Tấn công và phòng ngự

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
10/05/2021 05:40 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc chuyển trạng thái phòng chống dịch Covid-19 'từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công'.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc chuyển trạng thái phòng chống dịch Covid-19 “từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”. Tinh thần chỉ đạo cho thấy Chính phủ đã đưa tình huống chống dịch lên một bước mới “vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc”.

Hậu phương vững chắc

Binh pháp có 36 kế, trong đó có “Không thành kế”. Kế này xuất phát từ điển cố về Gia Cát Lượng trong “Tam quốc diễn nghĩa”.
Đối với cuộc chiến phòng chống Covid-19, kế sách này hoàn toàn không thể áp dụng. Bởi vì, chỉ cần một ai đó mang vi rút vô tình hay cố ý “lọt vào thành” thì sức công phá của nó không khác gì một đạo quân.
Trong bóng đá có chiến thuật “phòng ngự chặt, phản công nhanh” mà các tín đồ môn thể thao vua thuộc nằm lòng. Chiến thuật này có vẻ tương thích với tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay. Muốn tấn công thì phải có đối sách chống đối phương “phản công”, tức là phải chủ động phòng ngự thật chặt.
Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, Chính phủ có nhiều biện pháp được người dân đồng thuận nên đã đạt được kết quả đáng mừng. Không phải chúng ta nói với nhau mà các nước khác trên thế giới cũng thừa nhận.
Diễn biến dịch ở các nước càng cho thấy rõ hơn.
Nhưng quả thật, chưa có một loại dịch bệnh nào lại diễn biến phức tạp như Covid-19. Bản thân nó đã phức tạp vì liên tục biến đổi gien, con người trong đại dịch lại càng phức tạp hơn. Có người tuân thủ chỉ đạo, chấp hành quy định, có người lại vô ý thức, có người vụ lợi “đục nước béo cò”…
Nhiều vụ việc diễn ra khiến chúng ta hết sức bất ngờ, đôi khi trong tưởng tượng cũng khó nghĩ ra. Không ai nghĩ nhiều người lại hành xử như vậy. Như các trường hợp đưa người qua biên giới; cho người nhập cảnh trái phép thuê nhà ở tập thể làm việc phi pháp; người trốn nơi cách ly; những trường hợp tiếp xúc với người dương tính Covid-19 nhưng giấu giếm vì đã đến các nơi “nhạy cảm”, tiếp xúc, quan hệ “có vấn đề”…
Trường hợp người phụ nữ tên N.T.Q (31 tuổi, ở Quảng Ngãi) sau khi tiếp xúc với người đàn ông Trung Quốc ở khách sạn Mường Thanh (Đà Nẵng) vào tối 27.4 thì lên xe về quê, từ đó đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người nhưng khi biết ông chuyên gia này bị dương tính Covid-19 thì tắt điện thoại, tìm nơi ở khác. Công an 2 tỉnh Quảng Ngãi và Đà Nẵng phải phối hợp, cất công truy tìm cho đến ngày 6.5 mới đưa được người phụ nữ này đi cách ly.
Đó là chưa kể cán bộ, có người nhiệt tình cống hiến, có người để đến đâu hay đến đó, thiếu nhiệt tình và thiếu cả sáng tạo trong phòng chống dịch.
Thủ tướng chỉ ra: “Phải chống hai khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan”.
Vì thế, muốn tấn công thì phải rà soát lại “hậu phương”. Những gì đã làm tốt, những gì cần chấn chỉnh. Chấn chỉnh cũng phải quyết liệt như mệnh lệnh tấn công.

Bộ đội biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt, chủ lực tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nhập cảnh biên giới trái phép để góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan

ẢNH: ĐỘC LẬP

Tất cả phải cùng tâm thế

Tại cuộc giao ban nói trên, Thủ tướng thay mặt Chính phủ kêu gọi “... Toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19”.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng góp ý cần đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao thế chủ động trong chống dịch, ưu tiên giải pháp về công nghệ và vắc xin, như công nghệ phát hiện nhanh người tiếp xúc gần…
Trước tiên, chúng ta nói đến vai trò của vắc xin.
Chiều 5.4, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thì ngày 16.4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP yêu cầu tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 khẩn trương, an toàn tuyệt đối.
Chính phủ đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27.4 về việc sử dụng hơn 12.000 tỉ đồng tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2020 để mua vắc xin phòng Covid-19.
Những hành động kịp thời đó cho thấy Thủ tướng xác định tầm quan trọng của vắc xin trong việc giúp vãn hồi tình hình đại dịch phức tạp này.
Thực tế ở một số nước trên thế giới, mới cách đây vài tháng là tâm điểm của dịch bệnh, nay nhờ tiêm phòng vắc xin trên diện rộng, đã giảm rất nhanh số người nhiễm bệnh mới và hạn chế số người chết như Anh, Mỹ, Israel…
Nhưng số kinh phí hơn 12.000 tỉ nói trên so với nhu cầu thực tế là chưa đủ 65% dân số được tiêm để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng tối thiểu như phân tích của các nhà khoa học và các chuyên gia.
Để đạt ngưỡng tối thiểu đó, thứ nhất là phải có đủ kinh phí; thứ hai là phải có nguồn cung cấp vắc xin trong lúc trong nước chưa thể sản xuất.
Một tin vui: Theo trang thông tin của Tổ chức Oxfam tại VN, Mỹ vừa thông qua quyết định ủng hộ dỡ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 sẽ giúp tăng khả năng cung cấp vắc xin trên toàn cầu.
Thông báo viết: “Oxfam tự hào là một phần trong phong trào vận động toàn cầu của Liên minh Vắc xin cho tất cả mọi người (the People’s Vaccine) kêu gọi các nước lớn và các hãng dược phải đặt tính mạng con người lên trước lợi nhuận; trong đó nhấn mạnh tri thức và công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 cần được dỡ bỏ độc quyền, chia sẻ rộng rãi để nhiều nước có thể cùng sản xuất vắc xin và phân phối vắc xin đến mọi người dân.
Nhiều quốc gia đã thể hiện sự đồng thuận, bao gồm New Zealand, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Bỉ”.
Đây là một quyết định lớn và rất có ý nghĩa, các nước nghèo, các nước đang phát triển có thể sớm tiếp cận được công nghệ sản xuất vắc xin, hoặc mua vắc xin với giá rẻ.
Như vậy, vấn đề còn lại là kinh phí để mua và tổ chức sản xuất. Người dân mong muốn Thủ tướng và Chính phủ có bước hành động tiếp theo, quyết liệt, sáng tạo, tính toán hợp lý, coi đây như là khâu then chốt để cuộc tấn công giành chiến thắng.

Vẫn phải chủ động phòng ngự

Trong khi chờ đợi “phủ sóng” vắc xin, chúng ta vẫn phải đối mặt với các diễn biến phức tạp và khó lường, và phải kiểm soát có hiệu quả các diễn biến đó. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ ưu tiên vấn đề công nghệ. Theo tôi hiểu, là công nghệ phát hiện nhanh, công nghệ thông tin kết nối và cả công nghệ truyền thông.
Thời gian qua, công nghệ cũng đã có bước phát triển đáng kể. Thay vì tờ khai y tế viết tay thì nay hầu hết đều đã có tờ khai điện tử, có mã QR. Tuy nhiên, các tờ khai này nằm đơn lẻ, chưa liên thông một cách khoa học mà trình độ công nghệ có thể làm được.
Ví dụ, hành khách có tờ khai, có mã QR mới được lên máy bay.
Ngày 29.4, Bộ Y tế tiếp tục phát đi thông báo khẩn số 37 tìm người đi trên chuyến bay số hiệu VJ133 khởi hành từ Hà Nội đi TP.HCM lúc 10 giờ 15 ngày 27.4.2021.
Sau đó, qua xác minh cho thấy có nhiều thông tin không chính xác về người mua vé cho hành khách, lịch trình đi lại… thể hiện người khai hoặc là thiếu trách nhiệm hoặc là không đủ trình độ nên nhờ khai hộ cho qua chuyện. Hệ lụy phát sinh phức tạp từ chuyện “khai hộ” đó… Cần nhớ, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh rất rõ: “Từng người phải tự lo cho chính mình”. “Tự lo” ở đây là mỗi cá nhân phải chủ động “phòng ngự” thật chặt, tuân thủ nghiêm quy định, khuyến cáo đảm bảo an toàn về phòng chống Covid-19. Mỗi cá nhân đừng là mối họa cho cộng đồng, gia đình trước diễn biến dịch đang rất khó lường.
Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19 cũng phải được nâng cấp cho tiện ích và hiệu quả hơn.
Có quá nhiều việc phải làm, và như lời Thủ tướng: “Cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch”, “vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc”.

Tăng cường phòng chống dịch Covid-19


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.