Từ vụ xâm hại bé gái 9 tuổi: Canh cánh những vụ án còn bỏ ngỏ

22/03/2019 10:57 GMT+7

Bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ, Hà Nội bị nghi can dùng vũ lực xâm hại đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Phải chăng hình phạt chưa nghiêm nên tội ác vẫn diễn ra ?

Đau đáu những vụ án không thể có cái kết
Liên quan đến vụ việc cháu V.N.Q (ở H.Chương Mỹ, Hà Nội) bị Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi, H.Chương Mỹ, Hà Nội) xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) cho biết, theo Luật bảo vệ trẻ em 2016 đã có hiệu lực, đối với các hành vi xâm hại trẻ em, kẻ thủ ác có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Điểm c, khoản 3, điều 142 bộ luật hình sự năm 2015: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nên đây là tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc gây thương tích là hành vi dùng vũ lực và làm trái ý muốn của bé Q. là dấu hiệu của tội hiếp dâm. Chưa kể trong trường hợp này, bé Q. không thể tự vệ vì mới 9 tuổi.
Là người tham gia bảo vệ quyền lợi trẻ em, đặc biệt là các trường họp xâm hại nhiều năm, LS Nữ kể lại những vụ án mà bào chữa cho những nạn nhân nữ, trẻ em bị dâm ô, hiếp dâm làm bản thân mình canh cánh trong lòng.
Bà Nữ kể, cách đây vài năm, bé gái 13 tuổi (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ bị xâm hại tới khi có thai 3 tháng thì người nhà mới biết. Lúc đến bệnh viện, do câm điếc, nên các y bác sĩ nói gì bé không hiểu, cứ ngậm thuốc là nhổ ra. Do bé không nuốt mà chỉ ngậm nên thuốc không có tác dụng, lúc đó, các bác sĩ phải mổ để lấy thai ra ngoài.
Nói về quá trình bảo về quyền lợi trẻ em, LS Nữ luôn đau đáu những vụ án không thể có cái kết. Nhiều vụ án không được đưa ra ánh sáng vì không đủ chứng cứ, không nhớ thời gian hiếp dâm, không nhớ địa điểm hiếp dâm, tế bào nam không đủ để giám định, đối chiếu… rồi khép hồ sơ lại, xem như “chìm xuồng”.
xam_hai_be_gai
Cháu V.N.Q hiện đã đi học trở lại nhưng tâm lý chưa ổn định Ảnh: Đan Hạ
Phần lớn người xâm hại trẻ em là người quen, hàng xóm
Ngày 20.3, tại TP.Huế, Bộ Công an và Cơ quan Phòng chống Ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNODC) phối hợp tổ chức Hội nghị ban hành “Hướng dẫn công tác phòng ngừa, nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”.
Phát biểu tại hội nghị, đại tá Hồ Sỹ Niêm, Phó cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an, dẫn số liệu từ Cục Trẻ em (Bộ LĐ - TB và XH) cho biết trong 3 năm, từ 2015 - 2018, đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục là bởi người thân quen, trong đó tỷ lệ xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh em họ…) là 21,3%; thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, người quen hàng xóm là 59,9%; người xa lạ là 12,6%.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Nguyệt Minh - Trưởng văn phòng UNDOC tại Việt Nam cũng cảnh báo vấn đề đang nổi lên là xâm hại tình dục trẻ em theo dạng du lịch tình dục, xâm hại qua mạng, đối tượng dễ xâm hại nhất là trẻ em đường phố tại nhiều quốc gia, nhất là những nơi có du lịch phát triển.
Trung tá Khổng Ngọc Oanh trao đổi thông tin với các phóng viên tại hội nghị Ảnh: A.K
Trong khi đó, trao đổi riêng với Thanh Niên, trung tá Khổng Ngọc Oanh, đội trưởng thuộc Phòng 5 (Phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em), Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, cho biết có đến 90% những đối tượng xâm hại trẻ em nếu không bị xử lý thì sẽ tái phạm, tái phạm nhiều lần cùng một nạn nhân hay với các em khác.
Trong việc này, cộng đồng, hàng xóm cũng cần nhận thức được sự nguy hiểm của tình trạng xâm hại trẻ em để tham gia tố giác tội phạm. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ công an cũng cần có phương pháp, kỹ năng điều tra, không gian giao tiếp thân thiện để các em cũng như gia đình cung cấp thông tin, bởi đòi được chứng cứ trực tiếp là rất khó với công tác điều tra loại tội phạm này.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, LS Nữ cho hay, với những vụ trẻ bị xâm hại, có đến 90% là từ những người thân quen. “Với những trường hợp này, gia đình cần bỏ qua mặc cảm kẻ thủ ác là người thân quen và mạnh dạn tố cáo. Im lặng chính là tội ác!”, LS Nữ nói.

Làm gì khi trẻ không may bị xâm hại ?

Khi trẻ không may bị xâm hại, gia đình cần đưa tới bác sĩ tâm lý ngay lập tức để tránh trẻ bị sang chấn tâm lý. Người nhà cần gần gũi, chăm sóc, giải thích cho trẻ biết đây chỉ là tai nạn.
Khi trẻ có biểu hiện khác lạ, cần hỏi han để cho trẻ chia sẻ, giải thích cho trẻ biết là tai nạn và cần nói ra để cho các bạn khác không bị như thế.
Khi người nhà thấy các em có dấu hiệu bị xâm hại, thì liên hệ ngay với các hội bảo vệ quyền trẻ em.
Những nạn nhân bị xâm hại thường bị sang chấn tâm lý, ám ảnh khi nhắc đến kẻ thủ ác. Vì vậy, không nên khơi gợi chuyện nhiều lần mà khuyến cáo các cơ quan điều tra nên lấy lời khai một lần, không nhắc đi nhắc lại để tránh tổn thương tâm lý các nạn nhân.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.