Từ Cách mạng tháng tám đến quốc khánh 2.9: Tiến bước dưới quân kỳ

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/08/2020 05:56 GMT+7

Cuối tháng 12.1946 toàn quốc kháng chiến, cậu bé Doãn Nho theo gia đình lên Bắc Giang tản cư... Mấy năm tản cư, cậu bé vừa hoàn thành việc học, vừa tham gia đội tuyên truyền lưu động của Bắc Giang và Vĩnh Yên.

Hôm chúng tôi tham gia buổi gặp mặt cán bộ tiền khởi nghĩa, khi chia sẻ mong muốn “chụp hình lưu niệm cho các cụ”, một người đàn ông tóc trắng như cước nhưng cao to, vẫn khỏe mạnh bước vội ra ngoài hàng, bảo: “Tôi là trẻ con. Hồi các cụ cướp chính quyền, tôi mới 11 tuổi, làm thiếu niên cứu quốc”. Người ấy là đại tá - nhạc sĩ Doãn Nho.

Cậu liên lạc làng cót

Năm 1944, khi mới 11 tuổi, cậu bé Doãn Nho đã biết nhà mình là nơi hội họp của chi bộ Đảng ngoại thành Hà Nội do ông Vũ Oanh (sau là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, Trưởng ban Dân vận T.Ư, Trưởng ban Kinh tế T.Ư) làm bí thư. “Các anh ấy sinh hoạt ở nhà tôi và còn gửi mấy khẩu súng ngắn làm bằng gỗ”, ông Doãn Nho nhớ lại vậy và kể: “Có lần đi học về, thấy các anh để khẩu súng trường cạnh gian thờ bị tuột màn che. Tôi vội vàng chạy vào bê khẩu súng mang đi giấu”.
Thấy cậu bé Doãn Nho khi ấy nhanh nhẹn, ông Vũ Oanh giao cho việc liên lạc, thông tin với quần chúng cốt cán. Trước khi có cuộc mít tinh ở chợ Làng Cót, cậu bé Doãn Nho chạy từ đầu làng đến cuối làng, hô khản giọng: “Có mít tinh ngoài xóm chợ”, để báo bà con ra xem.
Giữa tháng 8.1945, cậu bé Doãn Nho được các anh trong Đội thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (do ông Vũ Oanh phụ trách) giao tập hợp một số thiếu niên để thành lập Đội thiếu niên cứu quốc làng Cót. Nhiệm vụ của đội, ngoài việc làm liên lạc, cảnh giới việt gian bảo vệ xóm làng… còn học, phổ biến các bài hát Việt Minh, cổ vũ cho cách mạng.
Đội ban đầu chỉ có 3 người, sau lên đến gần 100 người, ở các xóm trong làng Cót. “Hôm khởi nghĩa giành chính quyền 19.8.1945, chúng tôi bé quá không được tham gia. Mãi đến ngày 2.9.1945, Đội thiếu niên cứu quốc làng Cót mới được tham gia mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, nghe Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ vậy và nắm bàn tay: “Chúng tôi ở trong đội nghi thức, đánh trống và giương cờ. Người mình bé, được giao đánh trống ếch. Nhìn thì tưởng đơn giản, nhưng rất đau tay vì mình học violon, chứ có chơi trống bao giờ”.
Ít ai biết chuyện vào cuối năm 1946, sau khi Tạm ước Việt - Pháp (9.1946) được ký kết nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, cậu bé Doãn Nho đã tham gia tổ liên lạc đặc biệt của chiến khu 11 (thủ đô Hà Nội), đưa công văn giấy tờ từ cơ quan đầu não xuống các đơn vị vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công an xung phong thuộc 3 liên khu. “Hồi ấy mình được tham gia vì đã có thâm niên làm thiếu niên cứu quốc và… biết đi xe đạp. Tổ liên lạc giờ còn 2 anh còn sống, đang ở Tây Mỗ và Lý Nam Đế. Mỗi khi gặp lại, toàn nhắc lại chuyện truyền nhau kỹ thuật đạp xe không ngã”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.
Từ Cách mạng tháng tám đến quốc khánh 2.9: Tiến bước dưới quân kỳ1

Nhạc sĩ Doãn Nho (phải) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

ẢNH: TƯ LIỆU QUÂN ĐỘI

Quản ca trong trường lục quân

Cuối tháng 12.1946 toàn quốc kháng chiến, cậu bé Doãn Nho theo gia đình lên Bắc Giang tản cư, và đến năm 1948 lại xuôi về Vĩnh Yên. Mấy năm tản cư, cậu bé vừa hoàn thành việc học, vừa tham gia đội tuyên truyền lưu động của Bắc Giang (do ông Cao Sơn phụ trách) và Vĩnh Yên (ông Vũ Quang, trưởng ty tuyên truyền phụ trách).
Năm 1950, khi đang tản cư ở Vĩnh Yên, ông Doãn Nho khát khao được vào bộ đội nên đã khai tăng 1 tuổi để nhập ngũ, được cử đi học khóa 6 Trường Lục quân Việt Nam (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn, Sĩ quan Lục quân 1). Do có “năng khiếu văn nghệ” nên binh nhì Doãn Nho được phân công làm quản ca của đại đội học viên, được chính trị viên yêu cầu sáng tác các bài hát cổ vũ cho phong trào tăng gia sản xuất của nhà trường.
Từ Cách mạng tháng tám đến quốc khánh 2.9: Tiến bước dưới quân kỳ2

Nhạc sĩ Doãn Nho (trái) kể lại chuyện khởi nghĩa giành chính quyền cách đây 75 năm

ẢNH: MAI THANH HẢI

Niềm tin dưới bóng cờ

Tháng 3.1951, Tổng đội văn công (sau đổi tên là Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, giờ là Nhà hát ca múa nhạc quân đội) được thành lập, ông Doãn Nho chuyển về công tác, và từ đây những ca khúc để đời của ông nối tiếp nhau ra đời (Sóng Cửa Tùng, Chiếc khăn piêu, Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La, Hát mừng quê ta giải phóng...). Trong số các ca khúc này, ông đau đáu nhất với Tiến bước dưới quân kỳ - một trong 10 bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo lời kể của nhạc sĩ Doãn Nho, mùa hè 1958, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị trở lại chiến trường Tây Bắc biểu diễn phục vụ quân và dân. Ông được phân công đi tiền trạm chuẩn bị cho đoàn biểu diễn và thực tế sáng tác. Thời điểm này, lòng chảo Điện Biên vẫn còn những tàn tích của chiến tranh, công binh đang gỡ bom mìn. Đặt chân xuống Điện Biên, ông lên ngay đồi A1. Hình ảnh đầu tiên gây cảm xúc là 2 ngôi mộ liệt sĩ vô danh và chiếc xe tăng của Pháp gục nòng nằm đó. Đến đỉnh đồi, ngồi xuống vệ cỏ và thấy cây cối rất xanh, ông biết dưới lớp đất đó chính là máu, xương của đồng đội mình. Cảm xúc dâng trào, bật thành lời “bước từng bậc nhớ từng người lòng đau nhói… uất ức, căm hờn hôm nay phải trả. Đồng chí ta ơi”.
Và đó chính là tứ đầu tiên, nhạc sĩ Doãn Nho sử dụng vào đoạn giữa bài hát Tiến bước dưới quân kỳ: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi. Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa. Nhìn cờ hồng bay rực rỡ. Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim”. Bài hát này ngay lập tức được thông qua, chỉnh sửa lời cho tốp ca nam tập và ngay đêm biểu diễn đầu của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị…
“75 năm Cách mạng Tháng Tám, cho tôi được là người dân của quốc gia độc lập. 70 năm nhập ngũ, tôi mãi mãi là người lính bảo vệ Tổ quốc, nhân dân”, đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định vậy và hào sảng: “Việt Nam mình có cái hay là thế hệ nào cũng tưởng rằng mình dễ đi chệch hướng… Nhưng khi hải đảo, biên giới có chuyện thì 2 chữ Tổ quốc thức tỉnh tất cả. Tinh thần ấy khiến tôi luôn đặt lòng tin vào lớp trẻ hiện nay”.

Khởi nghĩa tại Sài Gòn, Nam bộ

Ngày 15.8.1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, nhưng 10 ngày sau, khởi nghĩa mới chính thức nổ ra tại Sài Gòn, do có một số cán bộ cho rằng miền Bắc chưa khởi nghĩa mà Nam bộ đã khởi nghĩa là phiêu lưu, dễ bị đàn áp...
Ngày 20.8, nhận được tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, ngay sáng 21.8, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập gấp hội nghị mở rộng, quyết định khởi nghĩa thí điểm tại Tân An.
Sau khi thắng lợi ở Tân An, Hội nghị Xứ ủy mở rộng quyết định khởi nghĩa ở Sài Gòn, tối 24.8.1945. Cuộc khởi nghĩa diễn ra theo đúng kế hoạch, các đội viên xung phong đã đánh chiếm các mục tiêu quan trọng rất nhanh gọn, không có đổ máu.
Sáng 25.8, Việt Minh tổ chức mít tinh, tuần hành. Tại Dinh Đốc Lý (trụ sở HĐND - UBND TP.HCM hiện nay), Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu tuyên bố:
“Đồng bào! Quốc dân!
Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử Nam bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhựt, chúng tôi, Ủy ban lâm thời hành chánh, nhân danh toàn thể quốc dân Nam bộ tuyên bố trước mặt hoàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân Việt Nam rằng: Chế độ cộng hòa dân chủ thành lập tại Nam bộ Việt Nam.
Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không một ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Thay mặt cho Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam bộ, để đến ngày triệu tập xong Quốc hội, sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.