Thông điệp của các lãnh đạo thế giới năm 2023

02/01/2023 06:45 GMT+7

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục phủ bóng đầu năm 2023 và cũng là chủ đề quan trọng trong thông điệp năm mới của các lãnh đạo thế giới .

Khó lường xung đột

Phát biểu nhân dịp năm mới, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều tuyên bố sẽ giành thắng lợi trong cuộc xung đột đang diễn ra. Song trong khi ông Zelensky nói về lòng biết ơn và nỗi đau, ông Putin lại kêu gọi người Nga coi xung đột như một cuộc chiến “gần như sống còn”, theo Reuters.

Tổng thống Putin trình bày phát biểu năm mới với các quân nhân đứng sau

Reuters

Năm nay, Tổng thống Putin đi ngược lại truyền thống khi trình bày thông điệp năm mới tại TP.Rostov-on-Don với các quân nhân đứng sau, thay vì phát biểu tại Điện Kremlin. Ông nói rằng năm 2022 được đánh dấu bằng “những quyết định khó khăn nhưng cần thiết” để bảo vệ nền độc lập tuyệt đối của Nga. The Wall Street Journal dẫn lời ông Putin cảm ơn quân đội Nga nhưng cũng yêu cầu nhiều hơn từ họ, nhấn mạnh rằng các binh sĩ đang chiến đấu “để bảo vệ người dân chúng ta tại các vùng lãnh thổ lịch sử của nước ta, cũng như tại các khu vực mới của Liên bang Nga”.

Xem nhanh: Ngày 311 chiến dịch, tên lửa Nga không tránh ngày đầu năm, tổng thống Ukraine nói sẽ giành lại tất cả

Ông Putin cũng cáo buộc phương Tây lừa dối về ý định giúp đảm bảo hòa bình ở khu vực Donbass phía đông Ukraine. “Họ đang lợi dụng Ukraine và người dân nước này một cách trắng trợn để làm suy yếu và chia rẽ nước Nga. Chúng ta chưa bao giờ cho phép bất cứ ai làm vậy và chúng ta sẽ không cho phép điều này xảy ra trong tương lai”, Tổng thống Nga nói và khẳng định “chính nghĩa đạo đức và lịch sử đứng về phía chúng ta”.

Tổng thống Zelensky và phu nhân trong hình ảnh chính thức cho phát biểu năm mới

AFP

Về phần mình, trong đoạn video dài 17 phút được công bố ngay trước giao thừa, ông Zelensky nói với người dân cả nước: “Chúng ta được bảo rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng. Chúng ta nói: Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài chiến thắng”. Nhà lãnh đạo Ukraine vẫn mặc chiếc áo đã trở thành biểu tượng của mình, đứng trong bóng tối với lá cờ Ukraine thấp thoáng phía sau. “Chúng ta đã cùng nhau chiến đấu - cả nước, toàn bộ các tỉnh thành của chúng ta. Tôi ngưỡng mộ tất cả các bạn”, ông phát biểu. Tổng thống Ukraine hứa hẹn rằng ông sẽ lấy lại các vùng đất mà Nga đã sáp nhập hồi tháng 9.

Thủ đô Ukraine bị tên lửa Nga tấn công ngay đêm giao thừa

Thông điệp đoàn kết

Đến nay đã bước sang tháng thứ 11, xung đột Nga - Ukraine là xung đột quân sự lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến 2. Trong phát biểu năm mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói đây là sự kiện mang tính “bước ngoặt” và là “bài kiểm tra khó khăn”, nhưng tuyên bố Berlin sẽ không chấp nhận “bị đe dọa” bởi Moscow và sẽ “đoàn kết hơn bao giờ hết”, Đài DW tường thuật. Ông cũng nhấn mạnh nỗ lực nhằm giúp Đức và châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, bao gồm việc xây dựng các bến cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu năm mới

Tân Hoa xã

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ luôn sát cánh cùng Tổng thống Zelensky cho đến khi Kyiv giành chiến thắng. Còn tại London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, người thứ ba tiếp quản Số 10 Phố Downing trong năm qua, thừa nhận nước Anh đã bị rung chuyển bởi những “tác động kinh tế sâu sắc” mà xung đột gây ra. Ông Sunak dự báo những vấn đề này “sẽ không biến mất trong năm mới”, nhưng kỳ vọng lễ đăng cơ của Vua Charles III vào tháng 5 tới sẽ là dịp để đoàn kết đất nước.

Vì sao kinh tế năm 2023 sẽ có cảm giác suy thoái?

Dự báo đồng USD sẽ suy yếu so với đồng yen

Hãng tin Jiji Press ngày 1.1 dẫn lời các chuyên gia thị trường dự báo đồng USD sẽ suy yếu so với đồng yen trong năm 2023 do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ được thu hẹp.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất trong năm nay, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là sẽ giảm thiểu quy mô nới lỏng tiền tệ sau khi Thống đốc Haruhiko Kuroda rời nhiệm sở vào tháng 4.2023.

Đồng USD đã tăng giá mạnh so với đồng yen vào năm ngoái, với tỷ giá đã tăng lên mức 152 yen đổi 1 USD vào giữa tháng 10.2022, từ mức 115 yen đổi 1 USD trong quý 1 cùng năm. Điều này xuất phát từ việc Fed đã liên tục tăng lãi suất cơ bản, trong khi BOJ cố gắng giữ nguyên chính sách tiền tệ. Tình hình đã khiến chính phủ Nhật phải can thiệp bằng cách mua vào đồng yen hồi tháng 9.2022, lần đầu tiên trong 24 năm. Song từ tháng 11.2022, đồng USD đã bắt đầu rớt giá do lạm phát ở Mỹ chậm lại. Đến tháng 12.2022, tỷ giá dao động trong khoảng 130-140 yen đổi 1 USD.

Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân tiếp tục nỗ lực và đoàn kết giữa lúc đất nước bước vào “một giai đoạn mới” trong cuộc chiến chống Covid-19. “Với cách tiếp cận có mục tiêu và dựa trên cơ sở khoa học, chúng ta đã điều chỉnh ứng phó Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân ở mức độ cao nhất có thể”, ông nói trong phát biểu năm mới, theo China Daily.

Ở phía bên kia eo biển Đài Loan, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã dùng phát biểu năm mới để đưa ra đề nghị cung cấp “hỗ trợ cần thiết” nhằm giúp đại lục ứng phó với làn sóng Covid-19 hiện tại. Bà Thái cũng tái khẳng định ưu tiên đối thoại với Trung Quốc, khẳng định chiến tranh không phải là một lựa chọn để giải quyết vấn đề, theo Reuters.

Thủ tướng Scholz phát biểu năm mới

Reuters

Trong khi đó tại CHDCND Triều Tiên, không đưa ra bài phát biểu năm mới chính thức nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 1.1 đã gây chú ý khi kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng như mở rộng kho vũ khí hạt nhân “theo cấp số nhân” để đối phó với các mối đe dọa từ Mỹ, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên. Ông Kim cũng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc cố gắng “cô lập và bóp nghẹt” Triều Tiên bằng cách liên tục triển khai các loại vũ khí hạt nhân tấn công của Mỹ ở Hàn Quốc, gọi đây là việc “chưa từng có trong lịch sử loài người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.