Về Kon Chro nếm đăk toak

31/08/2019 10:28 GMT+7

Đăk toak là thứ rượu được lấy từ những cây đoak thơm hương núi rừng. Cây đoak thường mọc ở lưng chừng núi, như những “bầu rượu” thiên nhiên ưu ái cho những con người Tây nguyên chân chất.

Những ngôi làng của cộng đồng Bana là Brang, Tbưng, Mèo của xã Đăk Pling, H.Kon Chro (Gia Lai) muôn đời nay vẫn vậy, dù cuộc sống khó khăn nhưng nghệ sĩ tính luôn cháy bỏng, rất phóng khoáng, hào sảng từ sinh hoạt văn hóa đến cả cách thưởng thức nước Đăk Toak - thức uống đặc sắc lấy từ cây đoak chỉ có một vài nơi trong cộng đồng bản địa vùng Trường Sơn, Tây nguyên.
Cuộc sống của những cộng đồng bản địa Tây nguyên luôn gắn chặt với những lễ hội. Biểu hiện của những dạng thức văn hóa này gắn liền với cả đời người như lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ bỏ mả hay lễ của làng như đâm trâu, mừng lúa mới... Và ở đó, họ quây quần bên những ché rượu cần, đặc biệt là những tháng này không thể thiếu đăk toak, thứ rượu được lấy từ những cây đoak thơm hương núi rừng.

Quà quý từ đại ngàn

Đăk Ping chỉ hơn chục năm trước đúng là diệu vợi. Chỉ cần mưa to, nước dâng lên tràn qua suối là tắc đường, cách trở. Những năm trở lại đây đường bê tông từ trung tâm H.Kon Chro vào tận xã. Thuận lợi vô cùng! Trải qua bãi bể nương dâu, cuộc sống của cộng đồng bản địa nơi đây vẫn vậy. Họ như hòa với thiên nhiên, với những mùa “ăn năm uống tháng”, là nơi bình yên. Nơi đó, vạn vật theo họ đều hữu linh. Đấy xem như cũng là minh triết vậy!
Những cơn mưa mùa cao nguyên khiến không khí như quánh lại. Nắng mới le lói xuyên qua màn mây che cả đỉnh núi, mưa lại ập xuống rồi dứt cơn khi nào chẳng hay. Quyện trong gió là mùi của đồng đất, của trong lành không khí nơi núi rừng thâm u. Chúng tôi tới làng Mèo, xã Đăk Pling, H.Kon Chro trong khí trời ẩm ương như thế. Xã nằm cách trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) hơn 200 km, lọt thỏm giữa một thung lũng, giáp hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, với hơn 95% là người Bana.
Dịp này, ngô sắp thu hoạch, lúa mới lên xanh. Việc nhà cũng vãn. Nhiều thanh niên bản địa Bana chẳng hẹn mà gặp kéo nhau vào những khu rừng xa tìm những cây đoak - loại cây giống cây cọ dầu, nhiều cây cao hơn 20 m để lấy rượu. Vật dụng đem theo chỉ là cây rựa, can nhựa và… sức khỏe. Đấy là hành trình hứng thú.
Đinh Bơn, một thanh niên bản địa kể: “Mỗi năm cây đoak chỉ cho rượu chừng 3 tháng, từ tháng 7 - 9. Mình phải canh khi cây bắt đầu ra hoa thì thu hoạch bằng cách chặt buồng hoa của cây rồi làm giá đỡ đưa can vào hứng. Nước từ cây cứ nhỏ dần dần, một ngày - đêm thì lên lấy về, được cả 20 lít đấy!”.
Về Kon Chro nếm đăk toak

Đăk toak sau khi lên men

Theo chân vài thanh niên ở làng Mèo, chúng tôi dần tiến vào rừng. Những cây đoak mùa trước, nhiều năm trước vẫn được người làng giữ gìn như những tài sản chung. Cây đoak chúng tôi được dẫn tới đã được người làng bắc giàn giáo từ tuần trước. Đó là vài cây rừng được bện dây ở giữa thành một cái thang dựng lên tới tận buồng của cây. Trên đó, đám thanh niên thạo việc đã làm một bệ đỡ gồm những thân nứa bao xung quanh thân cây khá vững chắc. “Làm nhanh thôi, trong một buổi là xong à, chỉ chờ lấy rượu là phải qua đêm à!”, tiếng một thanh niên trong nhóm pha trò khôi hài.
Rượu lấy từ cây đoak có tên là đăk toak hay còn gọi là rượu toak. Một số nơi khác thì gọi là rượu đoak. Nói chung đấy là rượu được lấy từ việc chặt buồng cây đoak vừa đơm hoa. Chỉ loáng cái, Đinh Bơn đã thoăn thoắt leo từ ngọn cây có chiều cao hơn 15 m xuống. Cái can nước đã được thả xuống từ trước để tránh nguy hiểm. Ai đó múc một ly dúi vào tay tôi: “Nhà báo uống đi, rượu chỉ đãi người quý của làng thôi đó!”.
Nhìn kỹ, thứ nước lạ kỳ này sau một đêm đã lên men có màu nhạt hơn nước vo gạo tí chút, khi uống vào cảm giác nồng nhẹ, lại có chút thanh thanh của vị nước dừa non. Quả là mùi vị lạ lẫm mà chúng tôi chưa được nếm bao giờ! Uống vào dăm ly, trong người đã có cảm giác lâng lâng rất lạ. Phải chăng đó là đặc ân của đất trời đại ngàn đã ban cho những con người hào sảng, đầy nghệ sĩ tính nơi đây!

Qua gần 100 mùa nước toak...

Chúng tôi từng chứng kiến nhiều đàn ông Bana khi mùa đã vãn, họ thức dậy từ sớm, mang theo ít cơm nắm, bầu nước, xà gạc (dao đi rừng), cái ná nhỏ lang thang rừng sâu. Sẩm tối họ mới quay về làng. “Chiến lợi phẩm” thu được nhiều khi chỉ là ít chuột núi, vài con tắc kè nhỏ… song đó là niềm vui của những người đàn ông Bana.
Họ thích lang thang, tha thẩn nơi núi rừng như thế có lẽ để thỏa cuộc đắm say từ nguồn cội, từ thỏa hồng hoang của cộng đồng. Già Đinh A Nhưp cũng trong số đó. Ông đã qua 94 mùa rẫy (94 tuổi). Và cũng qua chừng ấy mùa đăk toak, khi được người lớn mớm cho những giọt đầu tiên từ thuở lọt lòng.
Về Kon Chro nếm đăk toak

Phải dựng cây cao hàng chục mét mới lấy được đăk toak

Ảnh: Trần Hiếu

Chỉ cây đoak gần chòi rẫy, già Nhưp rành rọt: “Cây đoak này từ trước năm 1975 mình đã thấy. Muốn tìm cây có đăk toak ngon, nhiều thì phải chọn cây có nhiều cây dại, lan rừng mọc quanh thân. Cứ đến mùa, mỗi ngày mình uống được cả hai quả bầu khô đăk toak đó. Không say đâu, chỉ thấy vui thôi! Ngày xưa lạc rừng, đói khát thì cứ tìm cây đoak lấy nước mà uống. Nước lấy liền uống ngọt, để hơn một buổi thì mới lên men, thành rượu”.
Già Nhưp vốn từng đi du kích rồi đi bộ đội nên trao đổi bằng tiếng Kinh khá rành rọt. Ông đỡ ca rượu toak của đứa cháu, uống một hơi ngon lành rồi giục chúng tôi uống mừng sức khỏe, để già được uống thêm nhiều mùa rượu nữa.
Cả vùng Tây nguyên, có lẽ Đăk Ping là nơi tập trung nhiều cây đoak và cũng là nơi duy nhất có phong tục uống rượu toak mỗi năm như thế.

Những mùa vui ở lại…

Theo kinh nghiệm của những người già trong các làng, cây đoak càng to thì cho nước đăk toak càng nhiều. Trung bình mỗi cây lớn cho từ 250 - 300 lít rượu toak, cá biệt có cây cho gần 500 lít mỗi mùa. Cách chế biến rượu toak của những người già mỗi khác nhau. Già Nhưp cho biết: “Có một thứ cây rừng, gọi là cây “nhanh”. Người làng lấy về thui qua lửa cho cháy sém vỏ, sau đó đập dập bỏ vào những can đăk toak vừa mới lấy về, để chừng hơn một buổi thì uống được. Tác dụng là làm cho nước nhanh lên men, có vị thơm nồng hơn. Hay có người đơn giản thì lấy luôn lá đoak bỏ vào nước cho đậm vị. Rượu chỉ để được một ngày thôi, để lâu nữa không uống được, đau bụng đấy”.
Những ngày này, hàng trăm lượt thanh niên các làng lấy thứ rượu lạ này mang về dùng, đãi khách quý. Số lượng cây đoak ở khu vực này còn khá nhiều, lại được giữ gìn kỹ càng nên lượng rượu toak thu được hằng năm cũng tương đối. Nhiều người phương xa, nơi phố thị biết được loại rượu hay này đã đặt mua về dùng. Cứ mỗi lít được bán ra với giá trên dưới 15.000 đồng. Rượu đem về để tủ lạnh có thể giữ được vài ba ngày. Đã có hàng ngàn lít đăk toak như thế được chuyển đến các nơi. Đó là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Đinh Liêu, một người dân ở xã Đăk Pling, nói: “Hầu hết bà con nơi đây biết vùng nào có cây đoak để tìm đến rồi. Nếu là cây mới, trước khi lấy đăk toak thì phải có lễ nhỏ như con gà, ghè rượu hay nếu không thì quả trứng, ghè rượu cũng được. Phải cúng tạ ơn thần rừng đã cho cây, cho rượu chớ! Mình uống đăk toak, vợ mình cũng vui!”.
Chúng tôi không biết vợ Liêu vui thế nào. Chỉ thấy họ nhìn nhau cười bẽn lẽn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.