Những người sống vì mọi người

31/05/2021 05:00 GMT+7

Câu trên được trích trong lời bài hát Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà hầu như ai cũng từng hát.

Nó càng thấy rõ hơn vào lúc này, khi mỗi người, tùy theo công việc và điều kiện của mình, cùng đồng bào cả nước đồng lòng chống lại đại dịch Covid-19.

Nhiều cây thành rừng

Bắt đầu bằng câu chuyện của một chàng trai Quảng Bình quê tôi, Đặng Minh Trí, ở xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới, một mình lái xe vượt hơn 500 km đến tâm dịch Bắc Giang sẵn sàng nhận chở người, kể cả F1, đi cách ly.
Một người khác, anh Nguyễn Vũ Trung Hiếu (ngụ P.5, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) sau khi chuyển khoản ủng hộ Bắc Giang 100 triệu đồng, đã vượt hàng ngàn cây số tình nguyện vào tâm dịch Bắc Giang rồi làm mọi thủ tục để thành người tình nguyện, làm bất kỳ công việc gì, từ khiêng vác, lắp ráp giường ở bệnh viện dã chiến cho đến sửa quạt máy... “Khi nào hết dịch mới về!”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Thaiha Books), người chủ của những cây ATM gạo đặt tại Hà Nội và nhiều tỉnh trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi năm ngoái, rất nhẹ nhàng khi nói: “Bắc Giang, Bắc Ninh à, tôi tặng mỗi nơi 5 tấn gạo nhé”.
Rồi những người rất bình thường khác, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, chị Nguyễn Minh Huyền, chủ một tiệm hoa ở TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh), khi có những thông tin trên mạng xã hội mong được giúp đỡ liền đứng ra nhờ người bản địa lên danh sách từng nhà trọ để giúp đỡ. Sau 3 ngày, nhóm chị đã dành tổng cộng khoảng 4.000 - 5.000 suất cơm, hàng nghìn bộ bảo hộ, hàng chục tấn rau, gạo và các nhu yếu phẩm khác cho mọi người trên toàn tỉnh Bắc Giang, có ngày cao điểm nấu tới 1.250 suất cơm.
“Tôi kêu gọi lực lượng tình nguyện giúp đỡ, nhờ mọi người ở bếp ăn, chị em trong thành phố giúp nhau. Một ngày tôi cầm điện thoại 21 tiếng để nhận cuộc gọi, lắng nghe, xác minh và phân phối các suất quà đồng đều. Mỗi lần tiếp nhận thông tin là một lần cay hết cả mắt vì xúc động với hoàn cảnh của họ”, chị Huyền nói.
Thật khó có thể kể ra hết những con người bình thường, có thể gọi là nhỏ bé giữa cuộc đời, cả những người hằng ngày vật lộn mưu sinh, nhưng ở họ, sẵn có một tấm lòng, một tâm hồn và biến thành những nghĩa cử cao đẹp. Như chúng ta từng nói với nhau, ở nhà là yêu nước, lo cho mình an toàn đã là yêu nước, thì với những con người này, họ không chỉ lo cho bản thân mình.

Lay động lòng người

Đợt dịch trước, qua truyền thông, chúng ta chứng kiến hình ảnh của đoàn tình nguyện xếp hàng trước các bệnh viện ở Đà Nẵng, nơi đang bị phong tỏa, tình nguyện vào khu cách ly làm việc; chứng kiến hình ảnh các nữ điều dưỡng cắt cho nhau mái tóc dài, gọn gàng hơn... trước khi “ra trận”; chứng kiến những y, bác sĩ mà chúng ta không nhìn thấy mặt vì phải khoác trên người bộ bảo hộ kín từ đầu đến chân... chiến đấu đến kiệt sức, ngả mình thiếp đi trên ghế, trên sàn nhà lót tạm cái gì đó...
Ngày đó, tôi không thể cầm được nước mắt khi đọc bài Thư gửi con gái trên tiền tuyến chống Covid đăng trên Báo Thanh Niên: “Con để lại sau lưng gia đình, ba mẹ già, con cái nhỏ. Căn nhà của con từ hôm đó vắng đi hình bóng của người phụ nữ, vắng đi bàn tay lo toan công việc gia đình.
Con không hề kêu than, nghỉ học thì làm sao có người trông trẻ để đi làm; không hề than vãn vì thèm ly cà phê, cốc trà sữa hay thứ này thứ khác; không hề kêu than đeo khẩu trang hằn lằn trên mặt; không hề kêu than không được gội đầu, tắm giặt như bình thường; không hề than như vài người có vẻ như không chịu được ở khu cách ly thèm táo Mỹ, nho Úc...
Nhưng trái tim ba rung lên xúc cảm tự hào khi dõi theo bước chân con. Bước chân nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ. Trái tim ba rung lên khi nhìn con và bạn bè cắt đi mái tóc vốn đã dày công làm đẹp chỉ để làm công việc tốt hơn. Trái tim ba rung lên khi thấy con nằm co người trong thùng carton thiếp đi chốc lát giữa ca trực. Trái tim ba rung lên khi nghe giọng hát của con cất lên giữa những bệnh nhân đang thiêm thiếp”.
Đợt dịch này, những hình ảnh đó nhiều hơn, nó như là một nét văn hóa, một nét truyền thống của dân tộc Việt.
Ngày 27.5, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận và phân công đoàn tình nguyện viên thuộc Trường đại học Y Hà Nội về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế H.Quế Võ, Trung tâm y tế H.Thuận Thành và Trung tâm y tế TP.Bắc Ninh.
Trong đợt ra quân trước, cũng đã có 50 cán bộ và sinh viên nhà trường tham gia tình nguyện chi viện cho Bắc Ninh. “Trách nhiệm rất lớn, sẽ vất vả rất nhiều, nhà trường hy vọng cán bộ và các sinh viên trong lần hỗ trợ này sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống dịch của cả nước”, GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội, chia sẻ.
54 tình nguyện viên là những giảng viên, bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên năm thứ 4 của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định cũng đã đến tâm dịch Bắc Giang.
13 thành viên Đội phản ứng nhanh, bao gồm những thành viên “tinh nhuệ” của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM); các y bác sĩ Bệnh viện 198 Bộ Công an và Bệnh viện Y học cổ truyền cũng đã tới tuyến đầu nóng bỏng để “chia lửa” cùng các đồng nghiệp ở Bắc Giang.
Thật không thể thống kê hết đội ngũ trùng trùng điệp điệp ấy. Họ là ai, là anh em ta, con cháu ta... có người còn “ăn chưa no lo chưa tới”, nhưng trái tim rực lửa, mang sự ấm áp chia sẻ với cộng đồng. Họ là những người như chị Nguyễn Thị Chiền, nữ điều dưỡng tại tâm dịch Thuận Thành (Bắc Ninh), phải đi chống dịch và không thể mua tặng con gái món quà mà cô bé ao ước trong sinh nhật tròn 5 tuổi. Đó là chị D. (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cơ sở Đông Anh) để đứa con 11 tháng cho ông bà: “Những ngày đầu, sữa về nhiều, em phải vắt bỏ đi, nhưng bây giờ, càng ngày, sữa càng kiệt dần, chắc tới khi được về nhà sữa cũng hết luôn. Có lẽ em sẽ phải cai sữa sớm cho con”...

Truyền hơi ấm cho nhau

Phải nói, trong các đợt dịch bệnh diễn ra, đặc biệt những ngày này, người dân một lòng đặt niềm tin vào Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Một niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng, vượt qua đại dịch.
Nhưng ở đâu đó, vẫn có người nào đó còn kêu ca, than vãn, sao không thế này, sao tôi chưa được hay chưa có cái kia... Rồi có vẻ tỏ ra không hài lòng khi cho rằng chậm có vắc xin...
Trong lúc đó, hãy nhìn guồng máy của Chính phủ mà xem, từ lãnh đạo đến các nhà chuyên môn ai nấy đều phờ phạc, vì lo lắng, vì thiếu ngủ... Chúng ta lo cho mình đã thấy khó khăn, huống chi là lo cho một đất nước với gần 100 triệu dân?
Thủ tướng đã nhanh chóng quyết định, Quốc hội nhanh chóng thông qua, kinh phí mua vắc xin.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỉ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng.
Về nguồn kinh phí, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỉ đồng.
Ủy ban MTTQ VN từ Trung ương đến địa phương, Bộ Y tế liên tục nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, trong đó có đơn vị đóng góp hơn nghìn tỉ đồng.
Riêng TP.HCM đã tiếp nhận hơn 2.000 tỉ đồng ủng hộ mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19.
Có câu “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Tấm lòng thể hiện qua sức người, sức của nhưng cũng thể hiện qua sự đồng thuận.
Mỗi người đều hun đúc trong mình một năng lượng tích cực, năng lượng đó sẽ kết nối, biến thành sức mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.