Hình ảnh ấy lan tỏa tinh thần nhân ái, cùng dìu nhau qua những ngày Sài Gòn căng sức vượt qua dịch Covid-19.
Không quên những người yếu thế
Khoảng tháng 2 - 3.2020, trước khi có lệnh giãn cách xã hội, dịch Covid-19 tại Sài Gòn diễn biến khá nặng nề. Trong khoảng thời gian này, nguồn hàng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn có lúc bị khan hiếm. Điều đáng nói là một số nơi còn hàng thì nâng giá bán đến 150.000 - 300.000 đồng/hộp (gấp 5 lần giá thường ngày). Thực tế có nhiều thân phận lao động đường phố như người đạp xích lô, thu gom ve chai, công nhân vệ sinh..., ngoài chuyện sinh kế khó khăn trăm bề, họ còn đối mặt nguy cơ dễ nhiễm bệnh nhưng có lúc lại thiếu những vật dụng thiết yếu đó giữa mùa dịch.
Cuối tháng 3.2020, tôi có cơ hội đồng hành với một nhóm người trẻ xuyên đêm phát khẩu trang và nước sát khuẩn cho những người bám víu mưu sinh đêm ngày nơi đường phố. Trần Anh Quân, bạn tôi, là một trong những thủ lĩnh của nhóm, trải lòng lý do khởi xướng kế hoạch: “Mình để ý thấy những người bán hàng rong, vé số, thu gom ve chai… đeo những cái khẩu trang nhàu nhĩ, bạc màu, thậm chí lên mốc. Một lần nọ, mình hỏi cô bán vé số lấy khẩu trang ở đâu, thì cô ấy nói thấy người ta bỏ, cô lấy về, giặt rồi dùng lại. Mình xúc động lắm, vì thế mình nhất quyết đi phát khẩu trang”.
Trước đó, vào mỗi dịp cuối tuần từ đầu tháng 3.2020, nhóm của Quân đã xắn tay đi làm thiện nguyện. Nhóm vận động bạn bè, những cá nhân có điều kiện hỗ trợ khẩu trang, nước sát khuẩn rồi đi phát tặng sinh viên và người dân ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM (TP.Thủ Đức) và Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương).
Khi lâm vào cảnh khẩu trang “hết hàng” nhưng thành phần lao động nghèo trên đường phố vẫn chưa được tặng, nhóm của Quân đi vận động nguồn vải, rồi thức trắng nhiều đêm liền tự may cho đủ 10.000 cái khẩu trang. May xong, nhóm lập tức đóng gói 1 phần quà gồm 3 cái khẩu trang, 1 chai nước sát khuẩn và chia “địa bàn” ra phát.
Tạo động lực cho nhau vượt qua những khó khăn
Nhóm của Quân cứ rong ruổi chạy các tuyến đường các quận 1, 3, 10... với quyết tâm “không bỏ ai ở lại”. Khuya, xe cộ dần thưa. Ở nhiều điểm tập kết rác tại Q.10, không khó thấy cảnh công nhân dọn vệ sinh ngồi bệt xuống vỉa hè, ăn vội nắm cơm trong lúc chờ các xe ép rác đến. Cạnh đó, những góc đường đèn giăng mờ, vẫn còn nhiều mảnh đời chọn đường phố là nơi dung thân, chốn ở. Nhiều ông cụ, bà cụ nằm co ro, đắp tạm cái chăn cũ kỹ, gối đầu trên tấm bạt trải dưới mái hiên các cửa hàng, hay tận dụng xe thu ve chai, xích lô của mình để ngủ... Một số ít xe ôm nằm ngủ luôn trên chiếc “xế” của mình.
Thấy những điểm có người, nhóm của Quân liền tấp xe lên lề, rón rén: “Dạ thưa, cho tụi con gửi tặng mấy túi khẩu trang”. Tôi cũng đã nghe những lời nói cảm ơn từ những người nhận. Thậm chí, nhiều người nhận còn quả quyết phải chụp chung với nhóm để đăng Facebook, lan tỏa tinh thần tình nguyện. Anh Tâm, một công nhân thu gom rác, chìa tay đón nhận món quà nhỏ, bảo: “Dịch này, mình không thể nghỉ được, nếu nghỉ sẽ không ai dọn rác”.
Hôm đó, tôi đặt gói khẩu trang cạnh ông cụ nằm trên tấm bạt dưới mái hiên một cửa hàng. Lúc quay lưng, ông cụ thức giấc, thấy món quà nhỏ, cụ nhắn gửi: “Mấy cháu cũng phải lo bảo vệ sức khỏe của mình”.
Cứ thế, ba đêm ròng, hơn 20 thành viên nhóm của Quân di chuyển quanh các tuyến đường phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho lao động đường phố. Cũng có nhiều người từ chối nhận “bởi mới vừa nhận của nhóm khác rồi nên muốn nhường lại cho người cần hơn”.
Tinh thần thiện nguyện lan tỏa, nhiều người có điều kiện tiếp tục ngỏ ý tặng nhóm của Quân thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, rồi xin gia nhập nhóm để cùng đi chia sẻ.
Sài Gòn là vậy, còn biết bao câu chuyện nghĩa tình. Chính lòng nhân ái đó là động lực cho nhau vượt qua những khó khăn bởi đại dịch Covid-19!
|
Bình luận (0)