa bệnh, tăng 12% so với năm 2018. Từ 1997 - 2016 đã xây mới 76 bệnh viện, tăng số giường bệnh thêm 25.513 giường. Trong hơn 11 năm qua, bình quân mỗi năm xây mới 13 trường học với 1.525 phòng học, tăng bình quân 1,6%; trong khi số học sinh phổ thông bình quân hằng năm tăng 3% (gần gấp đôi), dẫn đến quá tải.

Hạ tầng thương mại: Là TP đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất cả nước, song hạ tầng thương mại rất thiếu, không đáp ứng nhu cầu của TP và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Môi trường: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng gia tăng, ô nhiễm nguồn nước sông ở hầu hết vị trí quan trắc.
Từ những thành tựu quan trọng đã đạt được, TP.HCM đã hoạch định chiến lược phát triển bền vững, vươn lên tầm cao mới. Cụ thể, đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD (năm 2020 đạt khoảng 6.328 USD).
Đến năm 2030 là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tăng tốc

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Từ đầu năm 2021, TP.HCM đã bắt tay vào thực hiện các chương trình, đề án đã được thông qua, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định. Cùng với ưu tiên số 1 là tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM quyết liệt thực hiện các chương trình trọng tâm, trọng điểm và chủ đề năm, triển khai nhanh quy hoạch chung TP.HCM hướng đến tầm nhìn lâu dài, bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, TP.HCM chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp xúc các tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp đến đầu tư. Các sở ngành, địa phương cần quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ; trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các dự án còn vướng mắc về đất đai và thủ tục đầu tư.
Đảng bộ, chính quyền TP.HCM cảm ơn đến toàn thể hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp… đã cùng đồng hành, chung tay xây dựng, phát triển TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
TP.HCM cũng đã thông qua một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu đến năm 2025 về kinh tế, xã hội, đô thị... Để đạt được các mục tiêu chiến lược, TP.HCM xác định 4 nhiệm vụ then chốt: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Trải qua 46 năm sau ngày thống nhất đất nước, đến nay TP.HCM đã trở thành một đô thị đặc biệt, trung tâm về nhiều mặt của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và 27% ngân sách quốc gia. TP.HCM cũng vừa kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng để TP.HCM tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Chính quyền TP.HCM luôn cầu thị, mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của doanh nghiệp bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng, lành mạnh.
Tinh thần nhất quán của TP.HCM là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi liên hệ giải quyết công việc.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Sỹ Đông (ghi)
Trong giai đoạn 2020 - 2025/2030, TP.HCM cũng đã hoạch định 4 chương trình phát triển: Chương trình đột phá đổi mới quản lý, bao gồm 14 đề án thành phần; chương trình đột phá phát triển hạ tầng, bao gồm 13 đề án, chương trình thành phần; chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, bao gồm 11 đề án, chương trình thành phần; chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, bao gồm 13 đề án, chương trình thành phần.

Chỉ tiêu phát triển chủ yếu của TP.HCM 2020 - 2025

KINH TẾ
Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm là 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%.
Kinh tế số đóng góp trong GRDP khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030.
GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 USD/người.
Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt bình quân trên 1%/GRDP.
XÃ HỘI
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
Đến 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.
Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.
Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân.
Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học.
Tiếp tục duy trì 100%: số hộ dân sử dụng nước sạch; xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp…
ĐÔ THỊ
Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.
Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1 m2/người)...
Nguồn: Thành ủy TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.