Những người phụ nữ biến rác thành tiền

04/06/2024 09:00 GMT+7

Từ những đống rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, những chị em phụ nữ tại Hợp tác xã Green Life Hạ Long (P.Hà Khẩu, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) đã biến chúng thành các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống, tạo thêm việc làm và phát triển mô hình du lịch trải nghiệm.

Khởi nghiệp từ rác

Trong những ngày hè tháng 5 oi ả, không khí làm việc của chị em phụ nữ hợp tác xã (HTX) vẫn hăng say như thường nhật. Quan sát các món đồ như túi vải, ba lô học sinh, túi đựng máy tính, bàn ghế... được trưng bày trong căn phòng rộng hơn 100m2, tôi thấy vô cùng bắt mắt, lạ kỳ hơn chúng được tái chế từ các tấm banner, chai lọ, lốp xe, rác thải sinh hoạt chứ không phải từ các nhà máy công nghiệp.

Chị Hương (áo đen) cùng chị em phụ nữ HTX tái chế rác thành sản phẩm

Chị Hương (áo đen) cùng chị em phụ nữ HTX tái chế rác thành sản phẩm

TGCC

Chúng tôi được tiếp xúc với người "thuyền trưởng" của HTX, chị Trần Thị Thu Hương, 50 tuổi, một người chọn khởi nghiệp ở tuổi 46 với rác. Chị Hương cho biết, trước kia chị vốn là một thợ may, nhờ việc thường xuyên tham gia công tác phụ nữ tại địa phương, chị nắm được chủ trương tái chế rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các cấp hội phụ nữ. Đặc biệt có mô hình "Biến rác thải thành tiền" của Hội LHPN TP.Hạ Long, chị Thương quyết tâm cùng chị em phụ nữ hành động vì môi trường.

"Hạ Long là thành phố du lịch nên lượng rác thải khá nhiều. Tôi thường xuyên thấy các tấm banner đã qua sử dụng bị vứt bỏ tràn lan, vô số chai nhựa chất thành đống không có biện pháp xử lý nên tôi tổ chức chị em đi gom lại, phân loại và tiến hành tái chế chúng thành đồ vật hữu ích", chị Thương cho biết.

Tháng 12.2019, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Green Hub đã thành lập HTX Green Life với 9 chị em phụ nữ, chị Thương làm giám đốc với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng. Các thành viên đều mong muốn công việc của sẽ góp sức bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng, lan tỏa lối sống xanh. "Thời gian ban đầu việc chế tạo mẫu mã khá khó khăn, tôi phải lên YouTube học hỏi rất nhiều rồi cùng chị em làm. Nếu như đồ tái chế mà không sử dụng được thì vẫn chỉ là rác nên chúng tôi quyết tâm đã làm ra sản phẩm nào phải chắc sản phẩm đó, không để xảy ra lỗi", chị Thương nói.

Chị Hương (thứ 2 từ phải sang) tặng giỏ tái chế cho chị em phụ nữ

Chị Hương (thứ 2 từ phải sang) tặng giỏ tái chế cho chị em phụ nữ

TGCC

Bản lĩnh của những người chân yếu tay mềm

Để có được nguyên liệu tái chế, chị em phụ nữ tổ chức đi thu gom trên địa bàn TP.Hạ Long. Những tấm banner to và nặng không làm khó được chị em chân yếu tay mềm. Ngoài ra, HTX cùng liên kết với một công ty quảng cáo để họ mang những tấm banner đã qua sử dụng đến. Những loại quần áo cũ, chai lọ, lốp xe qua sử dụng chị em tự đi thu gom và được người dân quanh vùng mang đến đổi lấy sản phẩm.

Sau khi trải qua công đoạn vệ sinh, chị em phụ nữ lại thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách cho ra mắt những sản phẩm độc đáo, bắt mắt. Những chiếc túi đi chợ hằng sáng giúp tiết kiệm hàng chục túi ni lông hay những chiếc ba lô cho học sinh đến trường gọn nhẹ, hài hòa. Căn phòng trưng bày của HTX được chia làm 3 khu vực rõ ràng gồm: khu vực cắt may, khu vực khách tham quan uống trà và khu vực trưng bày sản phẩm.

Chị Thương cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX Green Life đã tái chế hàng chục tấn rác thải nhựa và sản xuất ra gần 100.000 sản phẩm các loại. Đặc biệt, HTX không chỉ giải quyết việc làm cho 9 chị em xã viên mà còn cho nhiều chị em phụ nữ làm việc gián tiếp khác. Tuy thu nhập của chị em phụ nữ chưa cao (khoảng 4-5 triệu đồng/tháng) nhưng HTX đã góp phần giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP.Hạ Long và tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến đông đảo người dân.

Những người phụ nữ biến rác thành tiền- Ảnh 3.

Chị em phụ nữ ra quân đổi rác lấy quà

TGCC

Bà Nguyễn Thị Mai, 61 tuổi, thành viên HTX Green Life cho biết: "Tôi tuổi đã cao tưởng chừng như không làm được việc gì ra tiền nữa thì biết đến HTX và gia nhập. Tôi thấy công việc này phù hợp với khả năng của tôi, giúp tôi có thu nhập hằng tháng, giao lưu với chị em phụ nữ, tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều".

Ngoài việc là những người chế tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường từ rác, các chị em phụ nữ còn như một tuyên truyền viên về lối sống xanh. Không chỉ những du khách ghé thăm HTX được chị em thuyết minh về sản phẩm, quy trình sản xuất, tác dụng... mà ngay tại khu phố sinh sống, các chị em phụ nữ là người tiên phong sống xanh, thân thiện với môi trường. HTX còn áp dụng chính sách đổi túi đi chợ lấy vật liệu tái chế với chị em phụ nữ trong khắp tỉnh Quảng Ninh, tạo nên một vòng tuần hoàn của rác.

Đến nay, HTX đã thu gom được khoảng 20 tấn pano, 5 tấn vải thừa, hàng trăm lốp xe cũ hỏng và bắt đầu đón khách tham quan từ tháng 5.2022. "Đã có khoảng 10.000 lượt khách trong đó có nhiều khách nước ngoài và các em học sinh, mỗi khách tham quan mua vé 10.000 đồng", chị Hương cho biết.

Nhân rộng mô hình xanh

Ngoài đón khách du lịch, HTX còn thường xuyên tổ chức những buổi chia sẻ, hội thảo về tái chế rác thải và tuyên truyền lối sống xanh cho người nước ngoài và học sinh. Chị Loren, du khách New Zealand, cho biết: "Chúng tôi rất tò mò trước khi đến đây và thật bất ngờ khi thấy những món đồ được tái chế từ rác thải. Tôi sẵn sàng mua về một vài món đồ làm quà cho người thân, chúng rất hữu ích; đồng thời khi nhìn thấy chúng tôi sẽ có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường. Tôi tự hỏi, những tấm banner này nếu không được tái chế chúng sẽ đi về đâu. Đốt ư, hay trôi nổi ngoài bờ biển, trong lòng đất, dù thế nào chúng cũng làm trái đất bị tổn thương, tái chế như này là hiệu quả nhất".

Du khách nước ngoài hào hứng với các sản phẩm tái chế từ rác thải

Du khách nước ngoài hào hứng với các sản phẩm tái chế từ rác thải

TGCC

Anh Võ Nguyễn Triệu Linh, hướng dẫn viên du lịch, cho biết: "Khi tôi đưa khách du lịch đến HTX Green Life họ rất bất ngờ và hào hứng tham quan, trò chuyện với các chị em phụ nữ. Tuy không phải là nơi có cảnh quan thiên nhiên hay di tích lịch sử nhưng HTX lại có sức hút riêng biệt để mỗi người chúng ta tự soi lại bản thân về lối sống của mình".

Chị Hương cho biết, trong tương lai sẽ phát triển mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng để khách du lịch có thể trực tiếp ngồi vào máy may tái chế rác thải thành sản phẩm theo ý muốn. "Tôi muốn lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng bằng việc phân loại rác thải, tái chế rác và vận động người dân ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sẽ giảm được lượng rác thải đưa ra môi trường", chị Hương nhấn mạnh.

Những người phụ nữ biến rác thành tiền- Ảnh 5.

Ba lô tái chế dành cho học sinh – sản phẩm của HTX

TGCC

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Hà Khẩu Lương Thị Minh Thương cho biết: "Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình tái chế rác thải nhựa của HTX Green Life, mô hình đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, giải quyết được công ăn việc làm và giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ở các chi hội hội phụ nữ trong thời gian tới".

Những người phụ nữ biến rác thành tiền- Ảnh 6.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.