Người treo cờ cách mạng trên kỳ đài Huế

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
21/08/2020 07:44 GMT+7

Người dân TP.Huế và vùng lân cận khi ấy thấy lá cờ rộng lớn tung bay, phấn khởi reo hò: “Cách mạng đã về. Việt Minh đã về”...

Tôi leo lên tầng 12 của chung cư nằm cạnh đường Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), đã thấy ông lão mắt sáng quắc ngồi đợi sẵn: “Tôi là trung tá Đặng Văn Việt, trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay tôi bước sang tuổi 101”.

Con nhà quan, tính nhà lính

Ông Đặng Văn Việt sinh năm 1920 tại Nghệ An, trong một gia đình khoa bảng có ông nội và bố đỗ đạt cao từng làm quan dưới triều Nguyễn. Bố ông là cụ Đặng Văn Hướng (đỗ Phó bảng năm 1919) từng giữ chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình ở Huế, Bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim. Sau Cách mạng Tháng 8.1945, cụ Hướng được Hồ Chủ tịch mời làm Bộ trưởng không bộ phụ trách 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngày 3.1.2012, Bộ Nội vụ có văn bản xác nhận: “Năm 1947, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Đảng và Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số bộ, trong đó có cụ Đặng Văn Hướng giữ chức Bộ trưởng không bộ”.
Đây là kết quả của ông Đặng Văn Việt và các cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng... sau mấy chục năm đấu tranh, minh oan chính trị cho cụ Đặng Văn Hướng (bố ông Việt) và gia đình.
Thông minh sáng dạ, ông Việt nói thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh... Năm 1942, sau khi đỗ tú tài toàn phần tại Trường Quốc học Huế, ông Việt ra Hà Nội học Trường Y khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội) và tích cực tham gia các hoạt động của Tổng hội Sinh viên Việt Nam (sau đổi tên là Tổng hội Sinh viên cứu quốc), trở thành nhân tố tích cực của Việt Minh. Đầu tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Trường Y khoa Đông Dương đóng cửa, các sinh viên tản mát về quê. Riêng ông Việt ở lại, làm tổ trưởng tổ hướng đạo 4 người, nhặt xác người chết đói mang chôn cất.
Trở lại Huế, ông Việt vào Trường Thanh niên tiền tuyến (Trường Võ bị thanh niên tiền tuyến) do các trí thức yêu nước như luật sư Phan Anh, ông Tạ Quang Bửu lập ra đầu tháng 7.1945. Bề ngoài, trường thuộc Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim nhằm đào tạo các sĩ quan tương lai, nhưng bên trong là tổ chức của Việt Minh.
Nhóm 4 sinh viên Việt Minh từ Hà Nội về Huế gồm ông Việt, ông Lâm Kèn (Nguyễn Thế Lâm, sau là thiếu tướng, tư lệnh đầu tiên của Liên khu 5 và binh chủng tăng - thiết giáp), ông Phan Hàm (sau là thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), ông Võ Quang Hồ (sau là Phó cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu), được ông Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên (sau làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp T.Ư) và ông Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Trung bộ (sau làm Phó thủ tướng, Viện trưởng Viện KSND tối cao) trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, tổ 4 người của ông Việt đã “Việt Minh hóa” toàn bộ 43 học viên Trường Thanh niên tiền tuyến; và sau Cách mạng Tháng 8.1945, toàn bộ những người này đã trở thành 43 sĩ quan giải phóng quân của tỉnh Thừa Thiên-Huế (sau này đều thành sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam).
Người treo cờ cách mạng trên kỳ đài Huế

Ông Đặng Văn Việt kể lại việc treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế sáng 21.8.1945

ẢNH: MAI THANH HẢI

Dù hy sinh cũng phải treo được cờ cách mạng

Ngày 20.8.1945, ông Việt được ông Trần Hữu Dực giao nhiệm vụ: “Sáng mai, phải treo cho được cờ Việt Minh trên kỳ đài trong kinh thành Huế”. Nhận nhiệm vụ, ông Việt đạp xe xuống cơ sở dưới Phú Vang (nay là H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nhận cờ. Do lá cờ to nặng, ông Việt phải cuộn tròn cho vào bao tải, hì hục đưa về Trường Thanh niên tiền tuyến. Để việc treo cờ hoành tráng, ông Lâm Kèn cho ông Việt mượn khẩu súng ngắn Barillet với 6 viên đạn xịt. Ông Nguyễn Thế Lương (sau đổi tên thành Cao Pha, trước khi nghỉ hưu là thiếu tướng - Tư lệnh Binh chủng Đặc công kiêm Phó cục trưởng Cục Tình báo quân sự, nay là Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng) đi cùng hỗ trợ. “Chúng tôi được dặn phải mặc trang phục do trường mới phát. Đi giày da, đội mũ ca lô sừng bò, nhìn như 2 chàng ngự lâm”, ông Việt cười nhớ lại.
Sáng 21.8, các ông quấn lá cờ dài như con trăn, gác lên 2 xe đạp rồi còng lưng đẩy 2 km đến chân kỳ đài Huế (trước Ngọ Môn - kinh thành Huế). Để ông Lương đứng dưới giữ cờ, ông Việt trèo lên gặp đội trưởng canh gác kỳ đài, nói: “Theo lệnh Ủy ban Kháng chiến Trung bộ, chúng tôi có nhiệm vụ hạ cờ quẻ ly, treo cờ cách mạng. Yêu cầu các anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Trước uy thế của cách mạng, viên chỉ huy ở kỳ đài líu ríu cử binh lính hạ cờ quẻ ly xuống đất và giúp ông Việt kéo lá cờ đỏ sao vàng lên trên cột cờ cao gần 50 m. Người dân TP.Huế và vùng lân cận khi ấy thấy lá cờ rộng lớn tung bay, phấn khởi reo hò: “Cách mạng đã về. Việt Minh đã về”... Sau này gặp lại người chỉ huy cảnh vệ của triều đình, ông Việt mới biết: 120 tay súng đã chĩa vào các ông, sẵn sàng khai hỏa. Vua Bảo Đại khi ấy nghe bẩm báo đã hô lớn: “Chớ! Chớ! Các người mà bóp cò là trẫm chết trước đó”...
Tối 21.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa do ông Tố Hữu làm chủ tịch đã tổ chức hội nghị bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Ngày 23.8.1945, quần chúng nhân dân ở các huyện thị đã tập trung về Huế tham gia mít tinh, tuần hành và cùng các đoàn thể chiếm giữ các cơ quan, công sở, kho tàng của chính quyền cũ, dưới sự bảo vệ của các đội tự vệ, các đội lính bảo an mà ta đã kiểm soát được và học viên Trường Thanh niên tiền tuyến.
Chiều 30.8.1945, tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành Huế, lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng được tổ chức, dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân. “Hôm ấy tôi làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay trên kỳ đài, thấy rất tự hào và hơi liều. Lỡ hôm ấy lính triều đình nổ súng, thì nguy”, ông Việt kể.

Không bao giờ gục ngã

Từ tháng 8.1945, ông Đặng Văn Việt được giao các nhiệm vụ trung đội trưởng, phân đội trưởng, tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Thừa Thiên, chiến đấu trên nhiều chiến trường. Chiến dịch Việt Bắc - Thu đông 1947, ông được điều từ Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường ĐH Trần Quốc Tuấn, Trường Sĩ quan Lục quân 1) lên Việt Bắc nhận công tác tại Ban Nghiên cứu thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cuối năm 1949, Trung đoàn chủ lực 174 được thành lập, ông giữ chức trung đoàn trưởng (chính ủy là ông Chu Huy Mân, sau là đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
Với nền tảng kiến thức tổng quát và tài năng quân sự thiên bẩm, ông Việt đã tham gia chỉ huy quân đội Việt Minh tổ chức nhiều trận phục kích và công đồn trên đường số 4, gây rất nhiều khó khăn cho quân Pháp, giúp phần nào giảm bớt áp lực cho Chiến khu Việt Bắc. Do những chiến tích lẫy lừng trên đường số 4, nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng xưng tụng ông là "Đệ tứ lộ đại vương", còn binh sĩ Pháp gọi ông là "Hùm xám đường số 4".
Giữa tháng 9.1950, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy Trung đoàn 174, phối hợp Trung đoàn 209, chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, mở đầu Chiến dịch Biên giới - Thu đông 1950, sau đó bao vây cô lập Cao Bằng, uy hiếp cứ điểm Thất Khê và phá thế trận phòng thủ của quân Pháp trên đường số 4. Sau Chiến dịch Biên giới, ông Việt tiếp tục chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Hòa Bình, phá hủy căn cứ đồng bằng Bắc bộ của quân Pháp (1952)...
Cuối năm 1953, cải cách ruộng đất. Đầu năm 1954, gia đình ông Việt bị đấu tố. Bản thân ông Việt được cử sang Trung Quốc học tập, sau đó về làm chủ nhiệm huấn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, cấp hàm trung tá.
Năm 1960, ông Việt chuyển ngành, làm Cục phó Cục Xây dựng cơ bản (Bộ Xây dựng) và sau đó lại sang Bộ Thủy sản. Năm 1975, khi 55 tuổi, ông suýt bị nghỉ hưu sớm. May có Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp, ông mới được làm việc tiếp đến 1980.
Do cuộc sống khó khăn nên khi nghỉ hưu, gia đình ông Việt phải về nhà ngoại ở làng Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Trì, Hà Nội) làm vườn kiếm sống. Thậm chí, ông còn đạp xe đi bán rau ngoài chợ và đưa bánh kẹo cho các quán nước vỉa hè. Năm 1988, nghe tin ông Việt sống vất vả, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thiếu tướng Trần Minh Đức (nguyên Phó giám đốc Học viện Hậu cần) tìm đến tận làng thăm hỏi. Thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy có vẻ buồn, ông Việt cười động viên: “Tôi đã từ bỏ cuộc sống cậu ấm con quan để theo cách mạng, thì mấy thứ này không làm tôi ngã lòng được. Đại tướng yên tâm về đi”...
(còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.