Như
Thanh Niên đã đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận nữ bệnh nhi V.T.D (5 tuổi, ngụ TP.HCM) do Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Người nhà của bé khai báo bé dùng khăn quàng cột trên giường tầng, chân chỉ cách đất 20 - 30 cm, để làm theo
chỉ dẫn thắt cổ trên mạng xã hội.
Tại sao ?
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đã hôn mê sâu, tim đập rất yếu, đồng tử giãn, chứng tỏ đã ngưng thở rất lâu. Mặc dù được hồi sức tích cực, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, thở máy nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.
Tại sao lại để những clip có tính giáo dục không tốt lên mạng xã hội như thế nhỉ?
|
Bạn đọc (BĐ) Andy Quách phẫn nộ hỏi: “Tại sao những clip độc hại như vậy vẫn tồn tại trên mạng xã hội?” đồng thời nhắc đến một hiện trạng “có nhiều phụ huynh cứ quăng cái điện thoại cho con mình lên mạng xã hội để con không quậy phá, nhưng lại không kiểm soát được con xem kênh gì”. Cũng BĐ Andy Quách phân tích rằng trẻ con “thấy lạ thì cứ xem, cứ like” nên các clip nhảm, clip độc hại bỗng dưng có được “lượt xem khủng”, đem về thu nhập không nhỏ cho chủ kênh, khiến “kênh nhảm nở rộ như nấm mọc sau mưa”.
Đề nghị nên có biện pháp cứng rắn hơn chế tài những kênh mạng vô bổ, độc hại, nhảm nhí.
|
BĐ Võ Ngọc Hoàng góp ý “các cơ quan quản lý nhà nước” cần kiểm soát các trang mạng xã hội “bằng phần mềm chuyên biệt để lọc các clip, video độc hại” vì trẻ em và trẻ vị thành niên có thể là “nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng”. BĐ Dũng thậm chí còn muốn “truy đến cùng” chủ kênh mạng xã hội đã đăng tải những “hướng dẫn bất nhân đến vậy” và “dù chủ kênh có ở nước ngoài cũng phải gửi thông báo đến nhà chức trách sở tại để phạt nặng…”. BĐ Nguyễn Thiên An cũng nhận xét: “Hiện tại trên mạng xã hội Facebook, YouTube... có rất nhiều
clip xấu ảnh hưởng không nhỏ tới các em. Nhất thiết các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và gỡ bỏ những clip độc hại, đồng thời phải khóa luôn các tài khoản đăng tải...”.
Mong gia đình lưu tâm hơn
Theo các bác sĩ, do thời gian phát hiện trễ, nên bé ngưng thở quá lâu, dẫn đến hư não, hư tất cả các cơ quan. Còn nguyên nhân có phải do bé thắt cổ hay không thì công an đang điều tra, không phải thẩm quyền kết luận của cơ quan y tế. Nhiều BĐ đau xót nhận xét rằng nếu gia đình sâu sát hơn, phát hiện sự cố với bé sớm hơn, thì bé gái mới 5 tuổi không phải lìa xa gia đình sớm vậy.
Rất mong nhà nước sớm có luật với những clip nhảm nhí trên mạng xã hội.
|
BĐ NPHONG “chia buồn cùng gia đình” và cũng không quên nhận xét: “Mạng xã hội, cái tốt nhiều, cái xấu cũng vô số. Chúng ta dùng hãy biết tự bảo vệ cho gia đình mình trước đã”. Nhiều BĐ cũng cho rằng vì bất cứ nguyên nhân gì, thì gia đình phải là chốt chặn đầu tiên để “lọc” những nội dung xấu, độc hại vốn sẽ tiếp cận các em trong suốt quá trình trưởng thành. Nếu gia đình quan tâm sát sao tới con em mình hơn, những câu chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.
Hồi tháng 11.2019,
Thanh Niên đã từng đưa tin về trường hợp bệnh nhi Đ.T.K (học sinh lớp 2, gần 8 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) hôn mê do tự treo cổ. May mắn, bệnh nhi đã được cứu sống kịp thời. Kể với người nhà, bệnh nhi cho biết em có xem “clip hướng dẫn treo cổ” trên mạng xã hội, sau khi thắt cổ xong, nhân vật trong clip vẫn sống, nên bệnh nhi làm theo.
Có vẻ như những cảnh báo vẫn chưa được quan tâm đúng mức!
Bình luận (0)