Người kể chuyện trên cao nguyên đá

Mạnh Hào
Hà Nội
28/05/2024 09:00 GMT+7

Sùng Mí Phìn tiết lộ ước mơ có thể tổ chức Chai To tour tại Hà Giang quê hương anh trong tương lai gần, để giới thiệu không chỉ những cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng của cao nguyên đá mà còn là giai điệu cuộc sống về một nền văn hóa đá của người bản địa, với những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương truyền thống, hàng rào đá bao quanh… và đặc biệt là kỹ năng canh tác hốc đá.

Vì thế, ở thôn Lũng Hòa B thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn này, chàng trai người H'Mông sinh năm 1994 có thể được xem như một người kể chuyện bất tận, bởi rất nhiều câu chuyện thú vị về cao nguyên đá như thế đã được anh chia sẻ với những vị khách tới Chai To homestay của gia đình anh.

Sùng Mí Phìn thổi kèn lá

Sùng Mí Phìn thổi kèn lá

Mạnh Hào

Nói như Phìn thì anh muốn gìn giữ những nét đẹp, bản sắc của dân tộc H'Mông thông qua du lịch trải nghiệm ngay trên chính mảnh đất anh đang sống.

Cuộc sống của người H'Mông hiện đại

Ở địa hình mặt trăng Sà Phìn, khu vực xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, đúng hơn là trên cung đường đi thị trấn Đồng Văn, tôi tình cờ gặp một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu bán đồ ăn tại đây. Vừa gọi mấy món, vừa trò chuyện với bà một lúc, người phụ nữ hỏi tôi đã có nơi nghỉ tối chưa, nếu không, có thể đến homestay của cậu con trai bà cách đây không xa. Và cậu con trai ấy là Sùng Mí Phìn mà tôi đã nhắc đến ở đầu câu chuyện.

Quả thực, nếu không có lời giới thiệu của bà Thào Thị Máy, tôi sẽ chẳng để ý đến homestay Chai To của Phìn mà tôi đã đi qua khoảng hơn 1km trên đường đi thị trấn Đồng Văn. Trong tiếng H'Mông, Ntsai Tos có nghĩa là "chào đón" nhưng do nhiều người không đọc đúng nên Phìn quyết định đổi tên homestay thành Chai To do phát âm cũng na ná như vậy. Đó là lý do giải thích cho cái tên rất gây tò mò cho bất cứ ai mỗi khi bước chân qua cánh cổng nằm dưới chân một con dốc dựng đứng đi từ ngoài Quốc lộ 4C xuống; nhưng nếu đã biết rõ, tất cả sẽ hiểu vì sao họ luôn được các thành viên của gia đình Phìn chào đón bằng sự cởi mở và thân thiện trong từng cử chỉ, từng hành động.

Không như hình dung ban đầu của tôi, Chai To trông khá hiện đại và theo Phìn cho biết, homestay mới được đưa vào sử dụng hơn một năm qua. Điều gây ấn tượng với tôi là chàng trai người H'Mông vẫn giữ lại ngôi nhà trình tường, khu bếp đốt bằng củi, chưa kể căn nhà cũ của gia đình người chú và bà nội anh đang sống ngay bên cạnh. Riêng nhà trình tường, đó là ngôi nhà của người bác ruột từng làm mã phài, như kiểu trưởng thôn, cho gia đình họ Vương trước đây. Ngôi nhà bị khóa cửa do đã xuống cấp nhiều nhưng nhìn bên ngoài, tôi cứ nghĩ gia đình anh đang để làm kho hoặc chỉ mở cửa cho khách tham quan khi có yêu cầu.

Ngoài nhà trình tường, điều tôi thích thú nhất ở Chai To có lẽ là ngồi bên bếp lửa xem cái cách gia đình người H'Mông chuẩn bị bữa tối, đặc biệt trong thời tiết lạnh giá của Hà Giang, và được nghe bà Máy hát những làn điệu dân ca H'Mông. Khu bếp ngoài trời đã được ông Sùng Pháy Sử, cha của Phìn, lợp mái để che mưa nắng, và ở đó, tôi thấy họ vẫn treo thịt lợn được làm từ hồi dịp Tết Nguyên đán.

Dự định trong tương lai của Phìn là sẽ tháo dỡ nhà trình tường và khu bếp để mở rộng homestay bởi trong suy nghĩ của chàng trai sinh năm 1994, anh không có lợi thế về những cái gọi là bản sắc, đặc trưng của dân tộc mình trong làm du lịch. Thay vào đó, anh muốn phát triển du lịch theo hướng đơn giản, gắn du lịch với cuộc sống hằng ngày của gia đình anh, với những trải nghiệm trong sinh hoạt của cộng đồng. Nói cách khác, Phìn muốn khách du lịch biết đến cuộc sống hiện tại của người H'Mông như thế nào.

Sùng Mí Phìn giới thiệu đàn đá ở thung lũng Há Lía

Sùng Mí Phìn giới thiệu đàn đá ở thung lũng Há Lía

Mạnh Hào

Một ngày lên nương

Trên đường từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá, có lúc tôi bắt gặp những dòng sông thơ mộng. Rồi những nương ngô đang mới gieo hạt, cây lên chỉ chừng 10cm, những ruộng lúa xanh mướt, những nếp nhà nhỏ xinh, những váy áo sặc sỡ thỉnh thoảng lại đột ngột xuất hiện trên đường.

Thế nhưng, nếu Hà Giang được xem là vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì cao nguyên đá thuộc về cụm địa hình hiểm trở, xa cách và có độ cao bậc nhất của tỉnh. Vì vậy, đi liền với sự lãng mạn, nên thơ, sự hùng vĩ còn là sự khắc nghiệt. Khắc nghiệt ở đây là về thời tiết, về việc thiếu nước sinh hoạt và thiếu đất canh tác. Đó là lý do vì sao Phìn luôn muốn tôi và những vị khách nghỉ tại homestay của anh có một buổi trải nghiệm trên nương rẫy, để hiểu rõ người H'Mông canh tác hốc đá như thế nào. Phìn cho biết, người H'Mông thường dùng đá xếp quanh các mảnh đất để che chắn, chống xói mòn, rửa trôi đất. Nhiều hốc đá tự nhiên được họ gùi đất đổ vào và trở thành hốc canh tác. Trên những nương đá cao và dốc này, họ trồng ngô, xen canh các loại hoa màu như cây đậu răng ngựa, rau cải…

Sau khi đã quan sát và hiểu hơn thế nào là kỹ thuật canh tác hốc đá, thay vì trở về theo con đường cũ, Phìn dẫn chúng tôi xuống thung lũng Há Lía. Nhìn từ trên cao, người ở dưới hòa vào màu đất, màu đá và bé như một chấm nhỏ. Vì thế, việc băng qua những bãi đá dốc, lởm chởm, nhọn hoắt và xù xì một màu đen xám thật sự là thử thách rất lớn cho chúng tôi. Bù lại, khi chạm chân xuống đất, khó mà diễn tả cảm giác đứng giữa một thung lũng sâu, rộng lớn, bao quanh là núi đá. Một cách ví von, chúng tôi như đang ở dưới đáy đại dương, cũng để giải thích vì sao khi Phìn cho chúng tôi xem những con ốc được anh bới ra từ vách đá, anh cho biết thêm, đã có bằng chứng sự có mặt của các hóa thạch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, vùng đất có độ cao cả nghìn mét so với mực nước biển này trong quá khứ là một vùng biển nông với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật. Dấu vết của các động, thực vật để lại là hóa thạch ngày nay giúp chúng ta hiểu biết một phần về trái đất cách ngày nay hàng trăm triệu năm.

Và giữa không gian đó, chàng trai người H'Mông nhẹ nhàng ngắt một chiếc lá, đưa lên mồm thổi vài giai điệu "pí po" véo von, vui nhộn. Không để chúng tôi phải chờ đợi, anh tiết lộ đó là những chiếc lá gắn kết tình yêu. Nhiều đôi trai gái người H'Mông thành vợ thành chồng đều là nhờ chiếc lá mà anh đã thổi. Theo Phìn, kèn lá không chỉ nhắn nhủ tâm tư, tình cảm của trai gái người H'Mông mà còn là nét văn hóa trữ tình ở vùng cao khi người H'Mông lên nương lao động hay trong những ngày hội, chương trình giao lưu văn nghệ.

Những câu chuyện về đàn đá, rồi địa hình mặt trăng Sà Phìn, đền thờ thần nước ở làng Nghiến thuộc khu phố cổ, thị trấn Đồng Văn… mà Phìn kể đều khiến chúng tôi chăm chú lắng nghe, cũng như khiến quãng đường trở về Chai To homestay trở nên gần hơn, bớt mệt mỏi hơn khi nắng bắt đầu lên cao, thời tiết trở nên oi bức hơn.

Cuộc sống ở Chai To cứ trôi qua bình thường như vậy. Khách du lịch đến rồi đi nhưng cũng có nhiều người trở lại, chỉ đơn giản là để gặp gỡ, trò chuyện với Phìn hay chào ông Sử, bà Máy một tiếng. Hơn tất cả, họ khó có thể tìm thấy ở đâu một sự gần gũi và bình yên đến thế khi khám phá cao nguyên đá Đồng Văn và những con người nơi đây.

Người kể chuyện trên cao nguyên đá- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.