Một đời đi trồng rừng
23 giờ đêm, tôi theo chân bà Tô Thị Minh, Đội trưởng Đội trồng rừng ngập mặn xã Thụy Hải, "băng rừng" 4 km để đi… trồng rừng ngoài bờ biển. Đây là công việc đều như vắt tranh của bà Minh từ năm 16 tuổi và đến tận bây giờ, khi bà đã bước sang tuổi 71.
Tôi hỏi bà tại sao không đi trồng rừng ban ngày mà lại trồng ban đêm và rạng sáng. Bà Minh nở nụ cười chất phác của người nông dân mà bảo: "Tùy thuộc vào lịch thủy triều lên xuống chứ chúng tôi đâu tự quyết được. Nước rút ban đêm thì phải tranh thủ đi trồng, buộc cọc để khi nước dâng thì cây mới sống sót được".
Trong màn đêm nhá nhem khuôn mặt người, tiếng cười sang sảng là thứ để người ta nhận ra nhau. Bao năm rong ruổi trồng rừng, họ thuộc từng tấc đất nơi đây, biết chỗ nào đất cát, chỗ nào đất pha cát để trồng với mức độ nông sâu khác nhau.
Bà Tô Thị Minh cho biết: Vùng đất ngập mặn ven biển của H.Thái Thụy nằm ở đồng bằng nơi cửa sông châu thổ sông Hồng có 3 con sông lớn chảy ra vùng biển vịnh Bắc bộ là sông Diêm Điền, sông Trà Lý và sông Thái Bình. Vì vậy, rừng ngập mặn đóng vai trò như tấm lá chắn vững chắc trước giông bão, sóng biển cũng như mang giá trị đa dạng sinh học cao. Năm 2020, Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy được thành lập với diện tích hơn 6.000 ha, trong đó có những cánh rừng do phụ nữ xã Thụy Hải trồng rộng hơn 400 ha suốt hơn 40 năm qua.
"Trước đây đi trồng, người ta bảo chúng tôi dở hơi. Họ nói rằng trồng bao nhiêu rừng thì con hải sản đi ra xa bấy nhiêu. Nhưng không vì những con hải sản mà vì chính cuộc sống của chúng tôi. Nếu như không có rừng, trải qua bao lần giông bão chắc chúng tôi không tồn tại nổi. Về sau nhiều người đã hiểu và còn cổ vũ đội trồng rừng", bà Minh cười nói.
Sinh ra trên mảnh đất rừng ngập nước Thụy Hải, bà Minh yêu rừng như yêu chính cuộc sống mình. Ngay từ thời thanh niên, bà Minh đã hăng hái đi trồng rừng trong màu áo xanh tình nguyện. Lớn lên lập gia đình, bà tiếp tục đi trồng rừng trong hội phụ nữ rồi hội chữ thập đỏ xã. Dù ở tổ chức nào, bận rộn công việc ra sao, bà Minh cũng dành trọn tâm huyết trồng từng cây để gìn giữ màu xanh cho đất từng ngày, từng giờ.
Bà Vũ Thị Nga, thành viên đội, cho biết: "Quê hương tôi là vùng rừng ngập mặn, trước đây thường trồng cây vẹt nhưng cây không cao lắm, dễ bị đổ và nước dâng vượt ngọn. Vì vậy, chúng tôi đã tìm ra cây bần chua trồng thay thế. Cây bần chua cao hơn chục mét, bộ rễ thở phát triển bán kính cũng khoảng chục mét, bám chặt vào đất, không sóng nào đánh đổ cây được. Đã từng có bão cấp 12 đổ bộ vào Thụy Hải, nhưng sóng biển không làm gì được lá chắn xanh bần chua của chúng tôi".
Nói không với các dự án cần phá rừng
Với người dân xã Thụy Hải nói chung và đội trồng rừng nói riêng thì rừng có giá trị cực kỳ to lớn. Có rừng thì mới có cuộc sống bình yên. Bởi trong lịch sử xã Thụy Hải đã từng phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn đổ bộ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Bà Tô Thị Minh nhớ lại, năm 1984 trận bão to làm vỡ đê biển số 8, bà bế các con chạy đi sơ tán, đến lúc trở về thì nhà cửa tan hoang. Bây giờ thì an tâm kê cao gối mà ngủ, bão lớn chỉ cần vào nhà đóng chặt cửa lại là an toàn.
"Trong suốt quãng đời đi trồng rừng, chúng tôi thấy rừng mang lại giá trị rất lớn như chắn sóng, ngăn nước dâng do mưa bão, ngăn sự xói mòn của đất. Ngoài ra, rừng còn là lá phổi xanh giúp điều hòa không khí, cung cấp thêm ô xy vào bầu khí quyển. Không khí ở đây rất trong lành, mát mẻ nên con người nơi đây rất khỏe mạnh, ít bệnh tật", bà Minh tâm sự.
Đặc biệt, năm 2017, tỉnh có chủ trương thành lập khu công nghiệp ở xã Thụy Hải dự định sẽ lấy 339 ha diện tích bãi bồi để phát triển công nghiệp dịch vụ, trong đó 150 ha rừng ngập mặn có nguy cơ bị xóa sổ. Song, sau khi lắng nghe ý kiến của người dân địa phương, dự án đã phải dừng lại.
"100% người dân không đồng ý dự án vì phải phá rừng. Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của rừng. Nếu không có rừng, đời sống của chúng tôi cũng không tồn tại được. Rừng chỉ có trồng thêm chứ không được phép phá đi", bà Minh nói.
Người dân xã Thụy Hải sống dựa nhiều vào rừng, vào biển. Mỗi tờ mờ sáng, hàng trăm người dân cầm trên tay thanh tiêm (một thanh sắt nhỏ) để bắt con móng tay ngoài bờ biển. Họ dặn nhau rằng, mỗi ngày chỉ được bắt từ 3 - 5 kg con móng tay và tuyệt đối không dùng cào, cuốc để bắt vì như vậy chúng sẽ bị tận thu và không còn con nào để sinh sản.
Chị Bùi Thị Lý, người dân xã Thụy Hải, cho biết thêm: "Ở đây người dân chỉ bắt con móng tay bằng tiêm thôi, nếu dùng cào hay cuốc như ruộng thì không còn con nào để sinh sản cả. Mỗi ngày chỉ kiếm vài cân cũng được nhưng bền vững".
Rừng là cuộc sống hôm nay và mai sau
Thật chẳng mấy nơi đâu có cuộc sống sinh hoạt lạ như ở Thụy Hải. Cứ ban đêm họ rủ nhau đi trồng rừng như một thú vui. Ngoài hơn 20 thành viên chính thức của đội chủ yếu là phụ nữ còn có không ít tình nguyện viên trồng rừng từ các đoàn thể thanh niên, hội chữ thập đỏ, người cao tuổi... hăng hái tham gia.
"Chúng tôi đi trồng rừng ban đêm lúc trăng sáng như đi tập thể dục, được hưởng không khí trong lành của biển, thích hơn cả đi du lịch. Có hôm 12 giờ đêm chúng tôi ra quân mà đông như hội, trồng đến 12 giờ trưa hôm sau được mấy nghìn cây và tiếp tục những công việc hằng ngày như bình thường", bà Minh kể.
Đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng trông bà Minh vẫn rất khỏe khoắn, từng bước đi rất mạnh mẽ, dứt khoát. "Ở đây các loại tôm cua cá rất phong phú, nhờ hải sản này đời sống của chúng tôi lại được nâng cao. Rừng bảo vệ che chở chúng tôi, cung cấp nguồn sống cho chúng tôi, nên chúng tôi nguyện trồng rừng đến hết cuộc đời, cũng như dạy bảo con cháu phải luôn giữ và phát triển rừng", bà Minh hạnh phúc nói.
Bình luận (0)