Sau khi cháu K. tỉnh lại, chị M. (dì của cháu K.) đã hỏi tại sao cháu lại làm như vậy? Cháu hồn nhiên trả lời cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn sống được nên cháu làm theo.
Lo lắng khi con cầm điện thoại
Con gái chỉ mới 2,5 tuổi nhưng chị Cao Trúc Ly, 30 tuổi, ngụ P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM vẫn luôn dõi theo con khi bé dán mắt vào điện thoại.
“Mình hay cho con coi hoạt hình trên YouTube đúng 15 phút mỗi ngày vào những buổi ăn cơm hay uống sữa, còn buổi chiều là dắt bé ra công viên chơi để cho bé giao tiếp, nói chuyện bên ngoài. Mặc dù bé chưa biết gì nhưng mình thấy rất nguy hiểm khi để con tự xem video một mình vì trên đó có rất nhiều thứ không tốt”, chị Ly cho biết.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Cầm, 32 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM luôn lo sợ khi con cầm chiếc điện thoại mặc dù biết rằng trên mạng có những ứng dụng riêng cho trẻ em.
“Không phải bé muốn xem là đưa điện thoại cho bé, mỗi lúc con xem mình luôn ở sát bên, vì lỡ con bấm vào những nội dung không dành cho trẻ em thì sao? Trong khi trên đó biết bao nhiêu là nội dung từ tích cực đến tiêu cực”, chị Cầm than thở.
Cô Nguyễn Hồng Tú, giáo viên Trường mầm non Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM phải giật mình khi đứa con của mình chỉ học lớp 1 nhưng rất rành trong thao tác sử dụng điện thoại, đặc biệt là khi xem video trên YouTube.
“Mình rất lo khi con xem những video trên mạng xã hội, vì vậy con chỉ được vào những trang mà mình quy định thôi. Mình hay nói với con rằng 'con vô những trang mẹ không cho vào thì lần sau con không được xem nữa'. Có một lần con mình vào trang có hình ảnh không tốt, mình tình cờ thấy được và bé liền vội vàng tắt máy đi. Mình bảo 'con ơi, cho mẹ mượn máy để mẹ xem chung với nha', mình mở lên thì thấy con xem siêu nhân tuy nhiên nhân vật có những hành động thân mật và hơi 'người lớn'", cô Hồng Tú chia sẻ.
Làm bạn cùng con
Anh Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tham vấn tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết trẻ em sử dụng mạng xã hội là hết sức bình thường, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ, theo dõi của cha mẹ.
“Cha mẹ phải làm bạn với con trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như ngày nay, thường xuyên trao đổi với con. Cùng hòa mình với con trong những video mà con xem và từ từ định hướng con nếu những video đó là tiêu cực”, anh Tuấn cho biết.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty giáo dục truyền thông Quốc tế Restart TP.HCM, cho biết không nên phán xét con theo kiểu “cái này sai rồi hay con là một đứa trẻ hư” vì con sẽ thiếu tự tin, lâu dài có thể bị khủng hoảng tâm lý. Cái quan trọng nhất là bạn phải lắng nghe, tôn trọng con như một người bạn, và khi đã là bạn thì nói gì con cũng nghe.
Phụ huynh đừng ngại tìm hiểu mạng xã hội
Cô Nguyễn Hồng Tú cho biết có những học sinh thạo việc dùng mạng hiện nay. Không chỉ tự tải game mà các trẻ còn chỉ ngược lại cho cha, mẹ của mình. Nhiều phụ huynh bận, không muốn con làm phiền, nên họ cứ đưa cho con cái điện thoại là xong, riết rồi con thành thói quen. Việc này không hề tốt chút nào, nên giới hạn cho con sử dụng điện thoại thì tốt hơn.
“Nhiều phụ huynh bận quá và cũng là tầng lớp lao động nên khi tiếp tiếp xúc với công nghệ họ thấy phức tạp, rồi lười tìm hiểu dẫn đến 'mù' công nghệ, vì vậy không quản lý được con cái mình...”, cô Hồng Tú tâm sự.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi cho rằng cũng nên thông cảm với bật cha mẹ khi ngại tiếp xúc với công nghệ. Bởi vì họ là thế hệ trước không được tiếp cận nhiều với những công nghệ cao. Đây cũng là rào cản lớn nhất để cho phụ huynh kết nối với con trong thời đại số .
“Nếu là người mẹ, người cha thương con thì đừng ngại việc tìm hiểu mạng xã hội hay công nghệ mới. Hãy hạ mình xuống, cùng con làm những việc con muốn để tìm hiểu rồi có những cơ sở mà định hướng đúng cho con...”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi chia sẻ.
Bình luận (0)