Thời tiết miền Bắc thay đổi thế nào khi đón đợt không khí lạnh đầu mùa?

Đình Huy
Đình Huy
20/09/2024 16:50 GMT+7

Miền Bắc sẽ chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh, cạnh đó sẽ có mưa giông với lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm, có nơi trên 200 mm khi đón đợt không khí lạnh đầu tiên mùa đông năm 2024.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống miền Bắc nước ta. Đây là đợt không khí lạnh đầu tiên trong mùa đông năm 2024.

Thời tiết miền Bắc thay đổi thế nào khi đón đợt không khí lạnh đầu mùa?- Ảnh 1.

Miền Bắc sẽ chuyển mát kèm mưa giông trong đợt không khí lạnh này

ẢNH: ĐÌNH HUY

Dự báo, từ ngày 21 - 22.9, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc bộ, sau đó bao trùm ra toàn miền Bắc và một số nơi ở Bắc Trung bộ. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - cấp 5.

Ngày 22 - 23.9, ở miền Bắc và Thanh Hóa trời chuyển mát, vùng núi Bắc bộ có nơi trời lạnh. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 20 - 23 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C.

Biển Đông xuất hiện vùng áp thấp mới, sẽ mạnh lên trong vài ngày tới

Trên biển, từ gần sáng ngày 22.9, ở vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m.

Cơ quan khí tượng lưu ý, khi không khí lạnh tràn về từ sáng sớm ngày 22 - 23.9, ở khu vực trung du, đồng bằng và ven biển Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Gió mạnh sóng lớn trên biển

Hiện nay, ở đảo Huyền Trân có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8; vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - cấp 9.

Dự báo, từ đêm 20 - 21.9 vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau và khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8. Biển động. Sóng biển cao 2 - 4 m.

Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông, vùng biển phía bắc của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8, biển động.

Ngoài ra, 20 - 21.9, ở vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực bắc Biển Đông, giữa Biển Đông và vùng biển phía bắc của khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - cấp 8.

Cảnh báo đêm 21 - 22.9 vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, khu vực giữa Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động; sóng biển cao 2 - 4 m. Khu vực bắc Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 3,5 m.

Từ gần sáng ngày 22.9, ở vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.