“Xin lỗi đã làm phiền”
1 giờ sáng 22.3. Vượt qua những con phố co mình vắng lặng, dưới ngọn đèn đường hiu hắt, chúng tôi hướng về chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại hầm Hải Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Đêm tĩnh mịch, chỉ còn nghe tiếng động cơ của xe tải hạng nặng gầm rú vượt con dốc cuối để tiến vào đường dẫn. Tổ công tác kiểm soát dịch Covid-19 như “lọt thỏm” giữa đêm sâu. Họ thuộc biên chế của 7 nhóm kiểm soát dịch 24/24 từ cửa ngõ thành phố, bố trí ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang kể từ ngày 16.3.
Các chiến sĩ CSGT liên tục ra hiệu lệnh dừng xe trên tuyến đường tránh Nam Hải Vân. Nhiều hành khách đang chập chờn trong giấc ngủ, bất ngờ ánh đèn LED trên khoang hành khách bật sáng, khiến không ít người bực bội. Nhưng khi biết có nhóm kiểm tra y tế, ghi lại hành trình đang thi hành nhiệm vụ, nhiều người liền hợp tác, chậm chạp xuống xe. Thi thoảng vẫn có hành khách giả vờ... nằm im. Lúc ấy, trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, những thành viên nhóm kiểm tra không khác gì chú robot khó nhọc đi dọc khoang hành khách.
“Phải lên xe, đo thân nhiệt tận giường, ghi lại hành trình thôi. Họ không chịu xuống xe!”, một “robot” y tế thở dài quay sang nói với chiến sĩ CSGT. Chị Trần Kim Ngân (26 tuổi, trú P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu), nhân viên điều dưỡng Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu vừa hóa thân vào vai một “robot” như vậy. Tất nhiên họ phần nào hiểu được cảm giác bực bội của hành khách khi bị đánh thức giữa khuya. “Sau khi lên xe, câu đầu tiên của chúng tôi là “xin lỗi đã làm phiền”. Chúng tôi buộc phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng nghĩ mình đã làm phiền họ. Nhưng để đo thân nhiệt cho hành khách tận giường nằm giữa đêm cũng khá vất vả. Giá như họ hợp tác để chúng tôi bớt khổ”, chị Ngân nói.
|
Nhóm 6 người làm công tác kiểm soát dịch như chị Ngân phải chia 3 ca trực, để đảm bảo túc trực 24/24 theo quy định của Sở Y tế TP.Đà Nẵng. Trực ca đêm, ai cũng thấm mệt. Sương đêm, muỗi đốt họ đều gắng vượt qua. Nhưng lại buồn lòng nhất mỗi khi có người cố tình không chấp hành, dù lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh...
Tuy vậy, cũng có lúc họ rơi vào tình huống áy náy. Hướng ánh mắt theo chiếc xe tải hạng nặng ì ạch “bò” lên dốc, chị Ngân kể có đêm CSGT dừng chiếc xe khách từ Quảng Bình vào. Khi đèn trên khoang hành khách bật sáng, có tiếng trẻ con khóc nấc khiến nhiều người giật mình. “Giữa đêm vắng, người mẹ bồng con nhỏ xuống xe để khai báo y tế. Sau khi đo thân nhiệt xong, chị ấy cảm ơn và xin lỗi vì tiếng khóc của con. Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên. Người xin lỗi phải là chúng tôi mới đúng”, chị Ngân kể.
Giữa đêm vắng, người mẹ bồng con nhỏ xuống xe để khai báo y tế. Sau khi đo thân nhiệt xong, chị ấy cảm ơn và xin lỗi vì tiếng khóc của con. Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên. Người xin lỗi phải là chúng tôi mới đúngChị Trần Kim Ngân, nhân viên điều dưỡng Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng |
Mặc bỉm suốt 8 giờ
Đồng hồ điểm 3 giờ sáng, tiếng động cơ xe từ xa hướng đến không còn vì lúc này hầm Hải Vân đóng cửa để làm vệ sinh. Tất cả phương tiện từ hướng bắc di chuyển vào trung tâm TP.Đà Nẵng phải dừng chờ ở địa phận Thừa Thiên-Huế.
Trong cơn gió lạnh lúc tờ mờ sáng, chúng tôi có nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng những người đang trắng đêm chống dịch. Chị Trương Thị Như Tuyết (39 tuổi, trú P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu), cũng là nhân viên điều dưỡng thuộc Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu, không giấu hết những vất vả mà đội ngũ y tế phải đối mặt từ ngày túc trực tại các chốt kiểm soát di động. Trong bộ đồ bảo hộ y tế, ban ngày thì nóng nực, lại bất tiện trong khâu vệ sinh cá nhân. Một ca trực thường kéo dài 8 giờ đồng hồ, nếu cởi đồ bảo hộ ra, phải tiêu hủy đúng cách và không được tái sử dụng. “Đây là câu chuyện tế nhị. Tôi và đồng nghiệp không kể nam nữ đã phải sử dụng... tã bỉm trong suốt 8 giờ làm việc và hạn chế uống nước. Như vậy mới có thể hoàn thành công việc”, chị Tuyết tâm sự.
Nguyễn Nhật Duy, tình nguyện viên 21 tuổi (cùng trú P.Hòa Hiệp Bắc), hỗ trợ tại chốt kiểm dịch nên biết rất rõ chuyện càng về đêm xe khách chạy càng nhiều. Công việc kiểm soát của nhóm càng khẩn trương. Duy đặc biệt “lưu ý” phần việc của các anh chị phụ trách y tế. “Phải cẩn thận kiểm soát sức khỏe từng hành khách, lại không được tự do sinh hoạt, hạn chế uống nước và mặc bỉm... Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, để cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường”, Duy nói.
|
Cai sữa con nhỏ
Khi xong ca trực, nữ điều dưỡng Trương Thị Như Tuyết chỉ mong cởi bộ đồ bảo hộ và chạy về nhà với con nhỏ đang khát sữa mẹ. Đứa con gái thứ 2 vừa tròn 14 tháng tuổi, nhưng khi nhận nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19, chị bàn với chồng quyết định cai sữa cho con vì chị thường phải thức trắng đêm ngoài chốt.
Ngày đầu tiên làm việc tại chốt kiểm soát, chị Tuyết ra khỏi nhà lúc 22 giờ đêm và trở về lúc 6 giờ sáng hôm sau. Khi ấy, con gái khát sữa mẹ đã khóc phá. Hết ca, chị còn nhận thêm nhiệm vụ giữ con cho chồng, một công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu), kịp đi làm. “Lúc về, nghe tiếng con khóc từ đầu ngõ, vào nhà thấy chồng đang cho con bú sữa ngoài, tôi nghĩ sẽ chẳng thể tiếp tục làm việc theo chốt kiểm soát kiểu đó nữa… Nhưng bất ngờ khi chồng chuyển con cho tôi bồng rồi đề nghị đây là dịp cai sữa cho con, vì con đã lớn. Anh ấy còn khuyên tôi yên tâm tham gia chống dịch”, chị tâm sự.
Thương nhau từ ngày chị Tuyết mới vào trường y, nên có lẽ hơn ai hết chồng chị đã “thương” luôn cả cái nghề mà vợ mình chọn. Ngẩng mặt hít một hơi dài qua lớp khẩu trang dày cộm, chị Tuyết nói: “Có lẽ nghề y đã “chọn” mình, nên trong thời khắc dịch bệnh đang phức tạp, được cống hiến chút ít công sức để bảo vệ sức khỏe mọi người là điều khiến tôi cảm thấy tự hào”.
Tiếng còi xe bất thần vang lên, đoàn xe nối đuôi nhau chạy vào hướng trung tâm thành phố. Lúc này hầm Hải Vân đã vệ sinh xong. Đồng hồ điểm 4 giờ sáng. Trong làn sương mờ và những cơn gió lạnh, những thành viên của chốt kiểm dịch di động lui tới phía trước. Họ lại dừng xe, đo thân nhiệt, ghi hành trình di chuyển...
Bình luận (0)