Tập thể thao thành trào lưu nhưng thực tế sử dụng trang phục thể thao thì lại không được đúng như trào lưu. Rất nhiều người tập thể thao đã sử dụng sai không chỉ trang phục mà còn không đúng bối cảnh, tình huống gây ra phản cảm và thậm chí là các tình huống thiếu an toàn không đáng có.
Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng của thể thao. Bởi lẽ, không chỉ như các loại thời trang thông thường khác - có chức năng làm đẹp, tạo cảm giác thoải mái hay thể hiện đẳng cấp, phong cách cá nhân, gu thẩm mỹ… trang phục thể thao là một “công cụ” hỗ trợ cho người chơi thể thao.
Đó cũng chính là lý do với mỗi môn thể thao, quy định về trang phục sẽ khác nhau. Có rất nhiều nguyên tắc được đặt ra khi chọn lựa đồ tập thể thao như chất liệu - phải đảm bảo độ co giãn lên đến vài trăm phần trăm. Điều đó nhằm đáp ứng hệ thống cơ của người tập được vận động đúng theo mục tiêu của động tác tập.
Hoặc độ dày của chất liệu phải đủ theo quy định để khi vận động không bị rách, nhất là với các môn thể thao ngoài trời thì độ dày phù hợp còn giúp bảo vệ người tập trước các yếu tố của môi trường. Các đường cắt, may trên đồ tập phải ở những vị trí phù hợp, tránh các khớp để không cản trở các động tác gập tay chân.
Quan trọng hơn còn là chất liệu phải là chuyên dụng cho thời trang thể thao như: Spandex, Dri-fit, Gore-Tex, Polypropylene, Cotton (với một số môn thể thao trong nhà).
Kiểu dáng thời trang của đồ tập cũng rất quan trọng. Ngoại trừ một số môn thể thao mang tính biểu diễn thì hầu hết các sản phẩm không được rườm rà, cầu kỳ, rộng lùng thùng. Không chỉ không giúp được cho việc tập được tập trung, ổn định mà ngược lại còn gây hại cho người tập.
Không sử dụng trang phục thường ngày để tập thể thao - là nguyên tắc lớn trong việc chọn đồ thể thao. Những trang phục thường ngày không có tính chuyên dụng gây chấn thương cho người tập ngang nhiều ngang với việc người tập thực hành các động tác sai, kỹ thuật chưa tới hay lơ là, thiếu tập trung.
Không chỉ là sử dụng sai trang phục sẽ gây hại, giảm hiệu quả tập thể thao mà sử dụng trang phục không đúng quy định với môn thể thao của nó cũng gây hại không kém. Ví dụ, một chiếc quần shorts bóng rổ bao giờ cũng phải lớn gấp đôi một chiếc quần bơi đối với nam.
Những chiếc túi của quần shorts trong bóng rổ sẽ là một vật cản lớn dưới nước khiến bạn bơi kém, xấu hẳn đi so với việc sử dụng đúng quần bơi. Quần dài có thể sử dụng trong yoga, zumba, belly dance… nhưng quần dài không thể sử dụng trong đạp xe, đá cầu, đá bóng…
Đó là chưa kể, với sự hiện đại của khoa học hiện nay, có nhiều loại trang phục, chất liệu được tạo ra và mang hiệu quả cho người tập vượt bậc về mặt thành tích. Đã từng có câu chuyện FINA (Liên đoàn bơi lội thế giới) đã phải ra lệnh cấm với các loại áo bơi kỹ thuật cao (chế tạo bằng chất liệu polyurethane và các loại sợi tổng hợp không dùng phương pháp dệt) giúp VĐV bơi rút ngắn thời gian do triệt tiêu được lực cản của nước…
Như vậy để thấy, cùng với yếu tố đẹp, thu hút, khoe body, cơ - lợi thế hình thể cá nhân hoặc thậm chí là khoe sự sang chảnh (đồ hiệu cao cấp, chất liệu đặc biệt, có các yếu tố thiết kế giới hạn...) thì thời trang thể thao rất cần được chú trọng yếu tố phù hợp, đúng loại, đúng kiểu, đúng môn thể thao để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người chơi thể thao.