Từ Cách mạng tháng tám đến quốc khánh 2.9: Trái tim tuổi trẻ anh hùng

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
20/08/2020 06:39 GMT+7

Những vị lão thành cách mạng mà chúng tôi gặp đều gần 100 tuổi, tóc bạc trắng. Thế nhưng khi nhắc lại ký ức lịch sử anh hùng 75 năm về trước, ai cũng sôi nổi: 'Không thể quên những ngày ấy...'.

Những vị lão thành cách mạng mà chúng tôi gặp đầu tháng 8.2020 đều gần 100 tuổi, tóc bạc trắng. Thế nhưng khi nhắc lại ký ức lịch sử anh hùng 75 năm về trước, ai cũng sôi nổi: “Không thể quên những ngày ấy, ngày của trái tim tuổi trẻ trước vận mệnh non sông”.

“Tổng biên tập” kiêm chỉ huy vũ trang

Ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc), nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.Hà Nội (nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP.Hà Nội), nguyên Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam, năm nay đã 95 tuổi, hồi tưởng: Đầu năm 1944, khi đang học Trường Bưởi, ông được người bạn học Vũ Oanh (tên thật Vũ Duy Trương) giác ngộ cách mạng, kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và kết nạp Đảng khi mới 16 tuổi.
Đầu năm 1945, ông Vân được ông Lê Quang Đạo (lúc ấy là Bí thư Ban Cán sự Đảng TP.Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ) giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo Hồn Nước nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh và phản ánh các hoạt động của Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Không chỉ làm báo thường kỳ, các ông còn in tranh cổ động, sách cách mạng khổ nhỏ và nhất là truyền đơn. “In xong truyền đơn, trang báo, chúng tôi lại trực tiếp... phát hành bằng cách chia tổ, đến những nơi đông người qua lại, phết hồ dán lên tường”, ông Vân kể lại và cười: “Thuở ấy in được một tờ báo rất vất vả, nhưng thấy cảnh bà con truyền tay nhau đọc đến nhàu nát là vui lắm, quên hết mệt nhọc”.
Tháng 6.1945, ông Vũ Oanh đi họp ở Tân Trào, ông Lê Đức Vân được giao phụ trách Đoàn Thanh niên cứu quốc ngoại thành và được triệu tập tham gia cuộc họp quyết định khởi nghĩa tối ngày 17, rạng sáng 18.8.1945. Tại cuộc họp này, trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết (khi ấy mới 23 tuổi) giao ông Vân phụ trách Thanh niên cứu quốc và đội tự vệ xung phong ngoại thành, chiếm đại lý Hoàn Long (khu vực ven đô trước đây thuộc địa bàn một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân... ngày nay).
Rạng sáng 19.8.1945, ông Vân huy động hàng vạn công nhân, nông dân các làng Mọc, Láng ra Ngã Tư Sở đánh chiếm đại lý Hoàn Long để mở đường tiến vào tập trung khởi nghĩa ở nội thành. Tri phủ Đặng Vũ Niết hoảng sợ chạy trốn. Lính bảo an đầu hàng... Lực lượng ngoại thành ào ào tràn vào, tập trung về khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội.
Ngày ấy, ông Lê Đức Vân chưa tròn 18 tuổi và nhiều người ví: Ông là tổng biên tập đầu tiên kiêm Bí thư Thành đoàn Hà Nội đầu tiên được chỉ huy một lực lượng vũ trang.
Từ Cách mạng tháng tám đến quốc khánh 2.9: Trái tim tuổi trẻ anh hùng1

Ông Lê Đức Vân

ẢNH: MAI THANH HẢI

Chiếm phủ khâm sai

“Sáng 19.8.1945, các nhà máy đóng cửa, tuyệt đại đa số người dân nội thành xuống đường tham gia biểu tình. Tại cổng các nhà máy, các ngã ba, ngã tư, công nhân và quần chúng mang theo đủ loại vũ khí, tập hợp hô khẩu hiệu. Cả biển người mênh mông, tràn ngập các đường phố và tụ về Nhà hát Lớn Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Sa (91 tuổi, nguyên cán bộ Xí nghiệp dược phẩm T.Ư 1) bồi hồi nhớ lại thời điểm mình mới 16 tuổi, tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, rải truyền đơn và cướp chính quyền sáng 19.8.1945.
Bà Sa rành rẽ: “Đúng 11 giờ, cuộc mít tinh khởi nghĩa bắt đầu. Sau khi ông Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy, khi đó là cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ được tăng cường cho Thành ủy Hà Nội. Ông là vị chủ tịch đầu tiên của TP.Hà Nội dưới chính thể cộng hòa, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Nhân dân, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, mất năm 1995 - PV), đại diện Ủy ban Khởi nghĩa kêu gọi thành lập chính quyền Cộng hòa dân chủ Việt Nam, giành độc lập tự do và hạnh phúc cho dân tộc..., chúng tôi chia thành 2 đoàn biểu tình do lực lượng vũ trang dẫn đầu, đi chiếm các nơi trọng yếu theo kế hoạch đã định trước”.
Đoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai Bắc kỳ (còn gọi là Bắc bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm) do ông Nguyễn Khang (Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ; sau đó làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc, Chánh văn phòng T.Ư Đảng, mất năm 1976 - PV) phụ trách có đoàn công nhân xung phong dẫn đầu.
Trước sức mạnh quần chúng, 2 trung đội bảo an của chính quyền cũ trong tư thế sẵn sàng nổ súng đã phải mở cửa đầu hàng. Ta thu vũ khí, trang bị tại chỗ cho đoàn công nhân xung phong và tự vệ. Khi cái gọi là “Ủy ban chính trị” của chính quyền cũ bị bắt giam, các quan lại, nhân viên trong bộ máy mới lục tục kéo nhau ra đầu hàng...
Việc chiếm Tòa Thị chính (nay là UBND TP.Hà Nội, số 12 Lê Lai, Q.Hoàn Kiếm) do ông Nguyễn Huy Khôi phụ trách cũng được tiến hành nhanh chóng. Quần chúng đang đà khí thế, còn kéo sang chiếm nhà dây thép (bưu điện), Sở cảnh sát thành phố, kho bạc... của chính quyền cũ.
Từ Cách mạng tháng tám đến quốc khánh 2.9: Trái tim tuổi trẻ anh hùng2

Bà Nguyễn Thị Sa

ẢNH: MAI THANH HẢI

Suýt nổ súng ở trại bảo an binh

Đoàn biểu tình đi chiếm trại bảo an binh - cơ quan quân sự của chính quyền Bắc kỳ (nay là số 40A Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm) do Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết trực tiếp phụ trách, với mũi nhọn là Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong. Mặc dù đã nhận được thư thuyết phục của Việt Minh, nhưng tên quan ba chỉ huy vẫn đóng chặt cổng, buộc ta phải phá cổng. Thấy tên này “câu giờ” chờ quân Nhật cứu viện, ông Quyết ra lệnh: “Toàn trại phải giao nộp vũ khí ngay lập tức. Anh em binh lính ai muốn về quê quán sẽ được giúp đỡ. Ai tự nguyện đi theo cách mạng sẽ được tiếp nhận”.
Vừa chiếm xong thì quân đội Nhật mang xe tăng tới bao vây trại bảo an binh, nằng nặc đòi tước vũ khí của tự vệ và lấy lại trại. Không đồng tình với ý kiến nổ súng đánh trả, ông Nguyễn Quyết bình tĩnh ra gặp sĩ quan chỉ huy, nói thẳng: “Các anh hiện nay là những kẻ bại trận, chỉ đợi nay mai quân Đồng minh vào tước vũ khí rồi về nước. Bố mẹ, vợ con các anh đang chờ các anh. Nếu các anh gây sự, chúng tôi quyết đánh thắng và các anh sẽ bị thiệt mạng. Cuộc cách mạng của chúng tôi đã thắng lợi ở khắp nơi. Tốt nhất các anh trở về vị trí cũ. Đừng động chạm đến công việc nội bộ của Việt Nam”...
Ông Phạm Gia Đốc (96 tuổi, nguyên cán bộ Công an TP.Hà Nội) lúc ấy 21 tuổi, là đội viên tự vệ Nhà máy điện Yên Phụ nhớ lại: “Cùng với việc đấu tranh tại chỗ, Ủy ban Khởi nghĩa cử 1 phái đoàn ngoại giao đến Bộ tham mưu của quân đội Nhật (lúc ấy đóng tại phố Phạm Ngũ Lão bây giờ) để đấu tranh cấp cao. Đồng thời ta tăng cường thêm lực lượng tự vệ và hàng vạn quần chúng kéo đến bao vây quân Nhật, hô khẩu hiệu, sẵn sàng chiến đấu. 5 giờ chiều, quân Nhật phải rút về doanh trại của chúng”. “Lúc ấy tôi được giao 1 quả lựu đạn đứng cạnh xe tăng Nhật. Nếu nó nổ súng thì mình cũng nhét lựu đạn vào xe tăng. Xe tăng hồi ấy bé tí, chứ không to như giờ đâu”, ông Đốc kể.
Chiều tối 19.8.1945, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay cách mạng. Đêm hôm ấy, công nhân nhà máy điện tháo hết các chụp đèn phòng không. Cả Hà Nội sáng rực ánh đèn và tưng bừng trong màu cờ đỏ.
Cũng ngay trong tối 19.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa TP.Hà Nội đã họp bàn việc thành lập chính quyền ở cấp xứ và thành phố, công bố một số chủ trương ổn định trật tự. Chính quyền cách mạng ở các nhà máy, công sở, khu phố và các xã ngoại thành được thành lập. “Điện, nước, sản xuất, giao thông vận tải, buôn bán không bị đình trệ. Trật tự trị an được đảm bảo. Lực lượng tự vệ được mở rộng và huấn luyện cấp tốc để bảo vệ ngày lễ Độc lập 2.9.1945”, đại tướng Nguyễn Quyết kể và cho biết thêm: “Ngày 21.8.1945, đồng chí Trường Chinh và các lãnh đạo T.Ư từ Chiến khu Việt Bắc nhanh chóng về Hà Nội, tiếp tục lãnh đạo tổng khởi nghĩa trong cả nước”...
(còn tiếp)
“Năm 1953, trong cuộc chỉnh đốn Đảng ở Liên khu 5 (lúc này tôi được Bộ Chính trị bổ sung vào Liên khu ủy Liên khu 5 và được phân công làm trưởng phòng chính trị - nay là chủ nhiệm chính trị), các đồng chí lãnh đạo chỉnh huấn cho rằng Hà Nội khởi nghĩa không đánh Nhật là hữu khuynh, không chấp hành mệnh lệnh của T.Ư... và đặt vấn đề cho tôi phải kiểm điểm.
Tôi khẳng định: Tuy chúng tôi chưa nhận được mệnh lệnh của T.Ư, nhưng việc khởi nghĩa của Hà Nội là dũng cảm, tự lực, chủ động, sáng tạo, phù hợp tình hình địa phương. Do không ỷ lại ngồi chờ, không giáo điều máy móc nên cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã thắng lợi. Đây là đóng góp to lớn của Hà Nội vào tổng khởi nghĩa chung...
Vì vậy, tôi cương quyết không kiểm điểm, mặc dù các đồng chí ấy còn ghi trong lý lịch của tôi là phải tiếp tục kiểm điểm”.
Đại tướng Nguyễn Quyết
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.