Vụ Công ty Nam Hàn bị tố lừa đảo xuất khẩu lao động: Nạn nhân cần làm gì?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
07/03/2019 14:34 GMT+7

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, những người bị lừa xuất khẩu lao động cần có đơn tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 5.3, hàng chục người lao động tụ tập trước Công ty TNHH quốc tế Nam Hàn (gọi tắt là Công ty Nam Hàn, số 57 đường 57, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đòi lại chi phí đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) vì họ cho rằng họ bị lừa xuất khẩu lao động nhưng không được đáp ứng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau khi nghe thông tin Công ty Nam Hàn có dấu hiệu lừa đảo, người lao động (NLĐ) từ nhiều tỉnh, thành kéo đến tập trung trước trụ sở công ty, yêu cầu được gặp ban giám đốc hoặc người đại diện để giải quyết vụ việc, hoàn trả số tiền mà họ đã đóng trước đó. Nhiều NLĐ cho hay từ đầu tháng 3.2019, khi họ đến công ty bổ sung hồ sơ giấy tờ thì nơi đây đóng cửa, điện thoại liên lạc không được nên gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Đại tá Trần Văn Ngọc, Trưởng công an Q.Bình Tân, cho biết trong vụ này có hàng trăm nạn nhân tố công ty lừa xuất khẩu lao động với số tiền lớn, có yếu tố nước ngoài nên Công an Q.Bình Tân đã chuyển cho Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM tiếp tục điều tra làm rõ theo thẩm quyền.
Nhiều bạn đọc thắc mắc vụ việc đã có đủ dấu hiệu khởi tố hình sự chưa? Và trong trường hợp này, pháp luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân như thế nào?

Đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết hiện vụ việc đang trong quá trình xác minh, điều tra theo quy định pháp luật nên chưa thể xác định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Theo LS Chánh, để xác định nạn nhân tố công ty lừa xuất khẩu lao động có dấu hiệu hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải xác minh tình tiết “phía công ty có thông báo cho khách hàng là có Visa và đã cho xem Visa trực tiếp hoặc xem qua màn hình điện thoại” mà những người tố cáo cung cấp có phải là hành vi gian dối của những người có thẩm quyền của Công ty Nam Hàn đưa ra, nhằm tạo sự tin tưởng và giao tiền cho mình.
"Nếu xác định được hành vi trên nhằm mục đích mục đích gian dối để chiếm đoạt tài sản của khách hàng và số tiền lừa đảo từ 2 triệu đồng trở lên thì Giám đốc công ty có thể bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)", LS Chánh phân tích.
LS Chánh cho biết nếu đúng là có khoảng 200 người có khả năng bị lừa xuất khẩu lao động với số tiền mỗi người bị lừa là từ 70 đến 220 triệu thì những người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể chịu mức hình phạt cao nhất là từ 12 đến 20 năm, hoặc tù chung thân theo khoản 4 Điều 145 BLHS. Ngoài ra người đó còn chịu hình phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, bị cấm hành nghề trong ngành xuất khẩu lao động từ 1 đến 5 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
"Với những người cho rằng mình bị lừa xuất khẩu lao động, họ có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền nhằm yêu cầu truy cứu hành vi phạm tội trên và đòi lại khoản tiền phí đã đóng cho công ty. Tuy nhiên, thực tế việc có đòi lại được số tiền đã đóng hay không còn phụ thuộc yếu tố là công ty, cá nhân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tài sản để thi hành án về sau", LS Chánh nhấn mạnh.
Các học viên bức xúc vì đóng hàng trăm triệu đồng nhưng không được đi XKLĐ ẢNH: TRẦN TIẾN
LS Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật) phân tích, qua tìm hiểu thông tin đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Ngoại ngữ dịch vụ dịch thuật quốc tế Nam Hàn (có tên doanh nghiệp viết tắt là Công ty TNHH Quốc tế Nam Hàn) trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư, thì công ty này không có đăng ký đối với ngành nghề cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chỉ có đăng ký đối với ngành nghề cung ứng và quản lý nguồn lao động trong nước (thuộc ngành nghề cung ứng và quản lý nguồn lao động, có mã ngành là 7830).
"Công ty TNHH Quốc tế Nam Hàn không phải là công ty xuất khẩu lao động. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì một doanh nghiệp chỉ được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn pháp định (5 tỉ đồng), có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bộ máy nhân sự chuyên trách cũng như thực hiện việc ký quỹ theo quy định của Chính phủ (1 tỉ đồng). Trong khi đó, ngay từ đầu, Công ty TNHH Quốc tế Nam Hàn được thành lập theo thủ tục của một doanh nghiệp bình thường và hoạt động theo những ngành nghề đã đăng ký kinh doanh", LS Công nói.
LS Công cho biết thêm Công ty Nam Hàn không phải là công ty xuất khẩu lao động, đồng thời doanh nghiệp này không có đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó việc công ty này biết rõ mình không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn tự ý thu tiền của một số khách hàng và hứa hẹn rằng sẽ giúp những người này xuất khẩu lao động là trái với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các hoạt động mang danh nghĩa công ty nhưng cá nhân lại là người thực hiện nên cá nhân chỉ đạo hoặc trực tiếp thực hiện các hành vi nêu trên sẽ là các đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ việc này.
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, LS Công nhấn mạnh những người bị lừa xuất khẩu lao động cần có đơn tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ (như Hợp đồng, biên lai giao nhận tiền, chứng từ thể hiện sự liên hệ qua lại) để chứng minh số tiền mà mình đã bị công ty chiếm đoạt. Ngoài ra, cần tập trung những bị hại để việc tố cáo được rõ ràng, đầy đủ và Cơ quan Công an sẽ hình dung được đầy đủ sự nguy hiểm của xã hội về hành vi sai phạm này mà xử lý tương ứng, hạn chế tác hại chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.